Tài chính

FTA, TPP: Ngân hàng đi trước, doanh nghiệp nối bước theo sau

26/01/2016, 15:59

Nhiều ngân hàng, đặc biệt là BIDV, đã đi trước dọn đường hỗ trợ doanh nghiệp vươn mình ra thế giới.

FTA-TPP-ngan-hang-di-tuoc-doanh-nghiep-oi-buoc-the
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV phát biểu trong Tọa đàm phát triển công nghiệp bò và sữa.

Cơ hội lớn đang gõ cửa

Tháng 5/2015, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức ký FTA. Theo dự kiến, hai bên sẽ mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Theo đánh giá ban đầu, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang liên minh này sẽ tăng khoảng 18-20%/năm.

Tiếp đó, ngày 2/12/2015, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Đối với nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã chính thức có hiệu lực từ 20/12/2015. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau trong hiệp định, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương.

Ngân hàng “dắt tay” doanh nghiệp cùng mở cửa hội nhập

Đón những cơ hội mà các FTA mang lại, BIDV đi đầu trong việc cung ứng tín dụng cho các doanh nghiệp, đồng thời tích cực tham gia tư vấn, đưa ra các giải pháp tổng thể và lâu dài, nhằm tháo gỡ khó khăn, xây dựng chiến lược tài chính trong bối cảnh hội nhập.

Năm 2015 đánh dấu một năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam, trong đó có BIDV, với chuỗi các sự kiện do BIDV tổ chức tại Liên bang Nga gồm Hội nghị doanh nhân Việt Nam toàn thế giới; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga,… nhằm hưởng ứng thành công hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu ký tháng 5/2015.

Tháng 9/2015, BIDV đã phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức Tọa đàm “Dệt may - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập”. Việt Nam đang là một trong năm nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với các thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Ngành dệt may được cho là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định FTA, TPP. Bên cạnh các cơ hội, ngành dệt may cũng phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, thách thức lớn nhất của ngành dệt may khi Việt Nam hội nhập chính là nguồn vốn không đủ để họ trụ vững và cạnh tranh.

Nhận thức được thực tế này, BIDV xếp ngành dệt may vào nhóm ngành hàng trọng điểm cần gia tăng thị phần. Chính sách khách hàng của BIDV được triển khai theo hướng giảm lãi suất cho vay khách hàng, thủ tục phê duyệt linh hoạt, thuận tiện để hỗ trợ khách hàng tốt có thêm lợi thế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó gia tăng dư nợ tín dụng và sử dụng sản phẩm dịch vụ tại BIDV. Trước đó, BIDV và Vinatex ký thỏa thuận tài trợ vốn trị giá 600 triệu USD trong giai đoạn 2014-2016 cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và một số dự án nâng cao năng lực sản xuất của Vinatex và các đơn vị thành viên.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV nhấn mạnh, các hiệp định thương mại tự do không chỉ tạo điều kiện cho hàng dệt may Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà còn là các cơ hội gia tăng vốn đầu tư, các cơ hội về chiếm lĩnh thị trường trong nước và cải cách doanh nghiệp theo hướng bền vững.

Bên cạnh dệt may, các FTA cũng sẽ mang đến cho ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành chăn nuôi, những cơ hội mới. Việc BIDV phối hợp cùng Ngân hàng ANZ Việt Nam và Hiệp hội Thịt và Gia súc Úc (MLA) đồng tổ chức Tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp bò và sữa hiện đại, hội nhập và bền vững tại Việt Nam” là bước đi quan trọng trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để cạnh tranh với các quốc gia khi các FTA có hiệu lực đầy đủ.

Theo cam kết của lãnh đạo BIDV, ngân hàng này sẽ dành các gói tín dụng cả ngắn hạn và dài hạn ưu đãi trong giai đoạn 2016 -2020 cho các doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp chăn nuôi bò và sữa. BIDV đã xây dựng và ban hành các gói tín dụng và áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư triển khai các dự án bò thịt, bò sữa ứng dụng công nghệ cao. BIDV cũng sẵn sàng phối hợp với ngành chăn nuôi tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng hơn để đánh giá triển vọng, cơ hội, thách thức khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đối với ngành nông nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.