Bạn cần biết

Gặp sự cố trên biển, cần làm gì để sống sót?

01/03/2017, 18:27

Nhằm giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy đến khi gặp rủi ro trên biển, ngư dân cần trang bị...

25

Ngư dân cần có kỹ năng đối phó với những trường hợp khẩn cấp trên biển (ảnh minh họa)

Nhằm giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy đến khi gặp rủi ro trên biển, ngư dân cần trang bị một số kinh nghiệm hữu ích nhằm duy trì sự sống như: Cách chống khát, chống đói và chống nhiễm lạnh trong những trường hợp khẩn cấp.

Nước là nguồn sống quan trọng

Con người sẽ chết khi mất nước 15-20% thể trọng cơ thể. Lượng nước tối thiểu phải được cung cấp trên xuồng cứu sinh là 500 ml/ngày/người. Chính vì thế, cần phải hết sức tiết kiệm nước, luôn luôn chuẩn bị dụng cụ hứng nước mưa.

Khi có thời cơ, phải bổ sung nguồn nước (hứng nước mưa, thậm chí dự trữ cả nước tiểu của mình…).

Sang ngày thứ 2 từ lúc bị nạn mới bắt đầu dùng lượng nước dự trữ trên tàu, xuồng. Mỗi ngày chỉ được uống dưới 500 ml/ người, chia làm 3 - 4 lần. Khi nước sắp hết thì rút xuống khoảng 200 ml/ngày/ người, chủ yếu dùng để thấm miệng và cổ họng.

Bà con không được uống nước tiểu khi đang còn nước ngọt. Chỉ dùng nước tiểu khi bất khả kháng vì nước tiểu người bị nạn thường rất cô đặc do cơ thể đang thiếu nước nên chứa nhiều chất giải độc, uống vào dễ gây nôn mửa, tăng thêm mất nước cho cơ thể.

Một số trường hợp khi gặp nạn, bà con sử dụng nước biển pha với nước ngọt để chống khát. Nhiều người phổ biến lại kinh nghiệm sử dụng nước biển trong tuần đầu tồn tại trên biển trước khi hứng được nước mưa. Tuy nhiên, cần lưu ý cơ địa mỗi người lại có mức chịu đựng khác nhau khi dung nạp lượng nước biển vào cơ thể. Theo khuyến cáo của y khoa, lượng nước biển sử dụng không được quá 200 - 300 ml/ngày/người.

Chú ý ăn uống, tăng cường giữ ấm cơ thể

Cơ chế của cơ thể người là khi uống ít nước, cơ thể không đòi hỏi phải ăn nhiều, vì vậy có thể giảm khẩu phần ăn xuống tỷ lệ thuận với khẩu phần nước uống. Không nên dùng chất đạm nhiều vì khi chuyển hóa, cơ thể cần nhiều nước hơn, lúc đó sẽ cảm thấy khát nước nhiều hơn. Tuy nhiên, khi có điều kiện uống thêm nước, bà con nên tăng khẩu phần ăn để duy trì sức khỏe.

Nếu không may bị nạn vào mùa mưa, rét, cơ thể sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh kéo dài kèm theo viêm nhiễm đường hô hấp, gây mất sức và nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bà con cần lưu ý phải có những biện pháp cấp cứu, dự phòng. Bà con cần tận dụng tất cả các loại quần áo, chăn màn mang theo để đắp, mặc cho ấm. Dùng vải bạt, nilon, chăn màn để tránh nước biển. Thỉnh thoảng vận động chân tay bằng cách xoa bóp giúp máu lưu thông, chống lạnh cục bộ.

Sử dụng khẩu phần ăn hợp lý để cung cấp nhiệt lượng cho cơ thể.

Phòng chống một số bệnh và hiểm họa trên biển

Ngạt thở nhanh chóng dẫn đến tử vong. Bà con chú ý khi người bị nạn ngạt thở do nước vào miệng, mũi, phải kịp thời hô hấp nhân tạo. Nên chọn phương pháp miệng - miệng, xoa bóp lồng ngực, toàn thân để kích thích tuần hoàn và hô hấp.

Say sóng cũng có thể xảy ra với người mới đi biển hoặc khi cơ thể yếu, bệnh. Khi thấy triệu chứng nôn nao, muốn ói mửa, mắt nảy đom đóm… nên uống 1 - 2 viên thuốc chống say sóng (có trong cơ số trên xuồng cấp cứu). Có thể ấn huyệt trung quản (giữa bờ dưới xương ức và rốn). Nếu nôn mửa nhiều, cần uống thêm nước bổ sung, uống từng ít một.

Khi chân bị phù nề hoặc mọc mụn nhọt, bà con đi biển cần chú ý thỉnh thoảng cử động, co duỗi các khớp tay, chân và toàn thân. Để chống mệt mỏi, suy nhược cơ thể, bà con nên thường xuyên thay đổi tư thế nằm, ngồi, thỉnh thoảng xoa bóp toàn thân, hít thở sâu...

Tuy nhiên, quan trọng nhất trong lúc gặp nạn là phải giữ vững tinh thần. Phần đông nạn nhân bị chết vì kinh hoàng, lo sợ dẫn đến điên loạn. Họ chết trước khi nguồn sinh học trong con người thật sự cạn kiệt...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.