Kinh tế

Giá dầu giảm mạnh, ngân sách thất thu

02/12/2014, 15:10

Ở Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết giá dầu bình quân cả năm giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ mất khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nguồn: Bloomberg, Oil News
Nguồn: Bloomberg, Oil News (Ảnh: Tuổi trẻ)

Chuỗi ngày giảm giá của dầu vẫn kéo dài và đang gây những tác động trầm trọng lên nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Tính tới chiều 1-12 trên thị trường châu Á, giá dầu tiếp tục giảm 1,1 USD/thùng, tương đương 1,66%, xuống mức 65,05 USD/thùng, theo Bloomberg.

Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu thô đã giảm 37%. Với mức giá này, các chuyên gia đều cho rằng những nước có xuất khẩu dầu đều bị thiệt hại rất lớn.

Giai đoạn suy thoái 

Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nước xuất khẩu dầu số 1 thế giới là Nga chỉ có thể cân đối được ngân sách khi dầu ở mức 101 USD/thùng. Iran là nước chịu tác động lớn thứ hai và cần giá dầu ở mức 136 USD/thùng, tiếp đó là Venezuela và Nigeria với mức 120 USD/thùng mới cân đối được ngân sách.

Trong khi đó, Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có thể ổn khi dầu ở khoảng 70 USD/thùng.

Vẫn theo Bloomberg, thị trường dầu hiện nay ở giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 tới nay, và đang có dấu hiệu tạo ra những tác động lớn không kém gì đã xảy ra cách đây ba thập kỷ. Khi đó, giá dầu giảm triền miên đã đẩy Mexico vào khủng hoảng nợ.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia trên Bloomberg, Trung Quốc đang rơi vào thế “ngư ông đắc lợi” trong thế trận suy thoái giá dầu hiện nay. Nước này vẫn đang kiên trì với chiến lược tăng mạnh nguồn dự trữ dầu chiến lược và do vậy nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lượng nhập khẩu lên khoảng 700.000 thùng/ngày trong năm 2015.

“Đây là thời cơ vàng để tăng kho dầu với chi phí thấp. Trung Quốc là người hưởng lợi lớn nhất” - Gordon Kwan, trưởng nhóm nghiên cứu của Tập đoàn Nomura Holdings, nhận xét.

Ở chiều ngược lại, Nga là nước chịu thiệt hại lớn nhất khi giá dầu lao dốc. Dầu và khí chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp tới 50% tổng thu ngân sách của Nga. Đồng rúp đã mất giá 31% so với USD kể từ tháng 6 tới nay.

Ngân sách sẽ hụt thu

Việc giá dầu giảm liên tục thời gian qua đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của VN như thế nào?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1/12, Bộ Tài chính cho biết giá dầu bình quân cả năm giảm 1 USD/thùng thì ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này nguồn thu ngân sách năm 2014 cũng không bị ảnh hưởng lớn. Bộ Tài chính giải thích khi báo cáo ra Quốc hội về ngân sách năm 2014, dự toán giá dầu thô bình quân của cả năm là 98 USD/thùng.

Còn khi tính toán dự kiến giá dầu thô đạt bình quân 110 USD/thùng. Đến thời điểm này, giá dầu thô bình quân 11 tháng đầu năm đạt 109 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thô bình quân trong 11 tháng chỉ mất 1 USD/thùng nên ngân sách mất khoảng 1.000 tỉ đồng. 

Trong khi đó, tại buổi họp báo chiều cùng ngày, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự toán ngân sách năm 2015 với dự báo giá dầu là 100 USD/thùng, đến giờ này giảm khoảng 30 USD và con số vẫn đang thay đổi.

Ước tính mỗi 1 USD giá dầu giảm, ngân sách mất khoảng 1.000 tỷ đồng, như vậy dự tính nếu giá dầu giảm còn trên dưới 80 USD/thùng thì ngân sách mất khoảng 20.000 tỉ đồng.

Hiện Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến giá dầu thô. Nếu giá dầu thô tiếp tục xu hướng giảm và giữ ở mức thấp thì Bộ Tài chính sẽ phải xây dựng các kịch bản để trình Chính phủ, trong trường hợp căng thẳng thì sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Bên cạnh những lo lắng về nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng, ở chiều ngược lại, do VN nhập khẩu lượng lớn xăng dầu tinh chế cho nhu cầu trong nước, ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - cho rằng nhờ giá xăng dầu giảm, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sẽ giảm, giúp làm ăn tốt hơn, có lãi hơn, qua đó có thể tăng nguồn thuế vào ngân sách.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Thành - giám đốc chính sách công, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đối với một nền kinh tế như VN, việc thị trường xăng dầu đi xuống liên tiếp như vừa qua sẽ có tác động trung tính, bởi giá dầu giảm gây thiệt hại cho kim ngạch xuất khẩu dầu và khí của VN, song xăng dầu tinh chế nhập về cũng giảm tương ứng.

Theo ông Thành, sản xuất kinh doanh trong nước có thể được hưởng lợi. “Nếu xét kỹ ra, việc giá xăng dầu thế giới giảm sẽ tác động tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khối kinh tế ngoài nhà nước. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách sẽ giảm đáng kể” - ông Thành phân tích.

Triển khai bán rộng rãi xăng E5

Từ sáng 1/12, TP.HCM cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai bán đại trà xăng E5 theo lộ trình của Chính phủ. Tại TP.HCM, quan sát ở nhiều cây xăng có thể thấy các trụ bơm E5 đều có người dừng xe vào mua như bình thường với xăng A92.

Tại một cây xăng có bán xăng E5 của Công ty vật tư xăng dầu Comeco trên đường Ba Tháng Hai, quận 11, nhiều người đỗ xe vào phía trụ bơm có ghi xăng E5 để nhân viên bơm vào xe cho mình và cho biết họ cũng đã dùng thử loại này khá nhiều lần. Số khác không quá quan tâm mình đang đổ xăng A92 hay A92-E5.

“Xăng nào cũng được, tôi không quan tâm lắm. Giá đừng có đắt hơn xăng khác là được” - anh Vũ Nhất Sinh, nhân viên giao nhận, cho biết.

Theo ông Vũ Kiên Chỉnh - phó chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học VN, giảm gây hại tới môi trường là ưu điểm hàng đầu của xăng E5.

“Dừng ở các ngã tư, chúng ta thường ngửi thấy mùi khét khó chịu và mùi xăng sống chưa cháy hết. Với xăng E5, khả năng đốt cháy triệt để hơn, giảm thiểu mùi khét này và giảm khí CO độc hại cho môi trường” - ông Chỉnh cho biết.

 

Theo Tuổi trẻ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.