Văn hóa - Giải Trí

Gameshow truyền hình hết thời hốt bạc

27/12/2018, 10:05

Sau một thời gian làm mưa làm gió, lấn át cả “ông lớn” phim truyền hình, các chương trình gameshow, truyền hình thực tế...

23

HLV The Face 2018 liên tục gây bão với những câu nói mỉa mai nhau

“Hết nạc, vạc đến xương”

Cách đây vài năm, các gameshow, truyền hình thực tế nhiều như lá mùa thu, rải trên khắp mọi khung giờ của các nhà đài. Một số chương trình như: The Face, Gương mặt thân quen, Vietnam Idol, The Voice… từng thống trị rating (đơn vị đánh giá sự quan tâm theo dõi của khán giả) và mang nguồn thu khủng cho nhà phát hành. Tuy nhiên, khoảng hơn một năm trở lại đây, dù vẫn chiếm sóng giờ vàng cuối tuần trên các kênh lớn như VTV3, HTV…, cả rating và doanh thu quảng cáo của các chương trình này đều tụt dốc không phanh. Tính từ đầu năm đến nay, một số chương trình thi tài năng đã tổ chức qua nhiều mùa phải thay đổi format để “tự làm mới mình”. Tuy nhiên, chất lượng và rating cũng vẫn không có nhiều dịch chuyển.

Theo thống kê của Vietnam TAM (hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình), ở tuần 40 của năm 2016, rating trung bình của tất cả các gameshow trên truyền hình đạt 0,6%. Trong 6 tháng cuối năm 2016, các nhà đài thu được 2.000 tỷ đồng. Trong khi năm 2017, số lượng gameshow tăng mạnh, song rating trung bình của các gameshow truyền hình giảm một nửa là 0,3% và doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ đạt gần 1.500 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Việt Nam là một trong những nước chịu mua formart từ nước ngoài, hễ có gì mới lập tức tranh nhau mua về sản xuất và chỉ gây được tiếng vang một, hai mùa đầu sau đó mất dần, bởi thiếu đi nguồn lực sáng tạo bản địa. Thực tế, nước ngoài cũng không kịp nghĩ ra formart mới để bán cho chúng ta, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có nhảy, múa, hát.

Đơn cử theo từng chương trình, tại mùa 2 The Face rating trung bình đạt 4,96%, thấp hơn mùa 1 (năm 2016) khoảng 0,98%. Đến năm 2018, con số này lại tụt dốc không phanh xuống còn 0,22% (trên kênh H1). Ở mùa đầu tiên, nhà sản xuất The Face đã tập trung khai thác sâu về hoàn cảnh nhân vật, những màn đấu đá giữa thí sinh trong các thử thách. Tuy nhiên, ở mùa thứ ba (năm 2018), sau khi đổi nhà sản xuất thì format thay đổi có cả thí sinh nam xuất hiện. Vẫn màn “công kích, dìm hàng” và các “gương mặt thân quen” như: Lâm Á Hân, Nguyễn Hải Đăng, Thuỳ Trâm, Quỳnh Như… không tạo nên đột phá.

Một chương trình khác là Gương mặt thân quen thay đổi dàn ban giám khảo như: Đàm Vĩnh Hưng, Kim Oanh, Quang Linh thế Hoài Linh, Đức Huy và Mỹ Linh - bộ ba quen thuộc của 5 mùa liên tiếp. Format chương trình cũng chuyển thành các màn song đấu của thí sinh. Việc thay đổi này từng được kỳ vọng nhưng kết quả vẫn không có như mong đợi. Do thí sinh thiếu nhân tố tài và lạ, giám khảo không tương đồng. Điều này cũng làm giá quảng cáo của chương trình giảm xuống tệ hại.

Theo báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình thuộc VTV vào mùa đầu tiên năm 2014, giá quảng cáo trong thời gian phát sóng Gương mặt thân quen lên tới 370 triệu đồng dành cho một block quảng cáo thời lượng 30 giây. Đến năm 2018, giá quảng cáo của Gương mặt thân quen lại tụt xuống đáy khi chỉ có giá 200 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo trong thời gian phát sóng chương trình.

Bị hạ thấp vị thế do huấn luyện viên và thí sinh?

Bàn về chuyện các chương trình gameshow, truyền hình thực tế mất giá trong thời gian qua, NSƯT Nguyễn Thành Vinh, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông Khang cho rằng: “Khán giả ngày càng chán ngán với những chiêu trò câu khách. Họ tỉnh hơn và đặc biệt có nhiều nhu cầu giải trí hơn so với trước đây chỉ có mỗi chiếc tivi độc tôn, nên không dễ gì lôi kéo họ bằng những chiêu thức tạo scandal giật gân, dối trá”.

Còn PGS.TS. Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội) cho biết: “Bên cạnh khâu tổ chức, tình trạng nhiều gameshow, truyền hình thực tế bị hạ thấp vị thế, bị coi như hàng chợ còn do sự xuống cấp, lệch chuẩn của những người tham gia là HLV và thí sinh. Trong khi nhà sản xuất dễ dãi trong khâu tuyển chọn, HLV dễ dãi với phát ngôn của mình thì các thí sinh cũng không ý thức được năng lực, khiến các chương trình gameshow, truyền hình thực tế nhanh chóng đi vào ngõ cụt”. Bản thân thí sinh không có định hướng bài bản, đa phần tham gia xuất phát chỉ vì thích, thay vì chuẩn bị kỹ về chuyên môn. Cho nên, kể cả khi đăng quang, các quán quân vẫn mờ nhạt trước cái bóng của huấn luyện viên, hay những người tiền nhiệm. Chẳng hạn, Giọng hát Việt 2018 đã không thể có được những thí sinh chất lượng như: Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đức Phúc, Vũ Cát Tường... của những mùa trước. Gương mặt thân quen kết thúc một mùa ảm đạm mà không có Hoài Lâm hay Khởi My thứ hai. Sing my song năm nay cũng không xuất hiện những hiện tượng lạ như: Lê Thiện Hiếu, Cao Bá Hưng,...

Ông Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh, để gameshow có bước đột phá ngoạn mục, các nhà sản xuất phải có sự điều chỉnh hợp lý về mặt nội dung, hình thức. Tất cả các khâu trong quá trình thực hiện phải được lên kế hoạch, kiểm duyệt một cách bài bản, khắt khe, chuyên nghiệp, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào các chiêu trò. “Truyền hình truyền thống thật sự đang gặp những khó khăn và chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các nền tảng giải trí số hóa, dẫn đến sự thanh lọc cần thiết, để thị trường sản xuất “tinh” hơn. Và muốn tồn tại phải đầu tư vào chất lượng cũng như phải nắm bắt được những chuyển biến của thời đại”, ông Nguyễn Thành Vinh góp ý thêm. Thực tế cho thấy, sau một thời gian áp đảo phim truyền hình, các gameshow truyền hình thực tế đang chững lại. Phim truyền hình đang có bước cải tiến để lấy lại vị thế thượng tôn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.