Chất lượng sống

"Gã đầu bạc" Phạm Xuân Nguyên: Cứ "chuông rung là đi"...

03/01/2015, 13:02

"Đi để được nhìn, được thấy, được nghe, đành rồi. Nhưng đi còn để hiểu biết, học hỏi và đi để rèn luyện sức khỏe cho mình, cả thể xác và tâm hồn".

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nói với PV Báo Giao thông về những “chuyện dọc đường” trước thềm năm mới.   

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

  Người “máu đi”

Giới văn nghệ sỹ đồ rằng, ông là “người ham chơi nhất trong làng văn nghệ Việt Nam”?

Ấy là mọi người cứ nói vống lên thế cho vui thôi, mà cũng có thể họ mắng tôi đấy. Nhưng của đáng tội, câu nói đó có phần đúng ở chỗ tôi ham đi, ham chơi thật. Mọi người thường thấy tôi lang thang chỗ này, chỗ nọ. Đang ở Bắc, thoắt vào Nam. Đang từ thành thị, chốc đã núi rừng, đến mức họ nghi ngờ tôi đọc sách, viết lách, dịch thuật vào lúc nào vì cứ thấy luôn ở trên đường. Tóm lại, gã Phạm Xuân Nguyên cứ “chuông rung là đi”. Mà với tôi, cứ đi được là nghĩ được, viết được.

Điều gì đã và đang thôi thúc ông “xê dịch” nhiều như thế?

Ôi, cái sự xê dịch của tôi mà nâng lên chủ nghĩa là phiền đấy. Tôi thích đi vì có máu đi trong người hay sao ấy. Cái này do ông Trời quyết định, cha mẹ tôi khi đúc nặn nên tôi chắc cũng không ngờ có cái “máu đi” trong thằng con mình. Nhưng một khi đã đi, được đi thì tôi càng thích để được thấy tận mắt, đặt tận chân đến các vùng miền đất nước. Đi để được thấy, được nghe, đành rồi. Nhưng đi còn để hiểu biết, học hỏi. Và đi để rèn luyện sức khỏe cho mình, cả thể xác và tâm hồn. Nói như câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Cứ đi, cứ đi, nghe lắm âm thanh mới lạ”.

Đi nhiều như ông, hẳn có nhiều cảm nhận riêng về đường sá, giao thông?

Đi xa thì tôi đáp máy bay, đi gần thì đủ loại: Ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, nhiều khi rong ruổi trên những chiếc ô tô mình tự lái… Trên những chặng hành trình đó, những cái tốt, cái được của ngành GTVT đập rõ vào mắt. Và những cái chưa được, chưa tốt của ngành lục lộ, cầu đường, xe cộ cũng ập ngay vào mắt. Nhưng rõ ràng, so với trước đây vài chục năm, hạ tầng giao thông, các phương tiện giao thông bây giờ đã cải thiện đáng kể, tiện ích mọi mặt: Tàu xe sạch sẽ, khang trang hơn, phục vụ lịch sự hơn, đường sá khá hơn đẩy nhanh tốc độ đi và đến của hành khách.   

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và tác giả trước giờ ra Trường Sa
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và tác giả trước giờ ra Trường Sa

“Cảm hứng" giao thông

Diện mạo ngành GTVT thay đổi là thế, nhưng có vẻ thơ văn, nghệ thuật về đề tài giao thông còn khá thưa vắng?

Nếu xét theo đề tài thì quả là văn thơ viết về GTVT đang ít thật. Đội ngũ viết cũng ít. Có lẽ nhà văn Nguyễn Khắc Phê là người chuyên canh nhất về mảng đề tài này vì ông vốn là người trong ngành. Nói vậy nhưng cũng đừng quên là đã có những tác phẩm hay viết về GTVT, nhất là trong thời chiến, như bài thơ nổi tiếng Gửi em, cô thanh niên xung phong của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Hay sau thời bình, tôi cứ ấn tượng mãi với bài thơ Con đường cũ bây giờ tôi qua của nhà thơ Ý Nhi, viết ngay sau năm 1975. Khi chiến tranh kết thúc, đất nước liền mạch đường xe chạy vào Nam, ra Bắc, các cô gái thanh niên xung phong làm đường thời chiến trở về quê hương.

Theo ông, vì sao thơ văn về GTVT ngày nay lại thưa vắng như vậy?

Tôi không dám chắc biết hết, biết rõ các nguyên nhân chính của việc thưa thớt tác phẩm văn chương viết về GTVT. Nhưng có thể là do đặc thù của một ngành mà công việc và công trình luôn phơi bày hiển lộ trước mắt mọi người qua lại, nhưng để hiểu rõ về những công trình, công việc đó thì không dễ. 

Với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, ông có dự định gì với mảng đề tài có “cảm hứng” từ ngành GTVT?

Tôi được biết Bộ GTVT vừa phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trại sáng tác viết về ngành. Các nhà văn, nhà thơ đã đi thực tế, lấy tài liệu, gặp gỡ những người làm GTVT. Tôi nghĩ Hội Nhà văn Hà Nội cũng có thể kết hợp với Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội tổ chức những trại viết kiểu như thế. Hoặc tổ chức một cuộc thi viết về ngành GTVT trên địa bàn thủ đô. Nếu Bộ và Sở có ý định tổ chức một trại viết hoặc một cuộc thi như vậy, Hội Nhà văn Hà Nội sẽ phối hợp cộng tác.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Huy (Thực hiện)

“Nhớ” người mở đường

Tại một góc nhỏ trong quán cà phê cạnh sông Hàn (Đà Nẵng), “gã đầu bạc” Phạm Xuân Nguyên cứ đọc đi đọc lại từng câu chữ, ý thơ trong bài “Con đường cũ bây giờ tôi qua”. Ông Nguyên bảo: Một bài thơ xúc động, thấm thía, nói về tình cảm biết ơn và nỗi buồn về sự vô ơn. Có phải thế chăng mà tôi đã thuộc nó ngay khi đọc lần đầu, từ rất lâu rồi. Khi chiến tranh kết thúc, đất nước liền mạch đường xe chạy vào Nam, ra Bắc, các cô gái thanh niên xung phong làm đường thời chiến trở về quê hương. Trong niềm vui hân hoan chiến thắng, nhà thơ không quên các cô, muốn nhắc người đời phải nhớ tới các cô, nhà thơ sợ các cô bị bỏ quên”. 

Giọng ông chầm chậm: “Con đường cũ bây giờ tôi qua/ Vẫn mùa hạ vô cùng dữ dội/ Trời xanh quá xui lòng bối rối/ Hay nỗi buồn vì con đường vắng em/ Đã qua rồi những năm đạn bom/ Nón em trắng một vầng sáng nhỏ/ Áo em xanh, áo em hồng, áo đỏ/ Bây giờ em về đâu?/ Cỏ đã trùm kín hố bom sâu/ Hoa tứ quý trổ bùng ven đường nhựa/ Tròn trặn nở chùm hoa xấu hổ/ Mọc theo nhau lan suốt triền xa/ Xe với người nườm nượp vào ra/ Em đang ở miền nào đất nước/ Tôi vẫn nhớ dường không nguôi được/ Ngày con đường có em/ Bụi bám dày trên mặt lá sim/ Hoa thì nở nhỏ nhoi vòm cây lạ/ Tiếng bom nổ trong chiều vàng nắng lóa/ Xẻng đất đầy bàn tay em chai/ Nón ngụy trang, áo màu sẫm vá vai/ Canh rau dại mời nhau qua bụi đất/ Em thường nói tới một ngày thống nhất/ Em sẽ đi trên mọi ngả đường/ Mùa hạ này xe chạy suốt quê hương/ Em đang ở miền nào đất nước?”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.