Y tế

Gần 40 năm mang bệnh “người cây”

11/08/2019, 06:36

Anh Nguyễn Văn Sơn (Nho Quan, Ninh Bình) là trường hợp thứ 502 trên thế giới và đầu tiên ở Việt Nam mắc căn bệnh “người cây”.

img
Hình ảnh đôi bàn chân, đôi bàn tay “cây hóa” của anh Nguyễn Văn Sơn

Biểu hiệu của bệnh "người cây" là đôi bàn tay, bàn chân xù xì, gai góc như vỏ cây già cỗi nhiều năm.

Đớn đau con trai duy nhất mang căn bệnh vô phương cứu chữa

Lặng lẽ nhìn con, bà Nguyễn Thị Dệt chỉ dám khe khẽ thở dài, giọt nước mắt trực lăn hoen đầu mắt, cậu con trai duy nhất của bà, anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1971, xóm Tân Sơn, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) không may mắc phải căn bệnh vô phương cứu chữa suốt gần 40 năm mà giờ bà mới biết tên - “người cây”.

Vốn sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, tuổi thơ của Sơn vẫn tràn ngập niềm vui. Tuy nhiên, bất hạnh ập tới bất ngờ từ những cục mụn thịt như mắt cá xuất hiện ở bàn chân, khi Sơn được 10 tuổi. “Những ngày đầu khi chạm vào nó, thấy những cục thịt sần lên mềm thôi nhưng có cảm giác hơi đau, ngứa ngáy và khó chịu. Nhưng sau đó, những nốt sần đó ngày một cứng lại, xù xì như vỏ cây xà cừ và nổi khắp hai lòng bàn chân. Hết hai lòng bàn chân, thì lại tiếp tục xuất hiện ở hai lòng bàn tay”, anh Sơn nhớ lại.

Khi các nốt sần “hóa vỏ cây”, anh Sơn vô cùng đau đớn khi đặt bàn chân xuống để di chuyển dưới đất. Những buổi học, buổi chơi bị hạn chế bởi từ đó anh phụ thuộc vào những người xung quanh. Con đường tới trường của anh Sơn là trên lưng mẹ, lưng cô. Và tuổi thơ của anh dần bó hẹp bởi ánh mắt “kì lạ” mà những người xung quanh dành cho đôi bàn chân, bàn tay ngày càng sần sùi, biến dạng của mình. Tới năm lớp 7, Sơn đành phải bỏ học vì tay không thể cầm bút, những khối u khiến anh đau đớn không thể đi lại.

Đớn đau nhìn con mắc chứng bệnh kỳ lạ, nên cứ nơi nào “kháo” chữa được bệnh là bà Dệt lại cõng con tìm đến. Năm 2000, ki cóp, nhặt nhạnh “đồng chẵn, đồng lẻ” bà Dệt quyết “cõng” con về thủ đô thăm khám ở các bệnh viện tuyến T.Ư. Hết Bệnh viện Bạch Mai lại chạy sang Bệnh viện Y học cổ truyền nhưng bệnh không thuyên giảm.

Lúc trước khi đôi bàn tay chưa “cây hóa” như bây giờ, Sơn vẫn túc tắc ở nhà sửa đồ điện, lúc cái đài, khi cái tivi cũ hỏng, hàng xóm vẫn mang sang nhờ anh chữa, “đồng ra, đồng vào” giúp thêm mẹ chi tiêu. Nhưng giờ, mọi sinh hoạt cá nhân anh đều phụ thuộc vào mẹ già và anh em họ hàng, chòm xóm xung quanh.

Chỉ vào ngôi nhà nhỏ chừng hai chục mét được lát sàn tươm tất, chị Nguyễn Thị Trang (cô của anh Sơn) cho biết: “Thấy cháu chân tay nổi sùi hết cả, đáng thương, đi lại thì bò lết trên sàn nhà cũ bẩn thỉu nên anh em họ hàng bảo nhau mỗi người một ít, bỏ công sức dựng ngôi nhà mới cho mẹ con Sơn đỡ khổ. Chứ không trước đây, ngôi nhà lụp xụp ẩm mốc vì nơi đây là vùng rốn lũ, năm nào cũng ngập nước mỗi mùa bão nổi”.

Gắn mình với căn bệnh quái ác đã 39 năm, anh Sơn chia sẻ, cũng đã từng mong muốn có một mái ấm khi có một cô gái dành tình cảm thương yêu và quyết định sẽ làm vợ và chăm sóc anh, nhưng cuối cùng chính bản thân cô không thể vượt qua được dư luận.

Căn bệnh “độc” trong y văn thế giới

Khá bất ngờ khi nhận được thông tin “người đàn ông mắc bệnh lạ” tại Ninh Bình, BS. Lê Tuấn, chuyên khoa Da liễu Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 quyết định tìm về đề “mục sở thị”.

Ông Tuấn cho hay, anh Sơn là người đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện mang căn bệnh “người cây” (Tree man) và là ca bệnh thứ 502 trên thế giới. Đây là một bệnh đột biến gen di truyền lặn hiếm gặp đưa đến cơ thể bệnh nhân tăng nhạy cảm nhiễm trùng với virus u nhú (HPV - Human papilloma virus). “Nhiễm trùng HPV lan rộng đưa đến các tổn thương sùi lòng bàn tay, chân và các vùng tiếp xúc với ánh sáng, tạo hình ảnh “người có rễ như cây”. Những bệnh nhân này gia tăng nguy cơ ung thư da, đặc biệt là ung thư tế bào vảy”, BS. Tuấn phân tích.

Theo TS. Tuấn, việc điều trị bệnh “người cây” rất phức tạp. Ban đầu, cần tiến hành các xét nghiệm gen và virus. Sau khi có kết quả sẽ áp dụng các liệu pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

“Thực tế bệnh người cây chủ yếu điều trị giảm nhẹ. Ở giai đoạn sớm của bệnh, các bác sĩ làm chậm lại và khống chế sự phát triển của mụn cóc, bằng cách sử dụng các thuốc ức chế gián phân tế bào da, thuốc điều trị bệnh rối loạn da, thuốc kháng sinh và kháng virus. Giai đoạn muộn, phẫu thuật cắt bỏ vùng da bị tổn thương và ghép da là một giải pháp, nhưng thủ thuật phức tạp và thường phải làm nhiều lần. Bệnh cũng được cho là nhạy cảm với ánh nắng nên cần hạn chế tiếp xúc. Trong lúc chờ đợi các nhà khoa học nghiên cứu biện pháp sửa chữa gen hay kích hoạt hệ miễn dịch để chống virus xâm nhập, những người không may mắn như anh Sơn cần có sự hiểu biết về căn bệnh, nâng cao sức đề kháng bằng chế độ ăn uống và bổ sung vitamin đầy đủ”, ông Tuấn cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.