Giao thông

Gầm đường sắt trên cao biến thành bãi rác, điểm giữ xe

12/04/2018, 06:09

Dù chưa hoàn thành, đưa vào khai thác, nhưng nhiều vị trí gầm cầu đường sắt trên cao thuộc hai tuyến đường sắt...

1

Gầm đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang trở thành nơi tập kết rác thải gây mất mỹ quan đô thị (Chụp ngày 10/4/2018 tại khu vực Hoàng Cầu, Hà Nội) - Ảnh: Nam Khánh

Gầm cầu thành bãi rác, chỗ để ô tô...

Chiều 10/4, ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên đường Hoàng Cầu, từ ngã ba Hoàng Cầu đến ngã ba Láng - Yên Lãng, dù phần gầm đường sắt đô thị đã được trồng cây xanh sau khi hạ tầng đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được hoàn thiện nhưng xuất hiện hàng chục bãi rác chất đống lâu ngày, bốc mùi hôi thối. Khu vực từ ngã tư Hoàng Cầu - Thái Hà đến đối diện số 30 Hoàng Cầu ngổn ngang nhiều đống gạch, đá vụn, phế thải xây dựng.

Cũng trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đoạn từ ngã ba Hoàng Cầu - Đặng Tiến Đông đến đối diện số 7 Hoàng Cầu mới dưới gầm chình ình nhiều “núi” rác thải sinh hoạt khổng lồ. Thậm chí, người dân còn ngang nhiên châm lửa thiêu hủy rác, khói đen nghi ngút. “Tàn tích” của các đám cháy còn để lại những vệt đen kéo dài trên nhiều trụ cầu. Nhiều trụ cầu, gầm cầu còn được người dân tận dụng treo những tấm biển quảng cáo rất phản cảm.

"Mới đây, chúng tôi đã làm việc với Công ty Môi trường đô thị Hà Nội để phối hợp xử lý, hót dọn những đống rác thải còn lại dưới gầm cầu đường sắt. Đồng thời, phường cũng sẽ đặt các thùng rác tại khu vực lân cận phục vụ người dân”.

Ông Phạm Việt Cừ 
Phó chủ tịch phường Ô Chợ Dừa

Cô Vũ Minh Thắm, một người dân sống trong ngõ 100, đường Yên Lãng cho hay, tình trạng trên diễn ra từ lâu, đoạn nào hoàn thành phía dưới gầm đều như thế cả. Lúc đầu chỉ một vài người dân mang đồ cũ trong nhà ra tập kết, không thấy bị chính quyền nhắc nhở hay xử lý. Sau đó, nhiều người khác thi nhau ra vứt rác, để đồ đạc, vẽ bậy lên trụ cầu. “Công trình đường sắt hiện đại hàng nghìn tỷ đồng mà mọi người vô ý thức thế này là không thể chấp nhận được”, cô Thắm nói.

Đáng nói hơn, tại khu vực Hào Nam, nhiều bãi xe tự phát còn mọc lên ngay dưới gầm đường sắt. Thời điểm có mặt, tại các điểm đối diện số 14 và 44 Hào Nam, PV ghi nhận nhiều ô tô “rủ” nhau đậu đỗ như xe BKS: 30A-681.17; 30F-055.01, 30F-156.26, 29D-121.39,…

Tại điểm đối diện số 44 Hào Nam, khi phát hiện có người quay phim, chụp ảnh những chiếc xe ô tô dưới gầm đường sắt, xuất hiện một thanh niên tự giới thiệu tên Cường, chủ nhà hàng gần đó với điệu bộ “ngổ ngáo” tới dọa nạt và đòi xem ảnh PV chụp. Sau đó, Cường thừa nhận, những xe đang đỗ là của khách đến nhà hàng của mình, do nhà hàng không có chỗ để xe nên đỗ tạm dưới gầm đường sắt.

Tình trạng chiếm dụng gầm đường sắt đô thị làm nơi đỗ xe cũng diễn ra trên một số vị trí đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, dù tuyến đường này vẫn đang trong giai đoạn thi công. Đơn cử khu vực đối diện Chung cư Z157 trên đường Cầu Diễn có hàng loạt xe BKS: 30A-850.59; 30E-699.24; 43S.8850... dừng, đỗ cả tiếng đồng hồ không di chuyển.

2

Các phương tiện ô tô cũng ngang nhiên đỗ dưới gầm đường sắt

Xử lý nghiêm, trả lại mỹ quan các tuyến đường sắt đô thị

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, trong quá trình thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chủ đầu tư và các nhà thầu cố gắng tối đa để trả lại mặt bằng cho địa phương, tạo mỹ quan đô thị và thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Có những đoạn dù còn hạng mục ngầm (như chống sét, thoát nước) chờ thi công sau cũng được tháo dỡ rào chắn.

Tuy vậy, theo ông Phương, trong thời gian chưa thi công, một số điểm mặt bằng dưới gầm đường sắt trên cao lại bị người dân dùng làm nơi trông giữ xe. “Vì vậy, khi thi công tiếp, chúng tôi phải đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, giải tỏa đưa xe ra khỏi khu vực thi công”, ông Phương nói.

“Các điểm gầm cầu người dân dùng để trông giữ xe thuộc phạm vi quản lý của Hà Nội. Dự án sau khi hoàn thành được bàn giao cho Hà Nội quản lý khai thác, vận hành. Sau này, khi đường sắt trên cao hoạt động, việc có hay không cho phép tổ chức trông giữ xe dưới gầm đường sắt thuộc thẩm quyền của Hà Nội”, ông Phương cho biết thêm.

Ông Phạm Việt Cừ, Phó chủ tịch phường Ô Chợ Dừa khi trao đổi với PV cũng thừa nhận tình trạng người dân đổ rác thải và chiếm dụng làm nơi đỗ xe trái phép trên địa bàn. Theo ông Cừ, phế thải xây dựng không chỉ của người dân ở đây, vào ban đêm, nhiều đối tượng chở từ nơi khác vận chuyển về đổ.

Liên quan đến tình trạng đỗ xe dưới gầm đường sắt đô thị, ông Cừ cho biết, trên địa bàn phường vẫn thiếu trầm trọng điểm đỗ, nên người dân hoặc khách vào các quán sá xung quanh tận dụng để đỗ. “Để chấn chỉnh tình trạng này, chúng tôi đang đề nghị đơn vị quản lý dự án thu hẹp dải phân cách, tiến hành trồng cây xanh, đồng thời mở rộng lòng đường ở những vị trí đất trống, hạn chế vi phạm”, ông Cừ nói.

Ở góc độ Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Tham mưu tổng hợp cho biết, mới đây, Bộ GTVT và Hà Nội đã làm việc và yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, không để tình trạng chiếm dụng gầm cầu đường sắt đô thị làm nơi trông giữ xe, đổ rác. “Chúng tôi đã quán triệt điều này và yêu cầu các Đội Thanh tra quận Đống Đa, Nam Từ Liêm tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, trả lại mỹ quan cho các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội”, ông Tuấn Anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.