Thị trường

Giá cổ phiếu HPG giảm gần 50%, tỷ phú Trần Đình Long thiệt hại nặng

16/06/2022, 17:06

Tài sản của ông Trần Đình Long đã giảm hơn 31 nghìn tỷ đồng do cổ phiếu HPG liên tục giảm giá...

Tỷ phú đô la “bay” hơn 31 nghìn tỷ

Phiên giao dịch 16/6 kết thúc với mức tăng mạnh 5,4%, cổ phiếu HPG đã tăng lên 31.000 đồng/đơn vị.

Theo xu hướng của thị trường, mã này phủ sắc xanh trong suốt phiên giao dịch, thậm chí trong phiên có 72.000 đơn vị được chuyển nhượng dưới hình thức thoả thuận ở mức giá trần.

Đây là phiên tăng đầu tiên sau chuỗi giảm liên tiếp 4 phiên trước đó của cổ phiếu này.

img

Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát

Tuy nhiên, một phiên tăng mạnh vẫn không bù được mức giảm của HPG suốt thời gian qua.

Trong đợt giảm sâu gần nhất từ 7/3 đến nay, HPG liên tiếp có chuỗi 3-5 phiên giảm liên tục sau đó mới đến phiên tăng giá.

Tính từ đỉnh 52.500 đồng/cổ phiếu thiết lập ngày 7/3, đến nay thị giá HPG đã giảm 41%.

Còn nếu tính từ đỉnh 58.400 đồng/cổ phiếu thiết lập ngày 18/10/2021, giá HPG đến nay đã giảm 47%.

Giá cổ phiếu giảm mạnh đã khiến nhiều cổ đông của tập đoàn Hoà Phát mất ăn mất ngủ.

Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là sự sụt giảm tài sản trên sàn của tỷ phú Hải Dương Trần Đình Long. Ông Long sở hữu hơn 1,16 tỷ cổ phiếu HPG.

Ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch 16/6, khối tài sản này trị giá 36.158 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 68.117 tỷ đồng hồi giữa tháng 10/2021.

Tốc độ tuộc dốc của giá cổ phiếu HPG thời gian qua cũng khiến nhiều tổ chức lao đao.

Đơn cử như quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL). Quỹ này vừa thông báo đã bán ròng hơn 34 triệu cổ phiếu HPG trong 3 tháng qua.

Giá trị khoản đầu tư của VEIL tại HPG đã giảm 155,7 triệu USD, tương đương hơn 3.580 tỷ đồng.

Đầu tháng này, mã HPG xếp thứ 4 trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL với tỷ trọng 7,2%.

img

Thị giá HPG giảm mạnh

Áp lực còn phía trước

Trong tuần qua, cùng với đà phục hồi của thị trường, cổ phiếu ngành Thép được cho là đã bắt đầu phục hồi từ đáy khi kỳ vọng giá thép sẽ phục hồi trên cơ sở kinh tế Trung Quốc quay lại hoạt động bình thường sau Covid-19.

Tuy nhiên, đà tăng của nhóm cổ phiếu thép khó có thể bền vững. Như NKG của Thép Nam Kim cũng chỉ phục hồi được 2 phiên sau đó liên tiếp giảm 4 phiên của cả tuần trước.

Trước đó, để đỡ giá cổ phiếu, ông Hồ Minh Quang, chủ tịch Nam Kim đã mạnh tay chi gần 90 tỷ đồng mua 3 triệu cổ phiếu NKG trong khoảng thời gian từ 23/5 đến 1/6, nâng sở hữu từ 12,8% lên 14,2%. Dù vậy, cổ phiếu này vẫn không tránh được các phiên liên tiếp sụt giảm.

Cổ phiếu thép khác là HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng ghi nhận đà giảm mạnh gần 59% xuống còn 21.150 đồng/cổ phiếu kết thúc phiên 16/6.

Hay POM của Thép Pomina cũng có cùng nhịp giảm khi mất hơn 52% về còn 9.050 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên 16/6.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư và Quản lý tài sản, Công ty chứng khoán Tân Việt cho biết, khi thị trường hồi phục trong sóng suốt ba tuần trước, các cổ phiếu ngành thép là nhóm yếu và hồi phục sau nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi các chỉ số đã hết động lực hồi phục.

Kết thúc quý I/2022, dù các doanh nghiệp ngành thép có kết quả kinh doanh khả quan nhưng các nhà đầu tư và cả các chuyên gia vẫn không đánh giá cao triển vọng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu ngành này.

Bản thân ông chủ HPG, Trần Đình Long - Chủ tịch Hoà Phát, trong đại hội cổ đông của doanh nghiệp này vừa qua cũng thẳng thắn với chia sẻ với cổ đông về các nguy cơ của doanh nghiệp trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Điều này sẽ tác động mạnh tới các doanh nghiệp trong ngành Thép trong nửa cuối năm nay và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này trong hai quý cuối năm nay sẽ không được khả quan như đầu năm nay.

Đây sẽ là áp lực rất lớn đến giá cổ phiếu của ngành Thép.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.