Giao thông

Formosa Hà Tĩnh có được phép thu phí lai dắt tàu biển?

14/06/2017, 18:34
image

Cục Hàng hải VN làm việc với Formosa Hà Tĩnh để làm rõ những vấn đề liên quan đến lai dắt tàu biển.

formosa-ha-tinh

Cục Hàng hải VN yêu cầu Formosa Hà Tĩnh làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tàu lai dắt trước khi được gia hạn hoạt động

Chiều nay (14/6), Cục Hàng hải VN làm việc với Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) để làm rõ những vấn đề liên quan đến lai dắt tàu biển của công ty này.

Theo báo cáo của Formosa Hà Tĩnh do Phó tổng giám đốc Hạng Khôn Long ký, gửi Cục Hàng hải VN, Formosa Hà Tĩnh đã đưa vào Việt Nam 9 tàu dịch vụ cảng Sơn Dương theo diện tạm nhập, tái xuất. Trong số này, có 7 tàu lai dắt tàu biển cập cảng Sơn Dương phục vụ dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh. Các tàu này cũng có chức năng chữa cháy, xử lý tràn dầu trên biển. 2 tàu khác hỗ trợ các hoạt động neo buộc dây, xử lý ô nhiễm... Từ tháng 4/2015 đến 8/6/2017, tổng số tàu thuyền phục vụ dự án là 401 tàu, trong đó có 357 tàu cần hỗ trợ của tàu lai dắt, 44 tàu còn lại có chiều dài dưới 80m nên không cần tàu lai dắt. Tổng số lần sử dụng tàu lai dắt là 1.318 lần.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó tổng giám đốc Hạng Khôn Long cũng khẳng định toàn bộ có thu phí hoạt động lai dắt để bù đắp một phần chi phí lai dắt quá lớn. Hoạt động thu phí này cũng không có lợi nhuận. Hơn nữa, các tàu lai dắt này chỉ phục vụ cho các tàu chở hàng hóa của dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh, cảng Sơn Dương. Phạm vi hoạt động chủ yếu ở vùng nước cảng biển. Đối với một vài tàu lớn cần lai dắt từ ngoài biển vào.

Tuy nhiên, đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành, hoạt động lai dắt tàu biển của Formosa Hà Tĩnh có nhiều điểm chưa phù hợp quy định. Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu, Formosa Hà Tĩnh chưa thực hiện đúng các văn bản của Chính phủ, Bộ GTVT và cả Giấy phép kinh doanh. Các tàu lai dắt này là tạm nhập tái xuất nên việc có được phép thu phí lai dắt hay không cần được làm rõ. Hơn nữa, phạm vi hoạt động của tàu lai dắt từ biển vào cũng không đúng. Hiện nay nhà máy đã đi vào sản xuất thử trong thời hạn 6 tháng, vì vậy cũng cần làm rõ các tàu lai dắt này có được phép phục vụ cả quá trình sản xuất kinh doanh sau này, hay chỉ được phép phục vụ quá trình xây dựng hình thành dự án? Các tàu cũng chỉ được phép cập cảng.

“Cục Hàng hải VN sẽ xin ý kiến các bộ, ngành chức năng về vấn đề liên quan đến tàu lai dắt này, báo cáo Bộ GTVT để trình Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo cụ thể, rõ ràng”, ông Thu nói và cho biết thêm, đến 30/6 các tàu lai dắt sẽ hết hạn. Formosa Hà Tĩnh đang xin gia hạn đến năm 2019. Tuy nhiên, trước khi cấp giấy phép gia hạn cần làm rõ các vấn đề nêu trên. Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh phải có kế hoạch cụ thể đảm bảo an toàn cho tàu vào rời cảng an toàn, thông suốt. Các doanh nghiệp lai dắt tàu biển của Việt Nam cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của Formosa Hà Tĩnh.

Theo đại diện Formosa Hà Tĩnh, ý kiến của Cục Hàng hải VN là chính xác và bày tỏ mong muốn được hướng dẫn để hoàn thiện các thủ tục thực hiện cho đúng pháp luật, kể cả việc thành lập công ty liên doanh để thực hiện chức năng lai dắt tàu biển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.