Đường sắt

Gấp rút nâng năng lực tàu hàng tuyến đường sắt phía Tây

17/04/2015, 09:08

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang nỗ lực nắm bắt cơ hội tăng năng lực vận chuyển hàng hóa...

81

Hạ tầng đường sắt tuyến phía Tây đang gấp rút hoàn thiện để nâng cao năng lực chạy tàu - Ảnh: Ngô Vinh

Khách giảm, doanh thu vẫn tăng

Từ khi tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi vào hoạt động đã lấy đi một lượng hành khách không nhỏ của tuyến đường sắt phía Tây. Ông Nguyễn Văn Bính, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội thừa nhận, lượng hành khách trên tuyến sụt giảm nhiều trong thời gian ngắn. Thậm chí, ngay cả đợt cao điểm nghỉ lễ 30/4 tới đây, công ty cũng chỉ bố trí nối thêm toa vào các đoàn tàu khách trên tuyến mà không lập thêm tàu như trước. Đây là việc chưa có tiền lệ.

Khi cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp, hệ thống biển báo công lệnh hợp lý hơn sẽ tăng được tốc độ tàu và cả năng lực thông qua trên tuyến, từ đó tăng năng lực chở hàng. Khi xong tuyến, riêng chở apatit, năng lực chuyên chở trên tuyến sẽ lên được 8 đôi tàu/ngày đêm thay vì 7 đôi như hiện nay.

Tuy nhiên, dù hành khách giảm nhưng tính chung doanh thu trên tuyến đường sắt này vẫn tăng trưởng so với trước. Lý do bởi ngành Đường sắt đã nắm bắt được xu hướng để nâng cao năng lực chở hàng trên tuyến. Ông Trần Gia Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, nhu cầu vận tải hàng hóa trên tuyến này rất lớn nhưng cái khó hiện nay là chưa thể đưa được đầu máy lớn lên để kéo tàu hàng.

“Trên tuyến còn vài điểm cầu cống yếu và đường cong bán kính nhỏ nên loại đầu máy Đổi mới có sức kéo lớn chưa thể lên được. Hiện tại, loại đầu máy này mới lên được đến Yên Bái. Nếu giải quyết sớm được vướng mắc này, chắc chắn năng lực vận tải hàng sẽ tăng nữa”, ông Tiến nói và cho biết, mỗi năm tuyến này vận chuyển hơn 2,5 triệu tấn hàng trên đường sắt. Trong đó có khoảng hơn 1,7 triệu tấn apatit về Hải Phòng và Hà Nội, khoảng 600 nghìn tấn hàng hóa xuất nhập khẩu...

Mới đây, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cũng đã thống nhất với phía Trung Quốc sẽ dành 60 toa xe chuyên dùng để vận tải hàng hóa qua biên giới, tăng thêm 5 nghìn tấn hàng qua lại giữa hai nước trong một năm.

Gấp rút gỡ khó

Đứng trước thực tế phải tăng năng lực chuyên chở hàng hóa để bù vào lượng khách giảm, VNR phải bằng mọi cách giải quyết nhanh những vướng mắc, khó khăn nội tại. Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, quan trọng là khai thác sao cho hiệu quả, chỗ nào có khách sẽ đưa tàu khách vào, chỗ nào có hàng, đưa tàu hàng vào. Chúng tôi đã rà soát để nâng cao toàn bộ tốc độ các tuyến đường, trong đó có tuyến phía Tây.

“Các công lệnh tốc độ của đường sắt ban hành 60 năm rồi, đã rất lạc hậu. Trước đây tàu chạy 50 km/h nhưng hiện nay phải nâng lên 80 km/h, đoạn nào cong phải cắm biển hạn chế tốc độ, nhưng hết đường cong, dứt khoát phải trả tốc độ 80 km/h để nâng cao năng lực vận tải”, ông Thành nói và cho biết sẽ rà soát lại các điểm xung yếu để có giải pháp đưa đầu máy lớn lên tuyến phía Tây để kéo tàu.

Ông Thành cũng đề nghị riêng tuyến phía Tây, dự án nâng cấp tuyến Yên Viên - Lào Cai khi thực hiện xong sẽ đề nghị bàn giao luôn cho đường sắt để thực hiện ngay.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), dự án Nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai dự kiến sẽ được thông tuyến trả đường vào cuối tháng 4 này và bàn giao cho phía VNR góp phần tăng năng lực vận tải trên tuyến.

Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Vĩnh Phú cho biết, đã hoàn thành việc rà soát các biển báo tốc độ và biển báo an toàn trên tuyến đường sắt phía Tây theo chỉ đạo của Tổng công ty. Sau khi có ý kiến cụ thể, sẽ tháo bỏ những biển báo không còn phù hợp để tăng tốc độ tàu nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.