Đời sống

Gặp lại “huyền thoại Samurai” nhà tù Côn Đảo

30/04/2020, 19:50

Anh bộ đội miền Bắc Vũ Văn Kim nhiều lần đào hầm vượt ngục, tự rạch bụng tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo để phản đối...

img
Những vết rạch bụng vẫn còn in trên da thịt của người chiến sĩ Vũ Văn Kim

Bị chính quyền Sài Gòn giam cầm suốt gần 10 năm trời tại những nhà tù “khét tiếng” nhất miền Nam, anh bộ đội miền Bắc Vũ Văn Kim nhiều lần đào hầm vượt ngục, được vinh dự kết nạp Đảng ngay trong buồng giam, tự rạch bụng tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo để phản đối chế độ cũ đối xử hà khắc với tù nhân. Giờ đây “huyền thoại Samurai” của nhà tù Côn Đảo đang sống những ngày bình yên bên con cháu tại quê nhà xứ Kinh Bắc.

“Gia sư” tuổi 76

Đầu tháng 3, PV Báo Giao thông về thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh thăm cựu chiến binh Vũ Văn Kim (SN 1946). Trong căn nhà khang trang đã được xây cất, người cựu tù Côn Đảo ở tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn sang sảng giảng bài cho cháu nội.

“Kiến thức về toán tôi vẫn còn nắm khá chắc, bố mẹ cháu thì phải đi làm nên tôi là người thường xuyên hướng dẫn cháu làm bài. Những bài toán khó cháu đều hỏi và bảo ông hướng dẫn. Những lần dạy cháu là những lần tôi được hồi tưởng lại những năm tháng truyền dạy đồng đội mình học chữ, học toán ở trong nhà tù của địch”, ông Kim nói.

Cũng chính nhờ những năm tháng dạy giúp đồng đội ở trong nhà tù, mà sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975) ông Kim trở về quê tiếp tục với ước mơ vào đại học. Sau 10 năm trong quân ngũ, những tưởng kiến thức hồi rèn giũa trên ghế nhà trường đã bị bom đạn và những màn tra tấn của kẻ thủ tại các nhà tù làm phai nhạt thì ông Kim lại thi một lần đỗ ngay Đại học Nông nghiệp.

Sau khi học xong đại học, ông được phân công về tỉnh Hà Bắc (cũ) công tác rồi sau này về huyện Thuận Thành cống hiến cho đến khi nghỉ hưu. Nhưng ngay cả khi nghỉ hưu, thì người cựu binh nhỏ nhắn nhưng tràn đầy nhiệt huyết ấy cũng không hề ngơi nghỉ. Hiện nay, ông Kim là Trưởng Ban liên lạc Cựu tù thời chống Mỹ cứu nước ở Bắc Ninh. Ban liên lạc của ông thường xuyên thăm hỏi, gặp gỡ những đồng đội cũ, cùng giúp đỡ, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống.

Ngày 30/3/2018, Tỉnh ủy Bắc Ninh cho phép xây dựng đề án mô phỏng hình tượng chân thực những tấm gương tiêu biểu người chiến sĩ cách mạng tỉnh Bắc Ninh bị địch bắt tù đày. Trong đó, con dao của người cựu tù yêu nước Vũ Văn Kim chính là một điểm nhấn để xã hội tôn vinh, lớp trẻ học tập. Lưỡi dao chứng tích lịch sử ấy, quân thù không cho các tù binh đem về, nhưng ông Kim đã phục chế lại và lưỡi dao đã được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.


Dù trái gió, trở trời tai không nghe được rõ, bụng đau quằn quại vì di chứng của những màn tra tấn khi ở trong tù của địch nhưng ông bảo, mình vẫn có sự “ưu ái” của số phận, nhiều đồng đội của ông không được may mắn như thế.

“Suốt đời chúng tôi khắc ghi những ký ức và biết ơn đối với những đồng đội, các chiến sĩ trong nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo đã hy sinh để tôi và các đồng đội có cuộc sống như ngày hôm nay”, ông Kim cho biết.

Rạch bụng để đấu tranh

Kể về những năm tháng “đi theo tiếng gọi non sông”, người được đồng đội trìu mến gọi là “samurai của nhà tù Côn Đảo” cho biết, năm 1965, khi vừa tròn 18 tuổi, ông vừa làm xong bài thi tốt nghiệp lớp 10 thì có giấy gọi nhập ngũ.

Tháng 10/1966, trong một lần tập kích vào sân bay Quy Nhơn, ông bị trọng thương và bị bắt. Từ đó, ông bị giam đày qua các nhà lao của chính quyền Sài Gòn từ nhà tù Pleiku, Cần Thơ, Phú Quốc đến Côn Đảo. Quãng thời gian tù ngục ấy kéo dài gần 8 năm.

img
Con dao chiến sĩ Vũ Văn Kim dùng để rạch bụng

Nhà tù Côn Đảo đúng là “địa ngục trần gian”. Khi đối diện với những cảnh tra tấn thừa sống thiếu chết như bắt ăn phân, đục răng, đục chân, đục óc, đánh đập, roi quất tóe máu... có lúc trong đầu tôi thoáng nghĩ đến cái chết cho nhẹ nhàng, ông Kim hồi tưởng.

Nhưng ông nghĩ, cái chết như thế là vô nghĩa, là có tội với Tổ quốc, chính vì thế ở nơi ngục tù hà khắc, tàn bạo đó nhưng ông vẫn cùng anh em tù chính trị bàn bạc, thống nhất tổ chức phong trào đấu tranh, quyết phải sống mà hoạt động cách mạng ở trong tù.

Tại nhà lao Cây Dừa, các chiến sĩ cộng sản vẫn tổ chức hoạt động bí mật, khi bị lộ thì không ai nhận, địch cứ bắt, cứ giết kiểu tùy chọn. “Chúng đã giết mất nhiều cán bộ đầu não khiến cách mạng tổn thất nặng nề”, ông Kim đau đớn kể.

Tháng 3/1971, ông Vũ Văn Kim cùng đồng đội tiến hành đào hầm trốn thoát. Công cuộc đào hầm rất công phu, trong hệ thống đường hầm có vô vàn hầm giả, kiểm tra nhiều cũng không có kết quả. Khi nào chúng lơ là, tù chính trị lại đào tiếp. Thật không may, khi đào đường hầm được 24m ra bãi rác thì ông và 12 anh em bị bắt và bị tra tấn dã man.

Năm 1972, ông bị đày ra nhà lao quân sự Cần Thơ. Trước khi bị đày đi Cần Thơ, ông Kim được Chi bộ tổ chức kết nạp Đảng. Ông bảo, đó là động lực để mình vượt qua muôn vàn gian nan sau này.

Tại nhà lao quân sự Cần Thơ, ông Kim cùng ba đồng chí khác phát hiện tổ chức có nội gián, nên đã “xử” hắn, ông và các đồng đội bị địch khép tội “cố ý giết người vô tội”. Chúng xử ông tội chết, sau nhiều lần đấu tranh, rút xuống, chúng đành xử ông 10 năm tù.

Địch đã đày ông Kim cùng nhiều cán bộ ra nhà tù Côn Đảo. Tại đây ông Kim vẫn tìm cách gắn kết các đồng chí lại để hoạt động cách mạng. Hình thức đấu tranh được sử dụng đó là tuyệt thực để phản đối địch.

Ngày 27/2/1974, cuộc đấu tranh tuyệt thực diễn ra, kéo dài đến năm ngày. Khi địch không chịu nhượng bộ, dù rất yếu, ông Kim vẫn đứng lên hô khẩu hiệu: “Hiệp định Paris đã ký kết được hơn một năm, nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn không những không trao trả tù binh cho Chính phủ Cách mạng mà còn giết dần, giết mòn anh em chúng tôi. Chúng tôi cực lực lên án đế quốc Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn”.

Vừa dứt lời, ông cầm dao liên tiếp rạch vào bụng... Nhát đầu chưa sâu máu ra ít, ông còn bình tĩnh để nghĩ cần phải rạch mạnh hơn, để đạt được mục tiêu đấu tranh mạnh mẽ hơn. Cứ thế, vết nọ tiếp vết kia, ông đã ngất lịm đi nhưng quân địch phải nao núng trước ý chí của người tù binh kiên trung.

Sau sự kiện đó, nhiều đồng chí khác cũng tìm cách đấu tranh tương tự, tạo nên một làn sóng phẫn nộ, phản đối Mỹ - Ngụy. Cuộc đấu tranh đầy máu và ý chí ấy đã khiến cho địch phải trao trả ông và một số đồng chí tù binh khác cho phía cách mạng vào ngày 7/3/1974.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.