Người dân thêm nghề mới
Nhà xưởng của Huy rộng chừng 300m2 tại vùng đất Phú Yên. Anh thu mua xương rồng tai thỏ từ 20 hộ nông dân trong vùng để chế biến thành sản phẩm ăn liền. Việc thành công bước đầu của anh đã gieo hy vọng cho vùng đất khô cằn này.
Bà Nguyễn Thị Thơ, một người dân địa phương vui mừng khi có thêm thu nhập từ việc bán cây xương rồng tai thỏ cho xưởng của anh Huy. Với mức giá khoảng 7.000-14.000 đồng/kg, bà nhẩm tính mỗi đợt bán thu về tiền triệu.
"Đây là mức giá mà bà con nơi đây chưa bao giờ nghĩ tới khi loại cây này chỉ mọc dại, thường chỉ dùng làm hàng rào", bà Thơ nói và cho hay, từ ngày anh Huy thu mua, nơi đây đang dần hình thành một nghề mới, người dân cũng chú trọng hơn đến kỹ thuật nuôi và chất lượng cây.
Trần Bảo Huy, được biết đến là nhà sáng lập Công ty TNHH Xương rồng Việt Nam. Anh trở thành người Việt Nam đầu tiên đưa xương rồng vào chế biến sâu.
Theo BS Trần Bá Thoại, Viện Nội tiết Việt Nam, tại châu Âu và Mỹ La-tinh, những năm gần đây sản phẩm chế biến từ xương rồng như nước ép hay mứt đã xuất hiện trên kệ các siêu thị. Các nhà hàng cũng sử dụng xương rồng để làm rau xanh, salad, ép nước…
Đây là loại xương rồng ăn được thuộc họ Nopal. Loài cây này mọc tự nhiên rất nhiều trong các sa mạc tây bắc Mexico và tây nam Hoa Kỳ. Từ lâu, cư dân ở đây đã dùng loại xương rồng này để chăn nuôi, làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh… Vì thế, xương rồng cũng là một nét biểu trưng văn hóa, logo của miền viễn Tây châu Mỹ.
"Thống kê cho thấy, một người dân Mexico mỗi năm dùng trung bình đến 6,4kg xương rồng. Rất nhiều món ăn, thức uống của Mexico sử dụng xương rồng Nopal làm nguyên liệu", ông Thoại cho hay.
Khai phá nguồn thực phẩm bổ dưỡng
Ở Việt Nam, nhiều nơi như Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam, các bà nội trợ cũng đã biết chế biến xương rồng bằng cách xào, nấu canh, làm lẩu… Có nơi còn phong danh "đặc sản" địa phương. Tuy nhiên, việc chế biến sâu dòng sản phẩm này thì chưa có.
Ông Thoại cho rằng, vì là một loại rau thực phẩm, xương rồng Nopal có chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy-hóa (antioxidants), vitamin, khoáng, vi lượng, còn được dùng điều chế một số thuốc biệt dược, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh rối loạn chất mỡ trong máu, ngộ độc rượu, tiêu chảy, nhiễm virus, u xơ tiền liệt tuyến…
Cũng vì nhiều xơ sợi, pectin và mucilage nên xương rồng Nopal là một thực phẩm chức năng rất tốt để phối hợp cho các bệnh nhân thừa cân, béo phì và đái tháo đường. Theo nhiều nghiên cứu khoa học ở Mexico, thực phẩm chế biến với xương rồng Nopal có khả năng làm giảm đường máu và tăng insulin máu rõ rệt ở các bệnh nhân đái tháo đường thể 2.
"Với thành công của anh Huy, không chỉ khai phá được nguồn dinh dưỡng từ sản phẩm này mà còn giúp mở ra nguồn sinh kế mới cho những vùng đất khô cằn vốn rất hợp để loại cây này sinh trưởng", ông Thoại nói.
Từng bị coi là "gã khùng"
Với nhiều người, họ thường mặc định xương rồng là loại cây dại. Cũng vì thế mà con đường khởi nghiệp của anh Huy gặp không ít những lời dè bỉu. Thậm chí, anh từng bị gọi là "gã khùng" khi bỏ nghề cơ khí đang ổn định để lên những vùng đất khắc nghiệt mò mẫm với cây cỏ dại.
Năm 2021, anh mua 3.000 cây giống về trồng thử nghiệm trên đất đồi Đà Lạt. Sau một năm, cây bị ốc sên ăn, cây thì vàng lá, cây chết do không hợp khí hậu. Huy đành chuyển hoạt động về Bác Ái (Ninh Thuận), một khu vực khí hậu bán sa mạc, đất đai khô cằn, sỏi đá.
Tại đây, giống xương rồng tai thỏ đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình, không cần tốn nhiều công chăm sóc. Khi tưởng chừng thành công bước đầu thì chủ nhà yêu cầu đòi mặt bằng. Việc này đã tác động rất lớn đến ý chí khởi nghiệp với những người có vốn mỏng như Huy.
Anh kể, sau đó phải chuyển về Phú Yên, mọi việc đều phải thực hiện lại từ đầu sau 2 năm theo đuổi. Rất may, vùng đất này rất hợp để xương rồng phát triển. Anh cũng đóng đô tại đây từ đó đến nay.
"Xương rồng là loại cây khó chế biến vì đặc tính gai góc. Hơn nữa, phải chế biến làm sao cho phù hợp khẩu vị người dùng. Đó là một bài toán khó", anh nói.
Vừa trồng cây, vừa nghiên cứu cách chế biến, tài liệu phần lớn đọc trên internet, Huy đã tìm gặp và liên lạc với những người nghiên cứu để hỏi về cách bảo quản sản phẩm. Mỗi dòng sản phẩm đưa ra thị trường, anh mất tới gần một năm.
Sau 3 năm nghiên cứu với hàng trăm thử nghiệm, số tiền bỏ ra cho việc thử nghiệm hàng chục dòng sản phẩm lên tới cả tỷ đồng, Huy đã thành công và ra mắt thị trường thương hiệu Leafking, tập trung vào 2 dòng chính là nước uống xương rồng và xương rồng muối chua.
Sản phẩm cũng được mang đi thử nghiệm và đạt chất lượng, không chất bảo quản. Gần đây, thương hiệu này cũng ra mắt những dòng sản phẩm mới như bột xương rồng, trà xương rồng túi lọc.
Về quy trình sản xuất, Huy cho biết gặp không ít gian truân, tuy nhiên mọi thứ đang khá mới mẻ và cũng là những bí mật khởi nghiệp của Huy ở hiện tại. Song chàng trai tự tin, từ chỗ là một thương hiệu mới, sản phẩm đã bước đầu được khách hàng chấp nhận, có những khách hàng quay lại mua sản phẩm lần thứ ba, lần thứ tư.
Từ chối tiết lộ doanh thu song anh cho biết, trong năm 2024, anh đặt mục tiêu nâng cao nhận diện thương hiệu, mở rộng kênh phân phối đại lý nhằm đưa sản phẩm đến rộng rãi hơn với người tiêu dùng. Trong tương lai không xa, anh sẽ gọi thêm vốn để đầu tư nhà xưởng, mở rộng sản xuất với quy mô hiện đại, hướng đến xuất khẩu.
Nhà xưởng của Leafking hiện được đặt tại thôn Đông Phước, xã Hoà An, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên. Anh Huy cho biết, dù doanh thu chưa nhiều, song bước đầu sản phẩm tiếp cận thị trường có nhiều thuận lợi. Anh cùng một đồng nghiệp khác trực tiếp vừa sản xuất tại xưởng, mỗi ngày chỉ dám nhận sản xuất theo đơn hàng đặt trước.
Chị Lan, một khách hàng phân phối sản phẩm của Leafking cho biết, với mức giá 25.000 đồng/lọ nước hoa xương rồng và 35.000/lọ 500gram xương rồng muối chua, mỗi tháng chị bán ra được hơn 200 sản phẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận