Doanh nghiệp

FTA Liên minh Kinh tế Á – Âu: 3 ngành có lợi nhất

07/06/2015, 18:05

Ba ngành có lợi thế lớn nhất là thủy sản, dệt may và da giày.

vnm_2015_760871
  Một trong những ngành có lợi thế lớn nhất trong Hiệp định Liên minh kinh tế Á – Âu là thủy sản. Ảnh minh hoạ

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng của 5 nước thành viên Liên minh kinh tế Á – Âu và Chủ tịch Ủy ban kinh tế Á – Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh này. Theo đó, Hiệp định này xác định 3 ngành có lợi thế lớn nhất là thủy sản, dệt may và da giày.

Nhiều ngành có lợi bởi FTA Liên minh Kinh tế Á – Âu

 Chia sẻ với báo chí về những thông tin liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Liên minh kinh tế Á – Âu (FTA Liên minh kinh tế Á – Âu), ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng của 5 nước thành viên Liên minh kinh tế Á – Âu và Chủ tịch Ủy ban kinh tế Á – Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh này. Liên quan đến những khó khăn và thuận lợi khi Hiệp định này, ông Hải cũng cho biết, 3 ngành có lợi thế lớn nhất trong Hiệp định Liên minh kinh tế Á – Âu là thủy sản, dệt may và da giày. “Về cơ bản các nhóm hàng này đều đạt được mục đích, bởi đối với thủy sản chế biến, Liên minh Kinh tế Á - Âu đã chấp nhận giảm thuế nhập khẩu về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Tương tự là da giày mà chủ yếu là mặt hàng giày thể thao thuế cũng về 0%. Đối với dệt may, có một số đề xuất giảm 0%, còn lại một số giảm theo lộ trình”, ông Hải chia sẻ. 

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, trong Hiệp định Liên minh Kinh tế Á - Âu ngành gặp khó là ngành thép, bởi Liên minh Kinh tế Á - Âu có các nước thành viên là quốc gia sản xuất thép lớn trên thế giới. Vì vậy, khi ký Hiệp định này ngành thép chấp nhận mở cửa một phần, sản xuất thép trong nước đối mặt với khó khăn. Mặc dù vậy, trong quá trình đàm phán, Chính phủ đã xem xét bảo hộ một cách tối đa mặt hàng trong nước đang sản xuất được. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: “Khi đã mở cửa và tham gia vào toàn cầu hóa, chúng ta phải chấp nhận nguyên tắc kinh tế thị trường. Các biện pháp của Chính phủ cũng như cơ quan kinh tế Nhà nước, sẽ bảo vệ và hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước, trong đó có doanh nghiệp thép. Nhưng đây cũng chỉ là tạm thời và có thời gian nhất định. Vì vậy, ngành thép phải chấp nhận cạnh tranh với các sản phẩm thép nhập ngoại, từ các nền kinh tế khác và đặc biệt đối với các FTA mà chúng ta đã ký”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ thêm, Việt Nam vẫn còn những dư địa, điều kiện thuận lợi để có thể hỗ trợ giai đoạn đầu cho doanh nghiệp thép, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật mà Việt Nam tiếp tục tính toán. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng cơ quan hữu quan đấu tranh chống gian lận thương mại.

Nhiều dòng thuế được xóa bỏ trong ATIGA

Cũng liên quan đến những Hiệp định tự do mà Việt Nam tham gia ký kết, Hiệp định Thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA) đã thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan khá mạnh. Theo đó, để thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định ATIGA, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, để thực hiện Hiệp định Thương mại ATIGA giai đoạn 2015-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, thay thế Thông tư 161/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cụ thể, thực hiện cam kết ATIGA, Việt Nam đã cắt giảm 6.897 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0% tính đến thời điểm 2014. Chưa dừng lại ở đó, kể từ ngày 1/1/2015, đã có thêm 1.706 dòng thuế được cắt giảm xuống thuế suất 0%. Số còn lại gồm 669 dòng thuế (chiếm 7% Biểu thuế), chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, sẽ xuống 0% vào năm 2018, tập trung vào các nhóm hàng như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa… Đáng chú ý, diện mặt hàng không phải xóa bỏ thuế nhập khẩu (duy trì thuế suất MFN) gồm Thuốc lá điếu, lá thuốc lá, các mặt hàng an ninh quốc phòng như thuốc nổ, súng đạn, pháo hoa, rác thải y tế, lốp cũ... Như vậy, nhìn chung với việc đưa 1.706 số dòng thuế cắt giảm xuống 0% vào 2015, sẽ tác động đến việc gia tăng kim ngạch nhập khẩu và xu hướng dịch chuyển nhập khẩu tăng từ các nước ASEAN so với các đối tác khác. Trong khi kim ngạch xuất khẩu không có nhiều cơ hội gia tăng đột biến, dưới tác động của tự do hóa thuế quan do các nước ASEAN 6 đã cắt giảm hoàn toàn thuế quan dành cho Việt Nam xuống 0% từ năm 2010.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.