Quản lý

Formosa chiếm dụng thị phần tàu lai dắt của doanh nghiệp Việt?

16/06/2017, 09:23

Công ty Formosa Hà Tĩnh ngang nhiên hoạt động, thu phí tàu lai như các doanh nghiệp trong nước.

tau lai dat

Ảnh minh họa

Xin phép một đường, làm một nẻo!

Lấy lý do tạm nhập tái xuất 9 tàu lai dắt vào khu vực cảng Sơn Dương để phục vụ dự án khu liên hợp gang thép, năm 2014, đề nghị của Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) được Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN cho phép thí điểm tạm nhập tái xuất tàu lai dắt để trực tiếp lai dắt cho các tàu biển cập cảng Sơn Dương. Phạm vi hoạt động các tàu lai của FHS là trong vùng nước thuộc cảng Sơn Dương, không được khai thác, kinh doanh ngoài khu vực quy định. Theo Công văn số 4378/CHHVN - TC ngày 20/10/2014 của Cục Hàng hải VN  (về thu phí và lệ phí), Cục Hàng hải VN cũng chỉ hướng dẫn FHS thu phí sử dụng cầu cảng, phí bảo đảm hàng hải chứ không hướng dẫn công ty này thu phí tàu lai…

Mặc dù chỉ xin được tạm nhập tái xuất tàu lai nhưng FHS đã đưa thêm 2 tàu khác (ngoài 7 tàu lai) vào khu vực cảng Sơn Dương. Không chỉ có vậy, FHS còn đưa các tàu lai ra ngoài vùng nước để kinh doanh, làm dịch vụ hộ tống tàu biển và tổ chức thu phí như các DN của Việt Nam. Trong khi, theo quy định hiện hành, các DN tàu lai Việt Nam mới được ưu tiên lai dắt trên lãnh thổ Việt Nam. Ngay cả khu vực cảng Sơn Dương, chỉ khi nào đội tàu lai dắt trong nước không đáp ứng được nhu cầu thì tàu lai của FHS mới được làm.

“Chỉ riêng chuyện xin tạm nhập tái xuất để được miễn thuế, sau đó lại đi làm kinh doanh như các DN khác thì không thể có DN tàu lai trong nước nào có thể “đấu” nổi FHS. Họ quá coi thường pháp luật Việt Nam…”, một chuyên gia về vận tải biển nói.

Sẽ xử lý nghiêm theo quy định

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN khẳng định, cần làm rõ việc FHS dùng các tàu lai tạm nhập tái xuất được miễn thuế nhập khẩu, nhưng không phục vụ cho việc xây dựng hình thành dự án mà phục vụ kinh doanh, có phát sinh doanh thu, ngoài ra FHS còn không báo cáo việc đưa hai tàu không phải tàu lai vào cảng Sơn Dương là sai quy định.

Cũng theo ông Thu, để làm rõ những bất cập của FHS trong việc tổ chức kinh doanh, thu phí lai dắt, ngày 7/6, Cục Hàng hải VN đã có Công văn 2270 gửi FHS yêu cầu DN này báo cáo rõ hoạt động tạm nhập tái xuất tàu lai dắt cho tàu biển cập cảng Sơn Dương. Chiều 14/6, Cục cũng đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo FHS để nghe giải trình về sự việc nêu trên. Cục Hàng hải VN sẽ xin ý kiến các bộ, ngành chức năng về vấn đề liên quan đến tàu lai dắt của FHS để báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo. “Chúng tôi chỉ đồng ý cho FHS tạm nhập tái xuất các tàu lai vào phục vụ dự án của họ chứ không đồng ý việc công ty này lách luật, lấn sân sang làm dịch vụ, kinh doanh để kiếm lời. phương tiện tạm nhập tái xuất được miễn thuế của FHS chắc chắn sẽ cạnh tranh với phương tiện nhập chịu thuế của DN Việt Nam và DN Việt Nam sẽ phải chịu thiệt thòi lớn, trong khi đáng lẽ họ phải được bảo hộ theo quy định…”, ông Thu nói.

Phó cục trưởng Bùi Thiên Thu cũng cho hay, các tàu lai dắt của FHS hoạt động đến hết ngày 30/6/2017 và công ty này đang xin gia hạn. Tuy nhiên, Cục sẽ chỉ gia hạn cho các tàu lai của FHS sau khi mọi việc được làm sáng tỏ. “Trong trường hợp FHS có dấu hiệu sai phạm, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan để xử lý nghiêm theo quy định hiện hành…”, ông Thu khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.