Xã hội

Gia đình “Robinson” 35 năm giữa hoang đảo hồ Trị An

23/06/2019, 13:22

Từ lúc khai hoang và sống trên đảo đã hơn 36 năm, chàng thanh niên ngày nào vừa xuất ngũ (khoảng 25 tuổi) giờ đã 62 tuổi...

img
Ông Nguyễn Văn Long cùng cháu trai chỉ tay về mái nhà gắn tấm pin năng lượng mặt trời đã làm đổi thay cuộc sống gia đình - Ảnh: Vĩnh Phú

Để tồn tại hàng chục năm trên đảo Năm Bầu giữa lòng hồ Trị An (Đồng Nai), gia đình ông Nguyễn Văn Long (62 tuổi, quê Long An) và vợ là bà Trần Thị Thanh Nga (57 tuổi) phải sống bằng nghề chài lưới, trồng cây. Cuộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài khiến nhiều người dân ví họ như gia đình “Robinson” thời hiện đại.

Bí ẩn cái tên đảo Năm Bầu

Vào một sáng nắng đẹp cuối tháng 5, từ TP HCM chúng tôi vượt hơn 50km men theo QL1 và rẽ vào ĐT767 tìm đường đến đảo Năm Bầu trên hồ Trị An. Đến hồ Trị An được người dân bản địa chỉ đường, chúng tôi tiếp tục vượt hơn 10km trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đến xã Mã Đà ra bến đò. Sau hơn 10 phút ngắm hồ Trị An chúng tôi đã đặt chân được lên đảo.

Khác xa với trí tưởng tượng về một hòn đảo hoang sơ, vừa đặt chân lên đảo, tôi và người bạn đồng hành đã có cảm giác thích thú với khung cảnh thơ mộng giữa bạt ngàn cây, tiếng chim hót. Trên lòng hồ như biển lớn là những chiếc ghe, thuyền của ngư phủ đang quăng lưới bắt cá. Lữ khách có thể cảm nhận không gian trong lành, an nhiên, được xả stress sau những ngày làm việc căng thẳng tại chốn đô thị ồn ào.

Hồ Trị An rộng trên 323km2. Trên lòng hồ có khoảng 40 hòn đảo lớn, nhỏ. Những hòn đảo trên hồ vốn là gò đất còn sót lại sau khi ngăn dòng chảy sông Đồng Nai làm nhà máy thủy điện vào năm 1984. Đảo Năm Bầu nằm giữa hồ Trị An, rộng khoảng 4ha. Trên đảo có duy nhất gia đình ông Nguyễn Văn Long sinh sống biệt lập đến nay.

Mất hơn 30 phút đi một vòng quanh đảo, chúng tôi bắt gặp một ngôi nhà gỗ mộc mạc, phía trên mái nhà là những tấm pin năng lượng mặt trời, cột ăng ten thu sóng truyền hình. Trong nhà được trang bị cơ bản đầy đủ các tiện nghi, ti vi màn hình phẳng, quạt máy... Hay tin có khách, ông Long đang cắt tỉa ở vườn với chiếc áo còn thơm nhựa điều đã vồn vã mời khách vào nhà.

Vừa rót xong ly nước mời khách, ông Long kể: “Tôi đi bộ đội, năm 1983 ra khai hoang lập nghiệp trên đảo này. Ngoài thả lưới bắt cá để đổi gạo, thỉnh thoảng còn đi làm thuê sống qua ngày. Lúc đầu cuộc sống khó khăn lắm. Năm 1986 khi hồ đập thủy điện Trị An hình thành, chỗ tôi ở trở thành đảo thường xuyên bị nước ngập. Khó khăn nhất là cảnh sống biệt lập không điện, buồn nhưng tôi vẫn bám trụ ở đảo vì thời điểm đó cũng không có tiền mua đất. Đảo rộng khoảng 4ha, thoạt đầu tôi trồng lúa, bắp, mía… nhưng rồi nước ngập sâu không thu hoạch được gì. Sau này tôi chuyển sang trồng điều, xoài vì hợp thổ nhưỡng. Cuộc sống cũng dần ổn định. Khoảng 10 năm chăm chỉ khai hoang, gia đình tôi cũng đủ tiền mua đất vào bờ nhưng đã quen với cuộc sống trên đảo nên quyết bám trụ lại”.

Khi được hỏi về cái tên đảo Năm Bầu, ông Long kể lại: “Dù sống trên đảo nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên ra vào đất liền, gặp gỡ quen thân nhiều người nhưng họ vẫn chưa biết gọi tên đảo là gì. Trong khoảng thời gian vợ tôi mang thai đứa con gái đầu, lúc đó bà ấy có tên là Năm nên nhiều người qua chơi rồi đặt tên luôn cho đảo này là đảo Năm Bầu”.

Ngồi cạnh chồng, bà Năm cho hay, cả 3 đứa con đều chào đời trên đảo. Thuở ban đầu khó khăn là thế nhưng rồi mọi thành viên trong gia đình chung tay gây dựng, đảo hoang được cải tạo thành những vườn cây bạt ngàn với đủ các loại từ xoài, điều, tràm… “Trước đây, nhà chỉ có chiếc ghe gỗ nhỏ ra vào đất liền mất gần nửa tiếng, dễ lật khi trời mưa gió. Sau những mùa thu hoạch, vợ chồng dành dụm được tiền mua lại chiếc ghe máy để thuận lợi cho việc bán nông sản và mua vật dụng cần thiết”, bà Năm cười hiền nói.

img
Ông Long bên rẫy điều đang thu hoạch hơn 50 triệu đồng/năm - Ảnh: Vĩnh Phú

Đổi đời nhờ điện mặt trời

Bà Năm cho biết thêm, hai vợ chồng có ba người con, hai con gái đã đi lấy chồng. Cậu con trai duy nhất làm việc ở xã rồi lấy vợ cũng lên bờ thuê nhà ở ngay gần hồ. “Đứa cháu nội tên Hiếu, 4 tuổi ở cùng chúng tôi từ lúc mới sinh nên cũng không muốn rời đảo. Mỗi sáng, tôi đưa cháu vào học mẫu giáo gần chợ Mã Đà rồi đi chợ luôn đợi cháu tan học rồi hai bà cháu lại về đảo”, bà Năm nói.

Chia sẻ về việc lắp điện mặt trời, ông Long cho biết: Mỗi tối ra ven hồ nhìn về hướng thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) với những ánh đèn rực rỡ tôi luôn đau đáu nỗi buồn vì nhà mình sống trên hồ thủy điện nhưng xung quanh lại tối mịt, chỉ có những đêm trăng là còn có tí ánh sáng lấp lánh trên mặt hồ. “Năm 2004, một người bạn từ TP HCM ghé thăm thấy hoàn cảnh khó khăn do thiếu điện đã gợi ý lắp đặt những tấm pin để thu năng lượng mặt trời. Vừa nghe giới thiệu xong, tôi như mở cờ trong bụng và như nhặt được vàng”, vị chúa đảo Năm Bầu cho hay.

img
Một góc đảo Năm Bầu trên hồ Trị An - Ảnh: Vĩnh Phú

Ông Long nhớ lại: “Thoạt đầu nghe giá một tấm pin năng lượng lên đến 8 triệu đồng, tôi cũng rất băn khoăn vì cao quá và chưa biết hiệu quả như thế nào. Tuy nhiên, với quyết tâm có điện thắp sáng căn nhà tôi quyết định lấy tiền tiết kiệm nhiều năm mua liền 2 miếng. Có điện, vợ chồng mừng rơi nước mắt. Có điện, tôi đi mua tivi, quạt máy, lắp đặt chảo bắt sóng truyền hình để cả nhà đỡ lạc hậu với thế giới. Đến năm 2015 tôi đã lắp thêm được 5 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, đủ đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt”.

Từ lúc khai hoang và sống trên đảo đã hơn 36 năm, chàng thanh niên ngày nào vừa xuất ngũ (khoảng 25 tuổi) giờ đã 62 tuổi, người vợ của ông cũng đã gần lục tuần. Con cái trưởng thành có cuộc sống riêng nên hàng ngày ông Long đi đánh cá, chăm sóc vườn điều, xoài mỗi năm thu hoạch từ 50-70 triệu đồng.

“Hồ Trị An quanh năm không khí trong lành mát mẻ nên tôi muốn ở mãi trên đảo thôi. Đến nay giá một tấm pin mặt trời đã rẻ hơn trước rất nhiều vì thế tôi sẽ lắp thêm khoảng 20 tấm. Sau khi có nguồn điện ổn định sẽ mua thêm tủ lạnh và xây thêm một số chòi lá, nhà sàn và lều cắm trại để cho khách thuê đến tham quan ở lại qua đêm phục vụ du lịch sinh thái (homestay) như nhiều nơi khác đang làm”, ông Long nói về dự định tương lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.