Đường sắt

Ga Hà Nội là trung tâm trong mạng lưới giao thông Thủ đô

15/08/2017, 02:05

GS. TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.

7

Ga Hà Nội sẽ trở thành trung tâm trung chuyển lớn trong mạng lưới giao thông đô thị của Thủ đô

Vai trò trung tâm trung chuyển lớn

Tại một cuộc họp, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội vừa đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi nội đô. Quan điểm của giáo sư về đề xuất này như thế nào?

Thực ra, đề xuất di dời ga Hà Nội khỏi nội đô không phải bây giờ mới nói tới. Vấn đề này cũng từng được đề cập từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chúng ta phải căn cứ vào những căn cứ pháp lý để có sự thống nhất về quan điểm cũng như cách xử lý vấn đề.

Giao thông của Thủ đô Hà Nội là vấn đề rất lớn, vì vậy các cơ quan của Nhà nước, trước hết là UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành liên quan như: Bộ Xây dựng, GTVT đã tập trung công sức rất nhiều để xây dựng quy hoạch phát triển giao thông của Thủ đô, sao cho có thể đáp ứng được những đòi hỏi của tình thế trước mắt, cũng như đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài.

Để làm rõ thêm, chúng ta thấy rằng trong nghiên cứu của JICA tại dự án HAIDEP được thực hiện trong những năm 2005-2006 mà tôi nói ở trên đã chỉ rõ, vận lượng trên trục từ Ngọc Hồi đến ga Hà Nội và đi sang phía Bắc là Gia Lâm, Yên Viên lên tới 500.000 người trong một ngày đêm. Chắc chắn bây giờ còn lớn hơn nhiều. Chúng ta sẽ hình dung với vận lượng đó và một khi không chấp nhận để xe máy đi trên tuyến nữa, phương tiện vận tải nào có thể chuyển tải hết được. Ta sẽ đưa ra giả thiết là dùng xe buýt và với mật độ chạy xe dày đặc, gần như không thể có trong thực tế là mỗi phút có một chuyến xe, một giờ có 60 xe, mỗi xe bình quân chở 100 người, cũng chỉ có thể chuyển tải được 6.000 người trong một giờ trên một hướng tuyến. Trong khi theo nghiên cứu của JICA, trong giờ cao điểm trên một hướng của tuyến này lượng hành khách lên tới 20.000, thậm chí 25.000 người. Tức là gấp hơn 4 lần công suất của tuyến xe buýt giả tưởng nói ở trên.

Điều đó khẳng định rằng, nếu không có phương tiện giao thông đường sắt, không có phương tiện nào có thể đảm đương nổi việc chuyển tải một vận lượng hành khách lớn như vậy. Từ đó ta thấy, việc phát triển đường sắt, duy trì đường sắt trên hướng này là một đòi hỏi khách quan cho cả trước mắt và lâu dài, chứ không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của chúng ta.

Việc này có nhiều đóng góp của các chuyên gia trong nước và nước ngoài như: Thụy Điển, Đức, Nhật Bản. Riêng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có 2 dự án hỗ trợ để Hà Nội nghiên cứu và lập quy hoạch phát triển tổng thể nói chung cũng như phát triển GTVT nói riêng. Trên cơ sở các nghiên cứu, đề xuất của các chuyên gia và các nghiên cứu từ các dự án hỗ trợ quốc tế như vậy, UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đã xem xét, chấp thuận và thống nhất trình lên Thủ tướng.

Trên cơ sở đó, trong 2 thập kỷ vừa qua, Thủ tướng đã có 3 quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội. Đầu tiên là Quyết định 108/QĐ-TTg ngày 20/6/1998. Đến năm 2010, sau khi Hà Nội mở rộng, Thủ tướng lại có Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể của Hà Nội sau khi mở rộng. Để cụ thể hóa hệ thống giao thông của Hà Nội, cách đây 1 năm, ngày 31/3/2016 Thủ tướng có Quyết định 519/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội. Trong cả ba Quyết định này, khi nói về đường sắt khu vực Thủ đô, đều ghi rõ tuyến đường sắt hiện hữu là tuyến đường sắt hướng tâm, đi từ Ngọc Hồi đến ga Hà Nội và sang Gia Lâm, Yên Viên là tuyến đường sắt đô thị số 1. Đây là tuyến đường sắt đi trên cao được xếp đầu bảng vì vai trò quan trọng của tuyến đối với giao thông của Thủ đô và đương nhiên trên tuyến này có một trung tâm lớn là ga Hà Nội. Quyết định của Thủ tướng cũng ghi rõ: Ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại để trở thành trung tâm trung chuyển lớn của Thủ đô.

Điều đáng tiếc là khi Thủ tướng ký quyết định đầu tiên liên quan đến tuyến đường sắt này, như đã nói là vào tháng 6/1998 đến nay đã 19 năm, tức hai thập kỉ trôi qua. Với thời lượng như vậy, nếu chúng ta chấp hành quyết định của Thủ tướng một cách nghiêm túc và hành động có trách nhiệm, chắc chắn rằng, tuyến đường sắt trên cao này đã được xây dựng xong. Như thế, Hà Nội đâu còn phải gánh trải sự khó khăn về giao thông của đường sắt trên mặt đất như hiện nay. Việc vận tải hành khách trên địa bàn Thủ đô nếu như vậy đã có thể hết sức thuận tiện, an toàn, thậm chí có thể nói là rất văn minh, hiện đại.

Cần nói thêm, việc chậm trễ như vậy có phải vì không có vốn hay không? Hoàn toàn không phải. Tuyến đường sắt đô thị này đã được phía Nhật Bản quan tâm và là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được đưa vào kế hoạch nhận vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Nhưng vì nhiều lý do, dự án này gần như dậm chân tại chỗ và cho đến nay chưa thực sự khởi công. Đó là điều rất đáng tiếc.

Dứt khoát phải dùng loại hình vận tải khối lượng lớn là đường sắt

Cũng có ý kiến cho rằng đường sắt đưa hành khách vào nội đô sẽ làm lưu lượng hành khách ở nội đô rất lớn, khiến vận tải hành khách nội đô khó lập được trật tự. Quan điểm của ông thế nào?

Trước hết, Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm của một chuỗi đô thị và vùng dân cư xung quanh, của các tỉnh trong liên vùng nên đương nhiên lực hấp dẫn của Hà Nội là rất lớn. Người ta đi về Hà Nội để thực hiện rất nhiều nhu cầu của cuộc sống, để học tập, chữa bệnh, gặp gỡ, giao dịch, hội họp và cả mua bán, du lịch. Nếu không có đường sắt, người ta vẫn đi về, không thể nói nhu cầu này không có. Làm sao mà “ngăn sông cấm chợ” được?!

Đương nhiên, hiện nay tình hình trật tự vận tải hành khách trên địa bàn Thủ đô là không được như mong muốn. Các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Sở GTVT đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để lập lại trật tự vận tải hành khách không chỉ ở nội đô mà còn từ liên vùng về Hà Nội. Sở GTVT Hà Nội đã điều chuyển, xây dựng mới, tổ chức vận hành các bến xe khách sao cho đạt được mong muốn đặt ra. Nhưng có điều chúng ta cần nhìn ra, như tôi đã nói ở trên, do nhu cầu vận chuyển lớn như vậy mà hiện nay chúng ta mới chỉ dựa vào các tuyến xe khách liên tỉnh và xe máy của người dân, phần nữa là ô tô cá nhân. Do năng lực thông qua của các loại hình vận tải này rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu vận lượng lớn nên quá trình vận chuyển hành khách liên vùng vào Thủ đô có hiện tượng rối ren và nhiều khi không lập được trật tự. Nước đầy nhưng cống nhỏ, lưu thoát không kịp, ngập lụt xảy ra là điều không tránh khỏi.

Đương nhiên, chúng ta phải lập lại trật tự vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô khách, nhưng không thể chỉ tập trung bằng ô tô khách được. Dứt khoát chúng ta phải dùng tới những loại hình vận tải có khối lượng lớn là đường sắt. Và chỉ có đường sắt, một loại hình vận tải trực thông từ không gian liên vùng tới nội thành là những nơi người ta cần đi tới. Có như vậy, các quá trình vận tải hành khách ở Thủ đô mới có thể diễn ra trong văn minh, trật tự.

Hà Nội có ưu việt rất lớn mà TP.HCM trong tương lai rất xa chưa thể có được, đó là có tới 5 tuyến đường sắt quốc gia hướng về: Tuyến đường sắt phía Nam đi lên, tuyến đường sắt từ Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, từ Yên Bái, Phú Thọ đi về và sắp tới mở tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long sẽ là 6 tuyến đường sắt hướng về Hà Nội. Người dân ở các tỉnh đó đi tàu về các ga đầu mối Ngọc Hồi ở phía Nam, Gia Lâm và sau này là Dương Xá, Yên Viên ở phía Bắc. Sau đó, chuyển sang tàu đường sắt đô thị với tần suất không quá 10 phút/chuyến để đi về ga Hà Nội, sẽ hết sức thuận tiện, dễ dàng. Đó chính là những quá trình vận hành giao thông của một thành phố văn minh, hiện đại mà chúng ta cần phải có, không chỉ cho trước mắt mà cho cả lâu dài.

Quần thể kiến trúc hiện đại ga Hà Nội tương lai

Theo giáo sư, ga Hà Nội rồi đây sẽ được xây dựng lại như thế nào?

Việc xây dựng một trung tâm trung chuyển lớn cho toàn mạng lưới giao thông đô thị của một thành phố lớn cũng là một đòi hỏi khách quan. Nhận rõ điều này, TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm xây dựng một trung tâm trung chuyển lớn tại Bến Thành, kết nối và hợp lưu các tuyến đường sắt đô thị từ Tham Lương ở phía Bắc, Phú Lâm ở phía Tây, Suối Tiên ở phía Đông đi về và sẽ còn một tuyến từ đây đi ra Thủ Thiêm hướng tới sân bay Long Thành. Nhưng vùng đất Bến Thành rất chật hẹp, TP Hồ Chí Minh sẽ phải xây dựng một trung tâm ngầm với diện tích lên đến hơn 4ha, điều đó rất tốn kém. Trong khi Hà Nội một lần nữa lại có lợi thế hơn TP Hồ Chí Minh vì Hà Nội có một quỹ đất vàng là ga Hà Nội lên tới 18ha. Đó là điều rất thuận lợi cho việc xây dựng một trung tâm trung chuyển lớn ở đây. Chắc chắn không thể tốn kém như việc xây dựng trung tâm ngầm ở Bến Thành.

Trung tâm ga Hà Nội, về giao thông, ít nhất sẽ là 3 tầng: Tầng ngầm cho các tuyến đường sắt đô thị đi ngầm như tuyến số 3 từ Nhổn về và các bãi đỗ xe ngầm; tầng mặt đất sẽ là các sân ga đưa đón hành khách, các bãi đỗ xe buýt và xe taxi; tầng cao là các tuyến đường sắt đi trên cao. Tiếp theo trên đó sẽ là khối kiến trúc cao tầng để làm các trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm tài chính, văn phòng giao dịch khác… Với quy mô rộng lớn 18ha như đã nói, quần thể kiến trúc hiện đại này hoàn toàn đủ sức trở thành bộ mặt mới ở vùng trung tâm Thủ đô.

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực vượt qua khó khăn để xây nên một trung tâm trung chuyển cho giao thông như vậy, không lẽ chúng ta với điều kiện thuận lợi, có thể nói là trời cho, lại không làm được hay sao? Nếu chúng ta không làm, những thế hệ sau sẽ hỏi, các thế hệ người Hà Nội ngày hôm nay đã suy nghĩ và làm gì để giao thông đô thị Hà Nội có thể xứng đáng là Thủ đô văn minh, hiện đại của đất nước.

Cảm ơn giáo sư!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.