Xã hội

Gặp người lái thủy phi cơ xuyên 5 nước về Việt Nam

30/11/2019, 06:19

Nguyễn Văn Thuận đã điều khiển chiếc thủy phi cơ từ Canada, vượt chặng đường 14.000km, bay qua 5 nước về Việt Nam.

img
Phi công Nguyễn Văn Thuận (phải) người điều khiển thủy phi cơ đầu tiên từ Canada về Việt Nam năm 2013 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Là 1 trong 8 người đầu tiên được đào tạo lái thủy phi cơ DHC-6, 6 năm trước, Đại úy Nguyễn Văn Thuận đã điều khiển chiếc thủy phi cơ từ Canada, vượt chặng đường 14.000km, bay qua 5 nước về Việt Nam. Giờ đây, anh cùng đồng đội đảm nhận công việc điều khiển những chiếc thủy phi cơ từ đất liền ra quần đảo Trường Sa.

Cơ duyên đến với thủy phi cơ

Một sớm đầu đông 2019, tại tổ ấm của mình ở Khu đô thị Căn cứ quân sự Cam Ranh, chị Vũ Thu Phương dậy sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho chồng và 2 nàng công chúa sinh đôi mới vài tháng tuổi. Chồng chị, Đại úy Nguyễn Văn Thuận sau nhiều ngày trực sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị, mới chiều qua ghé về nhà nhưng rồi anh lại vào đơn vị ngay để chuẩn bị cho chuyến bay ra Trường Sa. Đơn vị cách nhà chỉ khoảng 2km nhưng anh ít khi có dịp về nhà thăm vợ và 2 con nhỏ vì nhiệm vụ. Chị Phương tâm sự, chị trân trọng từng giờ, từng phút chồng về thăm nhà bởi nhiệm vụ đặc biệt của anh.

Đại úy Phạm Vũ Tuấn đồng đội của Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: Đồng chí Nguyễn Văn Thuận là phi công xuất sắc trong đơn vị chúng tôi. Không chỉ có nhiều sáng kiến trong huấn luyện giúp tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, Thuận còn xây dựng các phương thức bay tại các sân bay Trường Sa, Phan Rang, Kiến An đảm bảo an toàn tuyệt đối và hiệu quả. Ngoài ra, đồng chí Thuận cũng có sáng kiến trong thiết kế bài bay tìm kiếm cứu nạn trên biển, đất liền. Luôn hòa đồng, nhiệt tình, đạt nhiều thành tích cao trong công tác, đồng chí Nguyễn Văn Thuận là tấm gương để chúng tôi phấn đấu noi theo.


Đại úy Nguyễn Văn Thuận hiện là Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân. Anh Thuận là con người đặc biệt, đặc biệt từ cái cách anh đến với nghề phi công tới những thành tích, kỷ lục trong nghề.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven biển thuộc huyện Giao Thủy, Nam Định, từ nhỏ cậu bé Nguyễn Văn Thuận luôn ao ước trở thành một người lính hải quân. Tốt nghiệp THPT, Thuận thi đỗ vào Học viện Hải quân với chuyên ngành đào tạo thuyền trưởng tàu mặt nước. Với thành tích học tập xuất sắc cùng với các yếu tố thể chất, tinh thần, Nguyễn Văn Thuận sau đó vượt qua nhiều vòng kiểm tra để trở thành học viên khóa huấn luyện tàu ngầm. Tiếp đó, khi lực lượng hải quân có chương trình đào tạo lái máy bay kiểu mới dành cho hải quân, người lính trẻ lại đăng ký và vượt qua các vòng kiểm tra nghiêm ngặt để được lựa chọn.

Đầu năm 2011, Nguyễn Văn Thuận là 1 trong 8 học viên đầu tiên của Việt Nam được cử đi đào tạo lái máy bay thủy phi cơ DHC-6 tại Canada. Thời điểm đó, máy bay thủy phi cơ DHC-6 chưa có ở Việt Nam, Thuận và 7 đồng đội đã nỗ lực học hỏi, mà nói như Thuận là “dù chúng tôi đã được đào tạo ngoại ngữ giao tiếp khá tốt, tuy nhiên thuật ngữ về hàng không rất khó, đòi hỏi quyết tâm rất lớn mới vượt qua được”.

Ngày 10/3/2011, sau 3 tháng miệt mài học tập, thày giáo vui mừng nói với cậu học trò: “Ngày mai bay nhé”. Đó là chuyến bay đầu tiên trong đời của chàng phi công trẻ. “Cảm giác đầu tiên khi lái máy bay rất đặc biệt, trong không gian đa chiều”, anh Thuận nhớ lại.

img
Phi công Nguyễn Văn Thuận

Tích lũy đủ giờ bay trên không, đến tháng 3/2011, anh chính thức được trao quyền bay đơn. Đây là một sự công nhận rất ý nghĩa đối với một phi công. “Ngày thực hiện chuyến bay đầu tiên là mốc lịch sử đối với tôi. Dù có chút sợ hãi, áp lực khi không có thày giáo ngồi bên cạnh nhưng tôi đã vượt qua tất cả để hoàn thành 2 vòng bay khép kín”, Đại úy Thuận nhớ lại.

Năm 2013, Thuận tốt nghiệp và nhận bằng phi công thương mại ở Canada, chuẩn bị về nước thì được thủ trưởng giao nhiệm vụ mới: Ở lại làm trợ giảng, phiên dịch các lớp kỹ thuật máy bay. Bên cạnh đó chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt khác: Đưa thuỷ phi cơ DHC-6 đầu tiên từ Canada về Việt Nam.

Đây là một trọng trách, một vinh dự, nhưng cũng là một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề. Bởi để đưa thuỷ phi cơ từ Canada về với Tổ quốc, là một hành trình kéo dài 50 giờ bay trên không, qua 5 quốc gia, vùng lãnh thổ, 7 sân bay với tổng quãng đường 14.000km và kéo dài liên tục trong 10 ngày.

“Chuyến bay xuất phát từ Canada sang Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Bắc rồi về Việt Nam. Tôi nhớ khi hạ cánh xuống sân bay của Mỹ, trời rét căm căm. Rồi đến Nga, hồ nước cạnh sân bay đóng băng nên phải nhịn đói vì không mua được gì để ăn. Đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đều có những trải nghiệm rất đáng nhớ”, Đại úy Thuận hào hứng kể.

Ngày 29/10/2013, báo đài Việt Nam đưa tin tại sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), Quân chủng Hải quân đã tổ chức đón thủy phi cơ DHC-6 đầu tiên về Việt Nam. Đây là máy bay có thể hạ - cất cánh tại sân bay Trường Sa, có thể cất cánh trên mặt nước, tối đa chở đến 19 hành khách và hai phi công, cũng là nhiệm vụ của đơn vị Lữ đoàn 954 thường xuyên thực hiện chở, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, chở lãnh đạo các cấp đi công tác tại Trường Sa và có một nhiệm vụ đặc biệt khác là trinh sát. Nguyễn Văn Thuận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa chiếc thuỷ phi cơ đầu tiên về Việt Nam như vậy.

Cánh chim biển nối đất liền với Trường Sa

img
DHC -6 chở bệnh nhân từ Trường Sa về đất liền (Ảnh nhân vật cung cấp)

Từ đầu năm 2014, phi đội thủy phi cơ DHC-6, Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân thực hiện những chuyến bay đầu tiên từ đất liền ra Trường Sa. Từ đó tới nay, Nguyễn Văn Thuận cùng đồng đội đã thực hiện hàng trăm chuyến bay ra Trường Sa. Giờ đây, quân dân trên đảo Trường Sa không còn lạ lẫm với hình ảnh những chiếc thủy phi cơ hạ cánh xuống đường băng trên đảo Trường Sa lớn. Từ khi có “cầu hàng không” DHC-6, đời sống của quân dân Trường Sa được cải thiện rõ rệt, nhất là thực phẩm tươi sống phục vụ sinh hoạt trên đảo.

Đại úy Nguyễn Văn Thuận (SN 1991), Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân một tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực và toàn quốc 2019. Anh từng được Trung ương Đoàn vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2018 và 10 gương mặt trẻ triển vọng tại Hà Nội; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2018; Chiến sĩ thi đua 3 năm liên tục 2016 - 2018.


Đại úy Thuận cho rằng, bay biển là nội dung rất khó vì thời tiết diễn biến phức tạp, có thể gây cảm giác sai nếu phi công không cẩn trọng, tỉ mỉ, tỉnh táo. Nhưng bay ra Trường Sa lại càng khó hơn khi phải bay hoàn toàn trên biển với khoảng cách hơn 250 hải lý. Sân bay Trường Sa lại có đường băng hẹp, ngắn nên không được sai sót dù là vài cm. “Với tốc độ của máy bay thì quãng đường này là rất ngắn nên phi công phải tính toán cực kỳ cẩn thận. Chỉ sơ suất một chút là hết đường băng không cất cánh được, máy bay sẽ lao ra biển”, phi công Thuận nói.

Đến nay, Đại úy Nguyễn Văn Thuận đã có 6 năm gắn bó với thủy phi cơ DHC-6, tích lũy hơn 1.500 giờ bay. Danh hiệu phi công quân sự cấp 1 - mục tiêu nghề nghiệp đối với bất cứ một phi công quân sự nào - được trao cho anh là minh chứng cho kỹ năng, khả năng bảo đảm an toàn bay khi sử dụng DHC-6. Tuy vậy, với anh, mỗi chuyến bay luôn là một trải nghiệm mới để anh tích lũy thêm kinh nghiệm cho những giờ bay an toàn tiếp theo.

Đảm nhiệm vai trò “cầu hàng không” ra Trường Sa nên hành khách của những chiếc DHC-6 rất đa dạng. Đó có thể là đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, hay của quân đội tới thực hiện nhiệm vụ cấp cứu đưa người bị thương từ Trường Sa về đất liền hoặc chở nhu yếu phẩm tiếp tế cho Trường Sa. Mỗi một nhiệm vụ có một niềm vui, áp lực và sự tự hào riêng.

Anh Thuận chia sẻ: “Khi chở các đoàn khách cấp cao, áp lực đối với chúng tôi là trách nhiệm nặng nề bảo đảm tuyệt đối an toàn. Còn khi thực hiện những chuyến công tác đột xuất là đưa bệnh nhân cấp cứu từ Trường Sa về đất liền thì áp lực thời gian, mạng sống của bệnh nhân đè nặng lên vai những người phi công. Có trường hợp bệnh nhân mê man vì bị tràn dịch phổi, bác sĩ yêu cầu cho bệnh nhân nằm mới có thể truyền dịch được, nhưng máy bay chỉ có ghế, không thể nằm được. Bằng những kiến thức về kỹ thuật đã học, tôi đã tháo ghế cho bệnh nhân nằm. Bệnh nhân nằm truyền trên suốt hành trình bay, được cấp cứu kịp thời”.

Những ngày cuối tháng 11/2019, Đại úy Nguyễn Văn Thuận cùng đồng đội đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch “cầu hàng không” vận chuyển phục vụ hàng Tết cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa. Anh chia sẻ, mỗi dịp Tết, anh cùng đồng đội thực hiện từ 10 - 15 chuyến bay chở hàng Tết ra Trường Sa. Mỗi chuyến chở được khoảng vài chục tấn hàng, ngoài các nhu yếu phẩm sử dụng hàng ngày thì sẽ có thêm các mặt hàng như: Lá dong, gạo nếp, thịt tươi, trứng, bún, câu đối, đào, quất, mai, hoa tươi…

“Mỗi chuyến bay, tôi luôn sắp xếp làm sao chở được nhiều hàng nhất có thể. Thêm một cân thịt, một cành đào cũng góp phần mang tới cho cuộc sống của quân, dân trên đảo được đủ đầy hơn”, Đại uý Thuận tâm sự.

Tết Nguyên đán năm 2018, chị Vũ Thu Phương ra Bắc ăn Tết với gia đình mà thiếu chồng đi cùng dù anh chị vừa cưới nhau. Tết năm nay có thể chị và các con cũng đón Xuân mà thiếu chồng bên cạnh. Tuy vậy, trong câu chuyện, chị Phương không có một câu than phiền mà chỉ có niềm tự hào về người chồng. Hơn ai hết, chị hiểu nỗi vất vả của chồng, của đồng đội đang hàng ngày thực hiện nhiệm vụ cao cả: Là cánh chim biển đem những gửi gắm, yêu thương của đất liền đến với Trường Sa thân yêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.