Xã hội

Gần 3.500 người nhập viện vì đánh nhau ngày Tết là bất thường

15/02/2016, 07:37

Trong 6 ngày Tết (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), cả nước có hơn 3.400 ca phải nhập viện vì đánh nhau.

20160213101301-cc
Khoa cấp cứu các bệnh viện lớn tiếp nhận nhiều ca đánh nhau dịp Tết (Ảnh: VNN)

Trong cuộc nhậu ngày Tết, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, hai thanh niên xảy ra xô xát. Hậu quả, một người chấn thương sọ não, tử vong tại bệnh viện. Đây chỉ là một trong số ít những vụ điển hình cho việc sử dụng rượu, bia thiếu kiểm soát dẫn đến đánh nhau, nhập viện trong dịp Tết vừa qua.

Hiện tượng bất thường

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 ngày Tết (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), cả nước có hơn 3.400 ca phải nhập viện vì đánh nhau, trong đó có 10 ca tử vong. Cụ thể, chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết đầu tiên (28 tháng Chạp đến mùng 1 Tết), trường hợp phải nhập viện vì đánh nhau lên đến gần 2.000 ca. Còn các ngày kế tiếp, mỗi ngày cũng có hơn 300 ca nhập viện vì đánh nhau.

Đón nhận những thông tin trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đã phải thốt lên: “Đó là điều không bình thường” trong những ngày đáng ra là dịp vui vẻ, sum vầy, nhân niềm vui. “Dù với bất cứ lý do gì, việc gây hấn, đánh nhau trong những ngày Tết dẫn đến con số gần 3.500 người phải nhập viện vẫn là điều không thể chấp nhận được”, ông Tiến nêu quan điểm.

Gần đây, đã có nhiều người lên tiếng cảnh báo, bình luận xung quanh việc người Việt Nam hiện nay dường như tỏ ra hung hãn hơn trước đây. Điều đó đi liền với tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp cũng như tình trạng vô cảm trong xã hội.

Gần 3.500 người nhập viện vì đánh nhau ngày Tết chỉ là con số Bộ Y tế nắm được, còn chắc chắn thực tế lớn hơn nhiều. Bởi thế, đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Tuy nhiên, chỉ với con số này thôi đã khiến chúng ta phải giật mình, chính nó cũng khiến chúng ta thừa nhận rằng, cảnh báo trên là có thật. Đó là điều đáng lo lắng, quan ngại”.

TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Viện Điều tra Dư luậnXã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nói về nguyên nhân của hiện tượng trên, ông Tiến cho rằng có rất nhiều, nhưng đáng chú ý hơn cả là trong ngày Tết, nhiều người thường tụ tập uống rượu, bia và khi có chất kích thích cũng chính là nguyên cớ tác động dẫn đến hành vi bạo lực. “Tuy nhiên, đây không phải nguyên nhân gốc, mà nguyên nhân chính là cách ứng xử văn hóa, đặc biệt là trong giới thanh niên đang có vấn đề. Khi xảy ra mâu thuẫn, đáng ra phải trao đổi, tranh luận, phân tích cho nhau thì họ sẵn sàng dùng vũ lực lao vào đánh nhau thay cho lời giải thích, đó là việc rất đáng trách.

Thực tế, hiện nay có nhiều người quá dễ nổi nóng, không kiểm soát được hành vi của mình, mà xuất phát của việc đó chính là do giáo dục, đặc biệt giáo dục về đạo đức đang bị coi nhẹ trong cả ba môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội. “Ví như thời gian qua, trong nhà trường còn nhiều thầy cô “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với học sinh, như vậy thì làm sao giáo dục được cho lớp trẻ về ứng xử có văn hóa. Ngày nay, đời sống vật chất, kinh tế của người dân khá hơn, nhưng giáo dục về đạo đức còn bị coi nhẹ, chữ Nhẫn ngày xưa các cụ dạy chúng ta nay đã không được coi trọng. Đây là điều đáng buồn và đáng để chúng ta phải suy ngẫm”, ông Tiến nhấn mạnh.

Nền tảng cộng đồng không đủ mạnh để “trấn áp”

Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) nhận định, tình trạng đánh nhau sau khi uống rượu, bia trong dịp Tết thường xảy ra nhiều ở các vùng nông thôn, nơi mà “đề kháng” về pháp luật của người dân chưa được cao.

Đặc biệt, theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, ở nông thôn thường có tình trạng người dân vì mâu thuẫn nhỏ với nhau, rồi nhân dịp Tết, họ “mượn rượu” để nói, giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc mà trong ngày thường người ta không nói được, rồi khi uống rượu, bia vào, tâm lý căng thẳng nên không kiềm chế được bản thân, sẵn sàng lao vào ẩu đả. “Khí chất của con người có người yếu đuối, có người mạnh mẽ, đó là chuyện bình thường. Nhưng kể cả với những người nóng tính, vẫn không thể “quy chụp” họ là những người hay đánh nhau.

Điều quan trọng là sự hiểu biết, lối sống cá nhân của họ và ảnh hưởng, chi phối của cộng đồng. Nếu ở trong một cộng đồng dù nhỏ nhưng ai cũng sống rất chuẩn mực, mọi người biết kiềm chế lẫn nhau, người nọ kiềm chế người kia thì sẽ không ai có cơ hội để đánh nhau”, Đại tá Thìn phân tích và lấy dẫn chứng, ông có quen biết một người làm nghề lái xe rất nóng tính, hay chửi bậy, nhưng người lái xe đó lại sống trong một môi trường mọi người đối xử với nhau rất hài hòa nên dần dần người đó đã điều chỉnh và bỏ dần thói xấu.

Theo Đại tá Thìn, văn hóa ứng xử, hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm công dân cộng với sự ảnh hưởng và gương mẫu của cộng đồng giống như liều thuốc “đề kháng”. Còn trong những trường hợp đánh nhau do rượu, bia thì rượu, bia vẫn chỉ là điều kiện chứ không phải nguyên nhân.

Nguyên nhân chính là nền tảng mâu thuẫn không được giải quyết, hóa giải, rồi những mâu thuẫn nhỏ bị tích tụ, dồn nén. Trong khi đó, nền tảng văn hóa cộng đồng lại không đủ sức mạnh để trấn áp những người có hành vi lệch chuẩn so với xung quanh, tạo điều kiện cho những người có cá tính xấu dễ có điều kiện bộc lộ.

Khoảng 13h ngày 10/2 (mùng 3 Tết), Phạm Văn Thủy (30 tuổi, ở thôn Cam Giá, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) ngồi uống rượu cùng anh Nguyễn Khắc Luận (38 tuổi) tại nhà một người ở cùng thôn.

Trong cuộc rượu, Thủy và anh Luận xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Khi anh Luận đang đi theo cầu thang từ tầng 2 xuống thì Thủy đuổi theo dùng tay đẩy làm anh Luận ngã xuống tầng 1 bất tỉnh. Sau đó, anh Luận tử vong do chấn thương sọ não, còn Thủy bị công an bắt giam và khởi tố về tội "Cố ý gây thương tích".

Trước đó, đêm 9/2 (mùng 2 Tết), tại quán karaoke Lộc Vừng thuộc thôn Đơn Xa, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, sau khi uống rượu bia, một nhóm thanh niên đã ẩu đả với anh Mai Xuân L. (SN 1989, HKTT tại khu Phú Lộc, TP Lạng Sơn), một đối tượng dùng dao đâm vào bụng anh L. khiến nạn nhân trọng thương…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.