Xã hội

Gần 8.000 tỷ vốn đầu tư trung hạn bố trí cho các dự án giao thông thế nào?

23/05/2023, 15:24

Chính phủ đề xuất bố trí 7.780 tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia, quan hệ đối ngoại của đất nước.

1.700 tỷ đồng bố trí cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia

Chiều 23/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ đã trình bày Tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư Trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Ông Dũng cho biết, tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 2.870.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương gần 1.500.000 tỷ đồng (bao gồm: vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.

Về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ phân bổ cho các dự án phát sinh yếu tố quan trọng quốc gia, quan hệ đối ngoại của đất nước đang hoàn thiện thủ tục đầu tư với số vốn dự kiến là 1.700 tỷ đồng.

Bao gồm: 1.000 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án quan trọng quốc gia là Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến Đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, là dự án phát sinh yếu tố quan trọng quốc gia đang được Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư kèm theo vốn thực hiện dự án tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Và 700 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc liên quan đến quan hệ đối ngoại của đất nước.

Dự án thuộc nội dung tiếp tục đẩy mạnh mở cửa cửa khẩu/lối mở biên giới, thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng qua biên giới, trong đó tập trung trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) - ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) của "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc" trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 1/11/2022.

img

Quang cảnh kỳ họp

Bố trí 6.080 tỷ đồng cho dự án đường cao tốc trọng điểm

Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 -2025 từ số vốn chưa phân bổ, Chính phủ cũng bố trí vốn cho một số dự án cao tốc trọng điểm.

Cụ thể, dự kiến bố trí 1.180 tỷ đồng cho dự án BOT hầm Đèo Cả thuộc trách nhiệm của Nhà nước phải thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BOT theo nghĩa vụ tại hợp đồng đã ký kết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là số vốn thuộc trách nhiệm của Nhà nước phải thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BOT theo nghĩa vụ tại hợp đồng đã ký kết. Số vốn này đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại báo cáo số 243/BC-CP ngày 16/7/2021 và Quốc hội đã quyết nghị tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 phân bổ số vốn này cho Bộ GTVT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của dự án và tính chất nguồn vốn để bố trí nên Chính phủ chưa báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Hiện các bộ, cơ quan Trung ương liên quan đang thực hiện rà soát, hoàn thiện phương án bố trí vốn để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, xác định chính xác phương án, mức vốn ngân sách Trung ương phải bố trí để thanh toán cho nhà đầu tư, báo cáo Thủ tướng trong tháng 5/2023.

1.700 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đây là dự án trọng điểm, kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh Sơn La với Hòa Bình và Hà Nội, tạo nên trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đã được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022.

Dự án đã được HĐND tỉnh Sơn La đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, do đây là dự án đường cao tốc, cần báo cáo Quốc hội cho phép giao địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện dự án mới có cơ sở giao vốn.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã có tờ trình số 199/TTr-CP ngày 8/5/2023 báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thí điểm việc phân cấp giao cho địa phương đầu tư các dự án cao tốc đi qua địa bàn. Đồng thời, dự án đang được Chính phủ dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.

Ngoài ra, 1.500 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) của tỉnh Bình Phước. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy phát triển KTXH hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, kết nối vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, giảm tải cho Quốc lộ 14 là tuyến huyết mạch nối liền hai tỉnh, cũng như Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam Bộ.

Dự án đã được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang khẩn trương phối hợp với tỉnh Đắk Nông và nhà đầu tư hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.