Vận tải

Giá cước vận tải tiến tới phải do thị trường quyết định

25/12/2015, 10:01

Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), giá cước vận tải phải được hình thành trên cơ sở cung-cầu của thị trường.

Tranbaongoc
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT)

Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) xung quanh việc quản lý giá cước vận tải hiện nay.

Xin ông cho biết hiện nay Nhà nước đang thực hiện quản lý giá cước vận tải như thế nào?

Hiện nay, việc quản lý giá được thực hiện theo Luật giá. Theo đó, một trong những nguyên tắc quản lý giá bao trùm là Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường và tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 15 của Luật Giá thì: “Giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa” không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Giá cước vận tải ô tô được hình thành trên cơ sở cung cầu của thị trường.

Nhà nước có cơ chế để kiểm soát giá cước vận tải ô tô thông qua hình thức kê khai giá, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo mức giá cước phù hợp với thị trường.

Trong năm 2015 vừa qua, giá xăng dầu liên tục giảm, Bộ GTVT đã có những động thái gì?

Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm việc kê khai, niêm yết và giảm giá cước vận tải phù hợp với tình hình giảm giá xăng dầu.

Đầu năm 2015, Bộ GTVT đã thành lập Đoàn kiểm tra của Bộ GTVT về công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải trong lĩnh vực vận tải bằng xe ô tô và giá cước vận tải hàng không. Đối tượng kiểm tra là các Sở GTVT, các doanh nghiệp vận tải và các bến xe ô tô của một số tỉnh và thành phố lớn; các hãng hàng không và cảng hàng không, sân bay.

Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2015, liên Bộ GTVT - Tài chính cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải.

Các chỉ đạo đó có đạt được kết quả? Xin ông cho biết chi tiết hơn về việc giảm giá cước vận tải?

Tính đến cuối tháng 10/2015, cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có văn bản chỉ đạo, nhiều đơn vị vận tải đã chấp hành việc thực hiện kê khai, niêm yết, giảm giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu giảm, cụ thể như sau:

Đối với vận tải hành khách đường bộ trên địa bàn cả nước đã có 948 tuyến cố định, 33 tuyến xe buýt và 325 doanh nghiệp taxi giảm giá cước.

Đối với vận tải hành khách hàng không, tất cả các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện giảm giá theo các dải giá khác nhau. Cụ thể, Vietnam Airlines giảm từ 9% đến 80% giá trần quy định, VietjetAir và Jetstar Pacific Airlines giảm từ 9% đến 100% giá trần quy định (có những đợt khuyến mãi, giảm giá vé ở mức 0 đồng).

Đối với vận tải đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh giảm giá vận tải hành khách các cung chặng có mật độ đi lại thấp, giảm giá đường dài và 3 lần điều chỉnh linh hoạt cước vận tải hàng hóa trong từng thời điểm.

Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị vận tải chưa thực hiện nghiêm việc kê khai, niêm yết giá cước; chưa thực hiện điều chỉnh giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm.

DSC_3358
Nhiều doanh nghiệp vận tải đang rục rịch hạ giá cước

 Vậy, đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm đó, họ có bị xử lý?

Trước hết, cần phải khẳng định việc giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm không chỉ là trách nhiệm và đạo đức của người kinh doanh vận tải mà còn là nghĩa vụ. Nhà nước đã có nhiều chế tài để điều tiết về giá cước vận tải. Cụ thể:

Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn đã quy định các mức xử phạt nghiêm đối với các hành vi: Vi phạm quy định về đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ (Điều 11); Vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ (Điều 12); Tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý (Điều 13).

Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã quy định tại Điều 28 các hình thức xử phạt đối với các hành vi: không thực hiện việc đăng ký, niêm yết theo quy định về giá cước; không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết và giá cước. Quan trọng hơn, ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) 1 tháng đối với xe vi phạm; đồng thời phải khắc phục hậu quả bằng các hoàn trả cho hành khách số tiền cước thu quá quy định.

Xin ông cho biết Bộ GTVT sẽ có những biện pháp gì trong thời gian tới để công tác quản lý giá cước vận tải đạt hiệu quả?

Theo quan điểm của tôi, công tác quản lý giá cước vận tải hiệu quả phải dựa trên cơ sở tạo lập được một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; giá cước vận tải phải được hình thành trên cơ sở cung, cầu của thị trường. Từ đó, các doanh nghiệp phải tự giác nâng cao chất lượng dịch vụ và có giá cước hợp lý để đảm bảo tính cạnh tranh, nếu không sẽ bị thị trường “đào thải”, khách hàng “quay lưng”.

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá cước vận tải, kịp thời sửa đổi, bổ sung để tăng cường quản lý giá cước vận tải. Hiện tại, 2 Bộ đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang quyết liệt triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu vận tải, nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá thành; đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Có thể ví dụ như các doanh nghiệp vận tải đường bộ sẽ không chỉ phải nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá cước để cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với vận tải đường sắt, hàng không, đường thủy. Thực tế cho thấy, hiện nay giá vé vận tải hành khách hàng không đang rất cạnh tranh so với vận tải đường bộ và đường sắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.