Hạ tầng

Gấp rút xây dựng tuyến vành đai 3 TP.HCM

29/10/2018, 06:45

TP.HCM vừa có văn bản đề xuất sử dụng vốn ngân sách gần 3.000 tỷ đồng phục vụ GPMB cho tuyến vành đai 3.

9

Tuyến vành đai 3 đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn đã được đầu tư đưa vào khai thác

Xây cầu kết nối TP HCM - Nhơn Trạch

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, tuyến vành đai 3 có chiều dài 97,7km. Toàn tuyến được chia làm 4 đoạn gồm đoạn từ Bình Chuẩn - Tân Vạn (Bình Dương) dài 16,7km; đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3km; đoạn Bình Chuẩn (Bình Dương) - QL22 (TP HCM) dài 17,5km và đoạn QL22 - Bến Lức (Long An) dài 29,2km. Như vậy, sau khi tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối liên vùng TP HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Hiện mới chỉ có đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn dài 16,7km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đã đưa vào khai thác, các đoạn còn lại vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch với chiều dài 34,3km qua địa phận tỉnh Đồng Nai 6,3km và qua TP HCM khoảng 28km. Đoạn này trong giai đoạn 1 được nghiên cứu chia làm hai dự án thành phần gồm dự án thành phần 1A và 1B.

"UBND TP HCM sẽ đề xuất HĐND thành phố thông qua việc tạm ứng ngân sách thành phố để tiến hành ngay công tác bồi thường GPMB để dự án sớm được triển khai”.

Ông Trần Vĩnh Tuyến
Phó chủ tịch UBND TP HCM

Cụ thể, đoạn 1A từ TL25B (huyện Nhơn Trạch) đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với chiều dài 8,75km. Đoạn này đã được nghiên cứu đầu tư bằng vốn ODA thông qua quỹ EDCF của Hàn Quốc tài trợ khoảng 190,96 triệu USD cho phần xây lắp và tư vấn. Hiện đang tiến hành thủ tục lựa chọn tư vấn. Đoạn 1B (từ cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) đến ngã tư Thủ Đức trên Xa lộ Hà Nội (ngã tư Trạm 2 cũ) với chiều dài 8,96km, được nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT. Hiện đang tiến hành thủ tục sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.

“Tất cả các công việc đang được đẩy nhanh, nếu thuận lợi thì cuối năm 2019 có thể bắt đầu triển khai dự án với hai đoạn này”, ông Thi nói.

Đặc biệt, trên đoạn tuyến này sẽ có cây cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai nối quận 9 với huyện Nhơn Trạch. Theo nghiên cứu, cầu này được đúc hẫng như cầu Long Thành trên cao tốc TP HCM - Long Thành, nhưng nằm cách về phía hạ lưu khoảng 3km. Thạc sĩ Trần Đức Tuấn, Đại học Kinh tế - Luật TP HCM cho rằng, nếu có một cây cầu để nối huyện Nhơn Trạch với TP HCM sẽ là “cú hích” mạnh mẽ để giúp khu vực lân cận của thành phố phát triển. Điều quan trọng là có thể giải quyết bài toán về nhà ở lâu dài cho người dân làm việc tại TP HCM.

“Nếu có một cây cầu bắc qua Nhơn Trạch, một người làm việc tại TP HCM có thể mua nhà tại đây với giá rẻ hơn nhiều. Buổi sáng họ lên thành phố làm việc, tối trở về nhà thuận tiện”, Thạc sĩ Tuấn nói.

Chi ngân sách gần 3.000 tỷ đồng cho GPMB

Ông Trần Văn Thi cho biết, trong khi đoạn 1, đoạn 2 đã xác định được nguồn vốn đầu tư thì đoạn 3 Bình Chuẩn - QL22 và đoạn 4 QL22 - Bến Lức cũng đang được tích cực tìm kiếm nguồn vốn. Cả hai đoạn này đều được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ thực hiện xong công tác lập nghiên cứu đầu tư và thiết kế cơ sở.

Theo nghiên cứu đầu tư, cả hai đoạn Bình Chuẩn - QL22 và QL22 - Bến Lức trong giai đoạn 1 được đầu tư theo quy mô đường cao tốc loại A với mặt cắt ngang rộng 24,5m, tốc độ 100km/h. Đến giai đoạn 2 sẽ mở rộng lên từ 6 - 8 làn xe. Dọc tuyến có đường dân sinh hai bên theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn. Tổng nguồn vốn đầu tư cho cả hai đoạn tuyến này trong giai đoạn 1 khoảng 19.870 tỷ đồng, trong đó đoạn từ Bình Chuẩn - QL22 khoảng 9.915 tỷ đồng và đoạn QL22 - Bến Lức khoảng 9.955 tỷ đồng.

Kết quả nghiên cứu của tư vấn lập dự án cũng như kết quả nghiên cứu của tư vấn OPPP (của ADB) cho thấy, dự án khả thi đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, công tác GPMB phải được thực hiện một lúc cho cả giai đoạn hoàn chỉnh. Đồng thời, Chính phủ cần bố trí vốn cho công tác GPMB và triển khai xây dựng đồng bộ cả hai đoạn tuyến cùng một lúc mới phát huy hiệu quả đầu tư. Ông Thi cũng cho biết, hiện ADB rất quan tâm tài trợ kinh phí xây lắp cho dự án.

Tổng nguồn vốn thực hiện GPMB cho hai đoạn Bình Chuẩn - QL22 và QL22 - Bến Lức dự kiến khoảng 5.633 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua TP HCM dự kiến mất 2.939 tỷ đồng cho GPMB, đoạn qua Bình Dương khoảng 2.055 tỷ đồng, đoạn qua Long An khoảng 639 tỷ đồng.

Dự án đã được kiến nghị đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương thu xếp vốn thực hiện công tác GPMB. Bộ GTVT giao cho Tổng công ty Cửu Long triển khai các thủ tục để sử dụng nguồn vốn của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật, thực hiện trước năm 2021. Đồng thời, dự thảo đề xuất đầu tư xây dựng 2 đoạn tuyến này trình Bộ GTVT lấy ý kiến các địa phương, bộ ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, tuyến vành đai 3 rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của TP HCM nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung. Bởi đây là tuyến huyết mạch mang tính kết nối vùng, giúp hạn chế phương tiện đi qua thành phố để lưu thông theo hướng Đông Tây, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông.

UBND TP HCM đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có chủ trương chính thức cho triển khai dự án vành đai 3. Theo tính toán sơ bộ, tổng nguồn vốn GPMB cho hai đoạn tuyến Bình Chuẩn - QL22 và QL22 - Bến Lức đoạn đi qua địa phận TP HCM khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.