Thị trường

Gần 80% hộ chăn nuôi bỏ nghề, giá thịt lợn tăng đến mức nào?

20/02/2020, 20:26

Sau "bão" dịch tả lợn châu Phi, gần 80% hộ chăn nuôi lợn bỏ đi làm công việc khác thay cho việc tái đàn trở lại.

img
Sau "bão" dịch tả lợn Châu Phi, gần 80% hộ chăn nuôi lợn bỏ đi làm công việc khác thay cho việc tái đàn trở lại (ảnh minh họa)

Tại hội thảo “Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh” ngày 20/2, báo cáo nhóm nghiên cứu thuộc Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) nhận định: Đa số những người chăn nuôi quy mô nhỏ bị động trước tình hình dịch bệnh. Gần 80% hộ chăn nuôi bỏ đi làm công việc khác thay cho việc tái đàn trở lại hoặc có tái đàn thì đến 84% hộ không có khả năng áp dụng biện pháp quy mô an toàn sinh học- điều kiện cần thiết cho quy chuẩn hội nhập kinh tế khối EU.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi, chỉ chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn giết mổ trong năm, nhưng có tác động trực tiếp đến nguồn cung thịt lợn trong nước, ước tính có thể giảm đến 35% tổng cung thịt lợn nội địa tính đến năm 2020.

Thiếu hụt về nguồn cung sẽ dẫn đến giá lợn sẽ tăng mạnh thêm 22-45% trong thời gian tới. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Các nước EU có khả năng sản xuất chăn nuôi rất mạnh, được xem là một thách thức lớn của Việt Nam khi thuế quan giảm ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Ông Thắng cho biết, khi EVFTA chính thức có hiệu lực Việt Nam sẽ xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế của ngành chăn nuôi, 6 dòng thuế áp dụng hạn ngạch (các sản phẩm gia cầm), số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3-9 năm.

Về phía EU, sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế đối với ngành chăn nuôi, 27% số dòng thuế về 0% sau 3-7 năm, hạn ngạch đối với một vài sản phẩm trứng gia cầm ở mức 500 tấn… Riêng thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh sẽ về 0% sau 7 năm, thuế nhập khẩu các loại thịt lợn khác về 0% sau 9 năm. Thịt gà được bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm.

Thịt bò là mặt hàng được hưởng mức thuế giảm sớm nhất là sau 3 năm khi EVFTA có hiệu lực. Hiện nay, thịt bò nhập khẩu về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu từ 20 - 30% và sẽ giảm dần đều về 0% trong 3 năm tới.

"Các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế từ 10 - 40%. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chăn nuôi từ EU sẽ thúc đẩy sự thâm nhập của các sản phẩm này vào Việt Nam và làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước khi lượng cung trong nước đang bị tác động bởi dịch bệnh. Mặt khác, xuất khẩu thịt lợn sang EU với lộ trình 7-10 năm nên thách thức còn dài hạn", ông Thắng khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.