Xã hội

Gặp ông chủ “vườn bách thú” hoa kiểng miền Tây

19/01/2023, 14:00

Bên cạnh hình thú 12 con giáp theo từng năm, tại vườn của ông còn có hàng trăm loại động vật được tạo dáng từ hoa kiểng.

Đến đây, khách có cảm tưởng như lạc vào một vườn bách thú...

Từ chuyện lão nông “làm liều”…

Mỗi độ Tết đến Xuân về, “vương quốc” hoa kiểng miền Tây - Chợ Lách, Bến Tre lại tràn ngập sắc hoa, muôn màu loại kiểng.

Và người ta lại không quên nhắc tới nghệ nhân Năm Công (Nguyễn Văn Công, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), người suốt 30 năm qua miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu để tạo dáng hoa kiểng hình thú.

Sản phẩm của ông không chỉ phục vụ người dân trong nước mà còn xuất ngoại. Ông được mệnh danh là “vua kiểng thú” ở miền Tây.

Tại xã Hưng Khánh Trung B, người dân chủ yếu sống bằng nghề cây giống, hoa kiểng và cây ăn trái. Những năm gần đây, những sản phẩm kiểng thú mang lại hiệu quả rất cao, nhiều nhà vườn có nhiều sản phẩm mới, mang giá trị kinh tế cao. Các nghệ nhân ở đây hết sức quan tâm đến loại kiểng tạo hình.
Từ cơ sở duy nhất của nghệ nhân Năm Công, bây giờ xứ hoa kiểng Chợ Lách có hơn chục cơ sở chuyên làm kiểng thú, kiểng hình để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách


Ông kể, như nhiều nhà vườn khác ở xứ này, gia đình ông cũng sống chủ yếu bằng nghề trồng hoa, cây kiểng và các loại cây ăn trái đặc sản ở địa phương.

Dù vậy, nghề trồng hoa lại khá bấp bênh nên ông muốn tìm hướng đi riêng bằng việc tạo hình cây kiểng.

Sau khi học được cách tạo hình, ông dùng những cây bùm sụm, mai chiếu thủy để uốn. Tuy nhiên, 2 loại cây này cứng, khó uốn, dễ bị chết nên việc tạo hình rất khó khăn.

Vậy là ông cứ loay hoay trồng hoa kiểng rồi chăm sóc vườn sầu riêng đặc sản chứ chưa tìm được giống cây thích hợp để tạo hình.

Khoảng 30 năm trước, trong một lần chở hoa lên TP.HCM bán Tết, nghệ nhân Năm Công mua được 1 cây si rất dẻo, có thể sinh sống ở vùng nước mặn, ngọt rất thích hợp cho việc tạo hình thú.

Từ đó ông bắt đầu nhân giống và phá bỏ vườn sầu riêng đặc sản đang cho trái để trồng giống cây này.

“Khi đó nhiều người cho rằng tôi làm liều vì dám phá bỏ vườn cây đặc sản đang cho trái để trồng giống cây lạ hoắc mới nhập về mà chẳng biết hiệu quả thế nào.

Vừa trồng vừa nghiên cứu, tôi quyết tâm làm ra sản phẩm mang nét đặc trưng riêng bằng hình những con thú độc đáo.

Sản phẩm đầu tiên tôi dày công tạo dáng là cặp rồng, sau đó bán cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre với giá 15 triệu đồng, tương đương 3 lượng vàng vào thời điểm đó”, ông Công nhớ lại.

Theo những người thợ lành nghề, để cho ra những cây cảnh tạo hình đẹp mắt thì những nhánh cây si chiết ra cần có chiều dài từ 1,5m đến hơn 2m.

Các nhánh này được cho vào bịch đất để nuôi dưỡng, sau đó các nghệ nhân sẽ tiếp tục công đoạn uốn, tạo hình dựa trên khung sắt đã hàn sẵn.

“Nói thì có vẻ đơn giản nhưng làm cây cảnh tạo hình con vật là khó nhất. Ngoài khéo tay, còn phải có mắt thẩm mỹ, phải uốn các nhánh cây si sao cho đầy đặn, hình dáng giống với con vật thật nhất”, ông Công cho hay.

Làm không kịp bán

img

Những tuyệt tác tạo hình từ cây kiểng của nghệ nhân Năm Công

Từ thành công ban đầu, tiếng tăm của nghệ nhân Năm Công càng vươn xa khi có nhiều khách hàng đến đặt hàng để trang trí cho công viên, khu du lịch.

Từ đó ông nghiên cứu làm ra bộ 12 con giáp, trong đó mỗi năm Tết con gì thì lấy con đó làm chủ lực.

Hầu hết sản phẩm của cơ sở ông làm ra không đủ bán và ông chuyển qua làm theo đơn đặt hàng.

Toàn bộ diện tích 3ha đất ông chuyển qua trồng cây si để làm nguyên liệu tạo dáng thành những con thú, bình hồ lô, bình trà, cây đàn, con tàu, nhà lục giác…

Hầu hết các lễ hội lớn ông thường “trúng thầu” để làm ra những con vật bằng cây cảnh trưng bày cho khách tham quan chiêm ngưỡng.

Như tại SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam, ông nhận đặt hàng làm 40 con trâu bằng cây si để ban tổ chức trưng bày.

Hay trong dịp Festival đàn ca tài tử tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu, ông được đặt hàng làm 25 cây đàn kìm rất độc đáo để trưng bày trong lễ hội.

Nghệ nhân Năm Công cho biết, đối với những sản phẩm kiểng thú lớn, bình quân phải mất 10 ngày mới hoàn thiện. Còn đối với những sản phẩm nhỏ, trung bình thời gian khoảng 3 ngày.


Tính đến nay, nghệ nhân Năm Công còn xuất khẩu nhiều sản phẩm độc đáo của mình sang Singapore, Úc, Campuchia theo đơn đặt hàng. Trong đó, các sản phẩm chính được xuất khẩu như: Voi, con bù xè, chuồn chuồn, bướm, máy bay, xe ngựa, nhà lục giác…

Nghệ nhân Năm Công cho biết: “Sau khi hoàn thành những sản phẩm này được cắt ra thành từng khúc nhỏ cho vào container để chuyển đi bằng đường tàu biển ra nước ngoài. Sau đó tôi phải đi máy bay qua bên đó 3 lần để lắp ráp, chuyển giao cho đơn vị đặt hàng”.

Những ngày này, Tết Nguyên đán đã cận kề, không khí làm việc tại cơ sở cây cảnh Năm Công đang rất hối hả. Các công nhân phải làm việc hết công suất để kịp hoàn thành những đơn hàng khách đặt.

Theo ông Công, năm nay các sản phẩm cây cảnh làm ra vẫn sẽ tạo hình con mèo theo chủ đề Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Sản phẩm của ông bán giá từ vài triệu cho tới vài chục triệu đồng, tùy vào kích thước. Các công đoạn tạo hình được các công nhân, nghệ nhân tại cơ sở thực hiện theo quy trình “khép kín”.

Nghệ nhân Năm Công cho biết thêm: “Bây giờ tôi làm hầu như tất cả các sản phẩm, chỉ cần đơn vị đặt hàng nói sơ qua về hình dáng, kích thước tôi sẽ phác thảo, làm khung sắt để uốn thành hình con vật hay hình dáng đặc biệt theo yêu cầu. Trong đó từ những con côn trùng như kiến, bướm, bù xè đến con voi, ngựa, hươu đều được tạo dáng giống như thật”.

Hiện tại, cơ sở nghệ nhân Năm Công thường xuyên tạo việc làm cho gần 20 lao động, nhiều người lành nghề đã mở cơ sở riêng nhưng ông không bao giờ giấu nghề.

Càng cận Tết, người dân ở xứ hoa kiểng Chợ Lách nói chung và trọng điểm sản xuất kiểng thú, kiểng hình Hưng Khánh Trung B càng tất bật hơn. Từng đợt xe chuyển hoa kiểng về TP.HCM bán, trong khi du khách đến tham quan, xem hoa, ngắm kiểng ngày một đông hơn…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.