Bạn cần biết

Gan nhiễm mỡ, trẻ con cũng mắc?

26/10/2018, 09:05

Theo cảnh báo của bác sĩ, với cách sinh hoạt hay ăn uống thiếu khoa học như hiện nay, gan nhiễm mỡ...

10

Một ca bệnh nhi thăm khám phát hiện gan nhiễm mỡ

4 tuổi đã mắc gan nhiễm mỡ

Thấy con gần đây thường mệt mỏi, chán ăn không rõ nguyên nhân, chị Trần Thanh Tr. đưa con trai Nguyễn Thanh A. (4 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đi khám. Khi xét nghiệm máu, chỉ số trygliceride (mỡ) trong máu của trẻ lên tới 5mmol/l vượt quá ngưỡng bình thường là 2,2mmol/l, bác sĩ siêu âm gan thấy độ sáng của nhu mô gan cao. Bé A. được chẩn đoán gan nhiễm mỡ độ 2. Khá sửng sốt khi nhận được kết luận từ bác sĩ, chị Tr. cho hay: “Em vẫn nghĩ gan nhiễm mỡ chỉ xảy đến với người lớn, ai dè trẻ con cũng mắc”. Theo lời chị Tr., ở lớp mẫu giáo con chị được cô giáo cảnh báo con ở thể béo phì vì tuy cao gần 115cm nhưng cân nặng đạt mốc 27kg. Dù nhiều lần đưa con đi khám dinh dưỡng, chưa khi nào chị được cảnh báo về gan nhiễm mỡ cả.

Khác với bé Thanh A., bé Hoàng T. (6 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) lại gày tong teo, thể suy dinh dưỡng dù được cha mẹ cho ăn “thả cửa” các món yêu thích như khoai tây chiên, gà rán, xúc xích... Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, nên cả ngày T. chỉ loanh quanh trong nhà, gần như không tham gia bất kỳ hoạt động thể lực nào. Sốt ruột, anh Hoàng H. đưa con đi thăm khám. Anh cũng khá bất ngờ khi bác sĩ kết luận con trai bị gan nhiễm mỡ. “Nhìn người gày tong teo làm gì có mỡ mà lại bị gan nhiễm mỡ”, anh H. thắc mắc.

Theo GS. Đào Văn Long, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, ông gặp nhiều trẻ mới 4, 5 tuổi đã bị gan nhiễm mỡ, thậm chí ở thể nặng. Đáng nói không chỉ ở trẻ có thể trạng béo phì mà còn cả ở trẻ suy dinh dưỡng. Nếu ở trẻ béo phì, nguy cơ gan nhiễm mỡ khá rõ thì ở trẻ suy dinh dưỡng theo lý giải của ông Long, nguyên nhân thiếu hụt men nên axit béo tự do đi vào gan không chuyển hóa hết và axit béo tạo thành mỡ đọng ở gan gây gan nhiễm mỡ.

Các trường hợp mắc gan nhiễm mỡ ở trẻ em đều không có triệu chứng điển hình. Những dấu hiệu bệnh sẽ ngày càng trầm trọng nếu không phát hiện và điều trị sớm. Bệnh sẽ phát triển âm thầm và là nguy cơ gây viêm gan, xơ gan, ung thư gan.

Thay đổi thói quen sinh hoạt để dự phòng bệnh

Theo BS. Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, điều đáng nói hầu hết các trường gợp gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng điển hình nên phát hiện muộn, nhất là ở trẻ nhỏ. Đa phần ở cả người lớn và trẻ nhỏ đều vô tình phát hiện mắc gan nhiễm mỡ khi kiểm tra sức khỏe hoặc thăm khám một bệnh lý khác.

Thông thường nếu gan nhiễm mỡ ở mức độ nhẹ, trẻ dường như không cảm nhận được những thay đổi đang diễn ra trong cơ thể. Trẻ có thể bị đau sườn phải nhưng dấu hiệu này hay bị bỏ qua do trẻ mải chơi và còn ít hiểu biết về bệnh. Còn ở mức độ nặng, trẻ có một số triệu chứng mệt mỏi, ăn không ngon, sưng bụng, buồn nôn hoặc ói mửa, giảm hoặc khó tăng cân… Trẻ cũng gặp phải những cơn đau bụng quằn quại, gan có dấu hiệu bị phù.

Theo ông Long, gan nhiễm mỡ là bệnh tiến triển kéo dài lâu, muốn dự phòng cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học, kiểm soát cân nặng, bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipit máu phải có điều trị kiểm soát ngay.

Khuyến cáo của BS. Khanh, do chức năng chủ yếu của gan là lọc thải các chất độc hại và tiết mật để tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Chính vì vậy, lượng thực phẩm trẻ sử dụng hàng ngày có tác động không nhỏ đến việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Do vậy, nếu trẻ mắc bệnh cần có chế độ ăn khoa học. Ngoài bổ sung những dưỡng chất cần thiết để cung cấp năng lượng cho hoạt động hàng ngày, bữa ăn của trẻ nên được tăng cường nhiều rau quả xanh và trái cây tươi. Việc này giúp cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, tăng sức đề kháng, giúp những tổn thương ở gan được phục hồi hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, bánh kẹo, nội tạng động vật… Nhóm thực phẩm này vừa không có lợi cho hệ tiêu hóa, vừa làm mỡ tích tụ ở gan nhiều hơn. Có thể chia bữa ăn của trẻ thành nhiều bữa nhỏ, nhưng chú ý không được ăn quá khuya không tốt cho hệ tiêu hóa cũng như hoạt động của gan. Bên cạnh đó, nên khuyến khích trẻ chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như bơi lội, chạy bộ, thể dục nhịp điệu... Nếu trẻ béo phì cần giúp trẻ giảm cân.

“Người lớn cần có cái nhìn đúng đắn hơn về bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em. Cần lưu ý rằng, bệnh càng được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Đừng để căn bệnh này làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ”, ông Long nhấn mạnh. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.