Thời sự

"Gã CSGT" bất đắc dĩ ở ngã ba tử thần

15/10/2014, 18:17

Giữa vũ điệu hỗn loạn của hàng đoàn xe tải cùng hơi nóng quyện lẫn khói bụi từ mặt đường đến nghẹt thở, có một người đàn ông tay gậy, tay đèn và miệng còi liên hồi điều tiết giao thông...

Ông Đỗ Văn Thành điều tiết giao thông tại ngã ba Đình Vũ (Hải Phòng)
Ông Đỗ Văn Thành điều tiết giao thông tại ngã ba Đình Vũ (Hải Phòng)

“CSGT” bất đắc dĩ

Ông là Đỗ Văn Thành, trú tại số nhà 35B đường Lê Lai, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ông vốn là lái xe tải có thâm niên hơn 15 năm tại TP HCM.

Ông Thành cho biết, cuối năm 2013, từ TP HCM về Hải Phòng, cầm đơn đi xin việc, nhưng không đâu nhận vì ông quá tuổi. Cuối cùng ông xin được vào làm bảo vệ tại Công ty Vận tải Hà Anh. Ngồi một chỗ cũng chán, ông ra ngã ba Đình Vũ làm nghề xe ôm.

Ở ngã ba này, chuyện tắc đường vẫn thường xảy ra như cơm bữa. Phải chứng kiến cảnh các lái xe chen chúc nhau từng tý một để kịp giờ làm lệnh (làm thủ tục lấy hàng khỏi cảng, bãi - PV), nhất là sau thời điểm kiểm soát tải trọng hàng hóa đường bộ được thắt chặt, ông chịu không nổi. Một cái quay đầu thiếu ý thức của lái xe, cả ngàn xe container xếp thành hàng dài tắc nghẽn. Là lái xe, ông thấu hiểu chuyện đó và bắt đầu… xuống đường!

"Từ khi có sự hỗ trợ của ông Thành, giao thông trên tuyến đường này giảm thời gian ách tắc. Những khi ùn tắc nhẹ, anh em CSGT chưa có mặt, ông Thành xử lý luôn. Chỉ khi nào có nguy cơ ùn tắc kéo dài, ông ấy mới gọi điện anh em xuống hỗ trợ xử lý”.

Trung tá Cao Xuân Cương Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP Hải Phòng

"Những trường hợp nhân dân tự nguyện làm công tác đảm bảo trật tự ATGT như ông Thành là rất tốt. Tôi đã kiểm tra và được biết quận Hải An đang lên danh sách trình thành phố khen thưởng. Đây là mô hình tốt cần được khuyến khích, nhân rộng. Ban ATGT cũng sẽ có báo cáo thành phố biểu dương những cá nhân điển hình như vậy”.

Ông Nguyễn Văn Luyến Chánh Văn phòng Ban ATGT Hải Phòng

Ban đầu ông đứng ra tự phân làn cho các lái xe khi tắc cục bộ, lúc rảnh lại làm xe ôm. Nhưng rồi tình trạng tắc nghẽn cứ xuất hiện ngày một nhiều. Hết ngã ba Đình Vũ lại đến điểm mở Sao Á cách đó một đoạn. Những lúc CSGT chưa có mặt, giao thông rối như canh hẹ. Đường tắc lại càng tắc. Ông bỏ cả xe ôm đi làm “nghề vẫy”.

Thấy có “gã gàn”, “gã khùng” cứ chặn đầu xe, không kiềm chế nổi, lúc đầu nhiều lái xe “bặm trợn” đã kéo kính văng tục, chửi bới. Nhưng sau những lần khó chịu ấy, họ thoát được án phạt chậm lệnh. Họ bắt đầu quen.

Thấy việc “gã khùng” ấy làm có giúp nhiều cho mình, cánh lái xe trở nên phục tùng và tỏ ra thân thiện. Họ “tiến cử” ông đứng ra điều tiết, rồi xin số điện thoại. Cứ mỗi lần tắc đường, họ lại bốc máy gọi ông cầu cứu.

“Nhiều hôm vừa nằm ngủ, lái xe gọi báo tắc đường, lại quần áo, đồ nghề phóng xe ra đường. Sau tôi mắc võng ngủ lại cho tiện”, ông Thành chia sẻ.

Vậy là ông thành… CSGT. Ban đầu ông dùng hiệu lệnh bằng tay, bằng mũ và thậm chí cả áo. Sau được nhiều người mách, ông lên chợ Sắt mua gậy, còi và đèn cù buộc sau xe máy để làm công cụ điều tiết giao thông. Có phương tiện, cứ thế ngày ngày ông tự nguyện điều tiết giao thông bằng sự đam mê. Tối đến, ông bật đèn cù và mặc áo phản quang làm nhiệm vụ.

Chị Ngô Thị Tịnh, chủ quán nước ở ngã ba Đình Vũ kể: “Ông Thành làm công việc này từ đầu tháng 2/2014. Nhiều hôm trời mưa, tuyến đường này tắc kéo dài 4 - 5 tiếng. Ông ấy chẳng mũ nón gì, cứ đầu trần đứng dưới mưa miệt mài chỉ chỏ. Nhìn tội lắm! Hết tắc, ông ấy mắc võng ngủ ngay trước cửa quán nhà tôi. Bảo ông ấy vào trong quán mà ngủ nhưng ông ấy không chịu. Nhiều lần, cô con gái lấy chồng ở Hải Phòng khóc lóc, nài nỉ bố về ở cùng nhưng nhất định ông ấy không về. Thậm chí có lần mẹ đẻ của ông ra tìm về, ông ấy cũng không về mà ngủ lại để canh… tắc đường”.

“Nhờ có bác Thành, ách tắc giao thông ở ngã ba Đình Vũ này đã giảm rất nhiều. Anh em lái xe qua đây đều rất quý bác ấy. Có những hôm 1 - 2h đêm vẫn thấy bác đứng điều tiết giao thông. Cứ một mình luồn lách giữa đám xe container chỉ dẫn, bác ấy nhiệt tình lắm”, anh Vũ Văn Khiêm, lái xe của Công ty TNHH vận tải An Bình vui vẻ kể.

Thù lao bằng nước lọc, bánh mì và thuốc lá

Cũng từ ngày có ông, ngã ba Đình Vũ trở thành ngã ba thân thiện. Không có quyền năng, không được trang bị phương tiện nhưng ông lại có uy. Cái uy của ông chính là bởi sự nhiệt tình. Đám đồng nghiệp xe container, xe tải chấp hành “lệnh” ông bằng sự tôn trọng, thiện cảm.

Lái xe container, xe tải hay đến “cao cấp” như lái xe “biển xanh”, “biển đỏ” ai cũng đều răm rắp theo ông điều tiết. Đỏng đảnh hơn là các chị “chân dài” vẫn cứ tủm tỉm chấp hành mỗi khi ông chỉ tay, giơ gậy. Ông đã “làm mát” những cái đầu tưởng như chỉ chực lao ra khỏi cabin đánh nhau mỗi khi bị tạt đầu, vượt mặt của những gã lái xe nóng nảy.

Đám lái xe mỗi khi bị ra dấu dừng lại giờ tươi cười kéo kính: “Chào thủ trưởng!”. Người có nước thì móc cho ông chai nước, người có bánh thì đưa cái bánh mì. Họa hoằn lắm anh em nào hào phóng thì dúi vội cho ông 5 - 10 nghìn tiền lẻ mua bao thuốc lá động viên. Thò trong túi quần có chai lavie, ông khoe: “Của anh em vừa cho đấy!”. Giọng ông hồ hởi như vừa được trả thù lao hậu hĩnh, xứng đáng.

“Lương” của ông là đó. Ông khoe, vậy mà có ngày ông “thu nhập” đến năm, bảy chục nghìn! Tiền đó là tiền mà thi thoảng có lái xe hoặc người qua đường quý ông, tự nguyện dúi cho với lòng cảm kích. Ông không đòi hỏi, không phàn nàn mà cứ mê mải cái công việc như duyên định ấy.

Ông kể, có một chủ doanh nghiệp vận tải sau một thời gian dài thấy xe cộ của mình làm lệnh đều tăm tắp. Hỏi ra mới biết nhờ cái ông Thành “CSGT” ấy mà xe của công ty ông bớt bị chậm lệnh, DN ông bớt được nhiều thiệt hại. Người đó đã phóng xe con xuống tận nơi chỉ để biếu ông 300 nghìn. Lại có một cán bộ Hải quan hàng ngày trên đường đi làm về cứ thấy ông tay gậy, tay đèn làm thay CSGT, thi thoảng lại móc ví cho ông lúc năm chục, lúc một trăm.

Trung Thành

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.