Văn hóa - Giải Trí

Gặp “Ý điên”- điêu khắc gia tài hoa nghèo hơn Chí Phèo!

03/08/2018, 08:54

Điêu khắc gia, hoạ sỹ Nguyễn Như Ý đã từng là một giai thoại vang bóng một thời trong ngành Mỹ thuật...

3

Nhà điêu khắc, họa sỹ “Ý điên” đẽo tượng gỗ

Được “ưu ái” đặt biệt danh “Ý điên”

Trên con đường dẫn vào thôn Thượng (xã Đức Hòa, Sóc Sơn, Hà Nội) khi được hỏi về họa sỹ Ý, bà Nguyễn Thị Hồng hào hứng nói: “Ông ấy giỏi lắm, ngồi nhà đục tượng, vẽ tranh. Ô tô, xe máy, người già, người trẻ đến nườm nượp nhưng không phải lúc nào cũng gặp được. Có lúc tôi phải bảo họ ra tận đồng để tìm ông ấy”. Nói xong, bà Hồng chỉ tay về phía cánh cổng đang mở toang cuối ngõ và bảo đó là nhà họa sỹ Ý. Ấn tượng đầu tiên đó là người đàn ông cụt chân ngồi trên nền đất, làn da đen cháy, đôi bàn tay thô ráp, chiếc quần jeans cắt ống vẫn còn in đầy vết sơn dầu xanh đỏ… miệt mài đục đẽo như không màng đến sự đời…

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1995, nhưng Nguyễn Như Ý đã có những tác phẩm được triển lãm nhiều lần tại Hà Nội, thậm chí “xuất ngoại”. Với những ý tưởng sáng tạo rất “độc” chẳng giống ai nên giới điêu khắc đã “ưu ái” dành cho ông biệt danh “Ý điên”. “Nghề này là “điêu” nhưng là điêu xảo, điêu luyện chứ không phải là giả dối. Làm phải đẹp, phải thật!”, ông chia sẻ về nghề một cách ngắn gọn như thế!

Từ ngày tốt nghiệp đến giờ, “Ý điên” chưa bán bức tượng nào, khách cũng chẳng bao giờ ra giá mặc cả, muốn đưa bao nhiêu thì tùy. Tượng của ông rất ít bức nhẵn nhụi, nắn nót mà bức nào cũng nham nhở, thô ráp. Thế nhưng người ta đều tự tìm đến, tự hiểu giá trị và tự đem đi để triển lãm. Ông bảo ông không bán, không có định giá, không mặc cả, muốn đưa bao nhiêu thì tùy.

4 (2)

Những bức tượng do họa sỹ “Ý điên”sáng tác

Cuộc đời “bất như ý”

Ngược với cái tên của mình, cuộc đời của người nghệ sĩ lại đầy trớ trêu bất như ý. Những mối tình đi qua cuộc đời “Ý điên” cũng đầy ngang trái. Từng có hai người phụ nữ về chung sống với ông như vợ chồng. Nhưng tất cả đều lần lượt rời bỏ ông, với chung một lý do “không đủ điều kiện để chu cấp cuộc sống của họ”. Nói về các “cô vợ” chưa một lần đăng ký kết hôn của mình, ông như trút hết ruột gan, khát khao về một mái ấm đích thực.

Người mà “Ý điên” nặng lòng nhất đó cũng chính là cô gái bị nhiễm chất độc da cam bé nhỏ chỉ với 25kg. Quen biết từ khi mới tốt nghiệp trường Mỹ thuật, cả hai nhanh chóng quyết định gắn kết cuộc đời bên nhau. 12 năm chung sống thì có quá nửa thời gian vợ ốm đau phải nằm trong bệnh viện. Thời gian đó, ông làm đủ nghề từ đục tượng, vẽ tranh thuê, bắt cá, đạp xích lô… để lấy tiền nuôi vợ bệnh. “Vợ không biết chữ, tôi dạy cho biết đọc, biết viết… Nuôi bao nhiêu năm cô ấy cũng lớn thêm một ít, tăng được 5kg, từ 25 lên 30kg”, ánh mắt ông rạng ngời nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc. Và cuối cùng ông cũng được hưởng niềm hạnh phúc làm bố như bao người đàn ông khác. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Bé trai đầu tiên ra đời được đặt tên là Tượng như nghề của bố “Đứa bé sinh non chào đời với cân nặng chỉ 800g, với người bình thường thì có thể nuôi được. Nhưng vợ thì yếu, nhà lại khó khăn nên cháu không thể qua khỏi…”. Nói đến đây, nước mắt ông cứ trào ra... Đó là cú sốc lớn nhất của đời ông. Bé trai thứ hai cũng mất vì sinh non khi ông chưa kịp nhìn mặt đặt tên. Khi ấy ông không thể khóc được nữa và cũng không muốn cho ai thấy nỗi đau của mình.

"Địa phương đã mấy lần đưa vào danh sách hộ nghèo nhưng Ý từ chối bảo: “Tôi còn làm ăn được, tôi còn kiếm được thì tôi không nhận hộ nghèo”. Anh này rất cá tính, không ở nhà vẽ tranh, tạc tượng thì lại đi tát vét. Khách mua cua, cá muốn cho thêm tiền, kể cả một, hai nghìn đồng anh ấy cũng không thèm lấy. Anh em bạn bè đến chơi, cho tiền cũng không nhận. Một người rất vui vẻ, vô tư".

Ông Nguyễn Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Đức Hòa (Sóc Sơn, Hà Nội)

Bi kịch vẫn tiếp diễn khi bỗng nhiên một ngày, mẹ vợ bất ngờ lên đón con gái về ngay trước mặt ông. Bà trách ông người nhà quê, nghèo, không có tiền, không đủ khả năng nuôi vợ!

“Tôi đã làm tất cả để vợ có cuộc sống tốt hơn nhưng đời có ai hiểu được”, ông nói trong men rượu! Không chịu để mất cuộc tình, nhiều năm sau đôi chân ông không biết bao nhiêu lần về trung tâm Hà Nội tìm vợ nhưng không thấy. “Hỏi thì mẹ vợ rồi em vợ đều nói không biết. Có người cũng bảo cô ấy chết rồi. Đôi khi ngồi nhớ kỷ niệm ngày xưa cũng muốn khóc, nhưng cố để nước mắt không rơi”, ông thở dài.

“Không bằng cả Chí Phèo”

Bao nhiêu khó khăn, trái ngang, cay đắng trong cuộc đời đều được “Ý điên” gửi gắm hết vào những tác phẩm của mình. Các bức tượng, tranh vẽ của ông đều mang chủ đề về tình yêu, hạnh phúc đôi lứa, gia đình đoàn viên... Nói như lời của ông đó là cuốn “Nhật ký cuộc đời”…

Có người nói do đi tìm vợ quá lâu nên “Ý điên” dành cả quãng đời còn lại để tạc tượng, vẽ tranh về vợ mình. Ông cười: “Cũng có phần đúng, tôi yêu người khổ đau chứ không yêu người sung sướng. Nhưng tôi không vẽ giống vợ mà vẽ những cô gái có nét thánh thiện hội tụ tất cả vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam”. Không thể nhớ nổi trong đời đã khắc bao nhiêu tượng, ông có thể ngồi đục tượng ở bất cứ đâu, không kể khuôn thước từ tượng to bằng cả gốc cây tới cái bé có thể xâu chuỗi thành vòng đeo cổ.

Cuộc sống lặng lẽ trôi qua, nửa ngày nhuốm bùn tát vét khắp các cánh đồng ở Sóc Sơn, nửa ngày “Ý điên” lại pha màu vẽ tranh, cầm đục tạc tượng. Trung bình mỗi ngày mò cua, bắt cá được 50 nghìn đồng, có ngày số đỏ bắt được nhiều lên tới tiền trăm. Số tiền đó được “Ý điên” dùng một phần để mua gỗ, vải, màu… vẽ tranh, tạc tượng. Những khúc gỗ có khi được ông mua với giá từ 20 - 40 nghìn đồng, có khi được anh em bạn bè nghệ sĩ tặng.

Phần tiền còn lại ông dùng để… uống rượu! Uống nhiều, say nhiều vì thế mà người dân làng Thượng vẫn gọi ông là “Chí Phèo”. Nhưng “Chí Phèo” này lúc say lại không cầm chai rượu chửi bới khắp làng, khắp chợ mà chỉ nghêu ngao hát. Ông nói: “Họ gọi tôi là Chí Phèo, nhưng tôi còn không bằng cả Chí Phèo. Bởi Chí Phèo còn có Thị Nở, còn tôi chẳng có ai…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.