Thế giới

G7 bàn về Biển Đông, Trung Quốc "nổi xung"

11/04/2016, 06:05

Hội nghị Ngoại trưởng nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 khai mạc tại Nhật Bản, diễn ra trong hai ngày (10-11/4).

Ngoại trưởng các nước G7 trong ngày họp đầu tiên.

Ngoại trưởng các nước G7 trong ngày họp đầu tiên

Hội nghị Ngoại trưởng nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 khai mạc tại TP Hiroshima (Nhật Bản) diễn ra trong hai ngày (10-11/4). Tại đây, các ngoại trưởng thảo luận nhiều vấn đề nóng trên thế giới như chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, căng thẳng trên biển Đông, nội chiến Syria hay việc tăng cường trao đổi thông tin tình báo để chống khủng bố.

Tuyên bố an ninh hàng hải

Cuộc họp lần này diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên thông báo nước này đã thử nghiệm thành công một động cơ thiết kế cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nếu việc thử nghiệm này được xác thực, đây sẽ là bước tiến lớn của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân và tên lửa. Chính vì vậy, ngay trước thềm hội nghị, một số nước đã bày tỏ quan ngại và thúc giục cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên Triều Tiên. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hy vọng hội nghị sẽ ra “Tuyên bố Hiroshima” để thúc đẩy quá trình giải giáp hạt nhân.

Một vấn đề khác cũng được đề cập tại hội nghị lần này là việc xây dựng trái phép và triển khai vũ khí của Trung Quốc ở biển Đông. Dự kiến, trong một tuyên bố về an ninh hàng hải được công bố sau hai ngày diễn ra hội nghị, các Ngoại trưởng sẽ bày tỏ phản đối mạnh mẽ việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải thông qua sử dụng những lời đe dọa hoặc vũ lực. Ngoài ra, Ngoại trưởng nhóm G7 cũng sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình tại biển Hoa Đông, nơi tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản gần khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Các nguồn tin cho biết thêm, Ngoại trưởng nhóm G7 cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, cũng như xác nhận cam kết về tự do hàng không trong bối cảnh có tin cho rằng, Trung Quốc có thể lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.

Trung Quốc lo ngại

Nhiều khả năng, những tuyên bố liên quan đến biển Đông sẽ dẫn đến những phản ứng gay gắt của Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc từng rất tức giận khi Liên minh châu Âu (EU) ra một tuyên bố với những chỉ trích gay gắt chưa từng có đối với nước này.

Trong tuyên bố, EU kêu gọi các bên giải quyết tranh cãi thông qua biện pháp hòa bình, làm rõ cơ sở các tuyên bố chủ quyền của mình phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

EU quan ngại về việc triển khai tên lửa trên các đảo ở biển Đông. Việc triển khai tạm thời hoặc lâu dài lực lượng hay thiết bị quân sự trên các cấu trúc đảo có tranh chấp ảnh hưởng tới an ninh khu vực và có thể đe dọa tự do hàng hải và hàng không là một quan ngại lớn.

Dường như lo ngại trước điều này nên ngay trước khi khai mạc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo G7, không nên cường điệu hóa vấn đề biển Đông.

Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Anh Philip Hammond, ông Vương Nghị cho hay, Bắc Kinh hy vọng London có quan điểm công bằng, khách quan trong vấn đề này và không đứng về bên nào. Cùng ngày, các chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về Nhật Bản cũng cảnh báo rằng, những âm mưu của Tokyo nhằm khuấy động căng thẳng ở biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 chứa đựng những động cơ ngầm.

Trong khi đó, ngày 10/4, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng đăng bài bình luận chỉ trích việc G7 sẽ ra tuyên bố về tranh chấp trên biển Đông. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.