Bạn cần biết

Gánh nước xuyên hai thế kỷ, “lão dị nhân” thành... kỷ lục gia

26/03/2017, 22:17

Hơn 40 năm kĩu kịt quang gánh, đôi vai cụ Nguyễn Đường đã đưa nước giếng Chăm Bá Lễ len lỏi khắp các quán...

11

Đôi chân gầy guộc của cụ đã đi mòn các hẻm nhỏ ở Hội An

Hơn 40 năm kĩu kịt quang gánh, đôi vai cụ Nguyễn Đường đã đưa nước giếng Chăm Bá Lễ len lỏi khắp các quán mỳ Quảng, cao lầu, cà phê dọc ngóc ngách phố cổ Hội An (Quảng Nam). Ít ai theo nghề được như cụ. Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao cho cụ kỷ lục “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam”.

Đôi thùng thiếc nối 2 thế kỷ

Hàng chục năm qua, cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, người ta lại thấy cụ Đường quảy đôi thùng không ra giếng Bá Lễ trong con hẻm Trần Hưng Đạo (TP Hội An), đôi tay chai sần vục chiếc gầu xuống giếng. Sau vài sải tay, đôi quang gánh đầy nước, ước nặng 15 - 16kg.

Ở tuổi 89, nhìn cụ vẫn rất khỏe mạnh. Thường ở tuổi này da dẻ đã nhũn nhão, mang nặng dấu ấn thời gian, ở nhà để con cháu chăm nhưng cụ vẫn quần đùi, áo cộc tay, phô ra cơ thể khỏe mạnh với màu da đỏ tía như đồng hun. Dấu hiệu duy nhất của tuổi tác là đôi tai đã hơi lãng, nhưng mắt cụ còn tinh, đôi chân thì rất dẻo dai. Quảy đôi thùng lên vai, cụ gánh nhanh về nhà bà Thảo, bà Hoa, đến các quán xá xa hơn tận chợ Hội An. Có khi cụ phải giao nước tới tận chùa Cầu, cách giếng gần cây số. Người trẻ “chạy” nước nhiều đã khó nhưng cụ cười móm mém: “Mệt nhất là khi chẳng ai gọi gánh nước, ngồi nhà chơi không nó buồn bực chân tay lắm!”.

Người ta bảo: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, còn cụ Đường cười nói: “Cái nghiệp nó mạt! Nhưng gánh miết thành quen”. Gia bảo lớn nhất với cụ chính là cái gàu nước độc đáo chế từ xác máy bay và tấm bằng kỷ lục “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam” như tấm huy chương hiếm nghề nào có được.

Theo cái nghề “dãi nắng, dầm mưa” này ngót gần đời người, cụ chẳng nhớ hết những chuyện vui buồn. Có hôm, cụ ham việc gánh từ sáng tới chập tối mới lọ mọ về đến nhà. “Mình mang nước đến mà họ khen ngon là thấy vui rồi, hết cả mệt!”, cụ cười.

Đến với nghiệp gánh nước, cụ bảo như một cơ duyên cuộc đời. Do tuổi tác, giờ cụ có phần lãng tai nên khi chúng tôi hỏi quê quán, cụ chỉ nói được hai địa danh Châu Ổ (Quảng Ngãi) và Tam Quan (Bình Định). Hỏi gia đình, cụ chỉ còn nhớ một cô em gái tên Mè, còn lại đã mất trong chiến tranh.

Thời trẻ, chàng trai Nguyễn Đường vào Sài Gòn rồi bị bắt đi lính. Sau đó ít lâu, cụ gặp vợ mình bây giờ - cụ bà Nguyễn Thị Mỹ. Khi ấy cụ bà từ Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vào Sài Gòn mưu sinh. Năm Canh Tý, 1960, bà Mỹ sinh con trai Nguyễn Văn Quốc. Hai năm sau, cả nhà về lại khu Cửa Đại (Hội An) tìm kế sinh nhai. Không tấc đất cắm dùi, cụ Đường khi ấy xin vào nghiệp đoàn khuân vác, bán sức đổi cơm nuôi vợ con. Sau đó, nghiệp đoàn giải thể, cụ bén duyên với nghiệp gánh nước thuê. Ban đầu, cả hai vợ chồng cùng gánh nước thuê. Kể lại ngày đầu đó, hai cụ lắc đầu bảo “không còn nhớ rõ”, chỉ mang máng bắt đầu gánh trước giải phóng. Cả hai người gánh nước cho người dân sinh hoạt, ăn uống ở giếng thường, chứ chưa gánh nước ở giếng Bá Lễ như ngày nay. Miếng đất bây giờ dựng nhà cũng chính là công gánh nước của cụ Đường suốt bao năm.

Bà Lý Khánh Hoa, chủ phần đất gia đình cụ Đường đang ở cho hay: “Hồi đó má tôi có thuê cụ gánh nước, dọn dẹp lúc nhà mới sửa xong. Má thấy thương nên để cho nhà cụ miếng đất ở. Khi má mất cũng dặn chị em tôi khoan lấy lại phần đất đó, đợi cho ông bà trăm tuổi”.

12

Cô Julie (quốc tịch Canada) rất thích thú đến thăm gia đình dị nhân gánh nước thuê

Kỷ lục gia gánh nước và giếng nước phận đời

Theo cụ Đường, người gánh nước thuê ở giếng Bá Lễ khá đông. Có những lúc đợi cả buổi mới tới lượt. Về sau, những người gánh nước ở đây thưa thớt hơn. Nguồn thu từ việc gánh nước bèo bọt quá nên chẳng mấy ai mặn mà, chỉ riêng cụ vẫn miệt mài cặm cụi. “Thu nhập từ việc gánh nước khó mà đong đếm, những chuyến xa vài cây số thì người ta trả 10 nghìn đồng/đôi. Còn những người ở gần, người ta cho bao nhiêu thì mình nhận bấy nhiêu, cũng chỉ mong đủ tiền đong gạo. Thấy tội thì họ cho thêm dăm ba ngàn. Ngày nhiều thì được hai chuyến xa với mấy chuyến gần”, cụ Đường nhẩm tính.

Vậy mà thoắt cái, đôi quang gánh trên vai cụ Đường đã vắt sang cả hai thế kỷ. Ngày được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam” (tháng 12/2014), cụ mới giật mình nhận thấy mình đã có hàng chục năm theo “nghiệp” gánh nước.

Giếng Bá Lễ tương truyền đã nghìn năm tuổi, do người Chăm đào, sau được tu sửa một lần từ hơn trăm năm trước. Hiếm có cái giếng công cộng nào lại có ban thờ phía trên như giếng Bá Lễ ở Hội An. Các ngày rằm, mùng một và dịp lễ trọng, nhà nhà đều có hương hoa, trái cây dâng lên thần giếng xin mãi cho dòng nước ngọt lành… Giếng mang tên Bá Lễ bởi hơn 100 năm trước, có phú hộ tên Bá Lễ trong làng đã bỏ ra 100 đồng tiền Đông Dương trùng tu lại. Từ đó, dân gọi tên giếng là Bá Lễ.

Nhiều nhà ở đường Phan Chu Trinh, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo… chỉ uống nước giếng Bá Lễ, dù nước máy chạy tới nhà. Bà Trần Thị Thảo (89 tuổi) chứng kiến cụ Đường gánh nước nhiều năm nay, cho hay: “Nhà tôi uống nước Bá Lễ bốn đời, trước nay đều là ông ấy gánh. Ở đây, người ta dùng nước giếng nấu cao lầu, mì Quảng, mà phù, bánh bao, bánh vạc”.

Sáng sáng, người ta đun nước giếng với lá trà xanh để làm nước uống cả ngày. Nước trà trong chứ không đỏ, không có váng đóng mặt như nấu với nước giếng thường. Nếm vào, trà có vị ngọt đặc trưng chứ không chua nơi đầu lưỡi. Cứ thế, những quang nước từ mạch Bá Lễ, trên vai cụ Đường “chảy” về các hàng quán. Dòng nước như chất men làm dậy lên mùi thơm đặc trưng của cao lầu, phảng phất tỏa vào không khí trầm mặc của phố cổ Hội An. Sợi mì của cao lầu ngấm nước Bá Lễ trở nên mềm và ngon, làm say lòng bao thực khách. Những ngõ nhỏ như: Cà phê San San, bánh bao Hoa Hồng Trắng, chè sen Dì Bảy… như đượm hương, như khơi thức và nhắc nhớ tất cả những ai một lần có dịp tới đây.

Gánh nước làm du lịch

Từ ngày kỉ lục về nhà, chiếc giường đơn duy nhất, trước kia là chỗ ngủ của cụ bà trở thành chỗ nghỉ ngơi của khách. Tối đến, cả ba người, trải tấm vạt tre ra nền nhà, thêm manh chiếu làm chỗ ngủ. Cụ bà vì sức yếu, chân đau nên không đi đứng được mấy năm nay. Con trai duy nhất có vấn đề về thần kinh, đã ngoài 50 tuổi mà vẫn ú ớ.

Gắn đời mình với Hội An, một đô thị bao chứa trong lòng nhiều trầm tích văn hóa, gia đình cụ Đường trở nên nổi tiếng với cái nghề mộc mạc nhưng độc đáo. Một vài vị khách Tây lui tới thăm gian nhà nhỏ của gia đình cụ. Ai nấy đều trầm trồ khi hướng dẫn viên giới thiệu những bức ảnh các đoàn làm phim nước ngoài, nhiếp ảnh gia chụp ảnh, ghi hình về gia đình cụ.

Khi nghe anh Thân Văn Hòa, hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về công việc của cụ Đường, cô Julie Hearn (54 tuổi, quốc tịch Canada) ngạc nhiên: “Tôi không nghĩ lại có công việc nào thú vị như nghề của ông ấy. Chắc chắn nó rất mệt nhưng trông ông cụ lại rất khỏe mạnh”.

Khoe với mọi người, cụ Đường với tay lên đầu tủ lấy hai tấm ảnh được buộc chặt. Một tấm là chân dung cụ đang cười, còn tấm kia là hình ảnh thường ngày của cụ. Cũng như cô gái bán tào phớ, xoài ghim nơi đầu phố, như chiếc xích lô lặng lẽ nằm chờ khách góc đường, cụ Nguyễn Đường vẫn miệt mài gánh nước ngày ngày, giữ lại cái hồn cốt của Hội An trong thời hội nhập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.