Điều tra

Gia Lai: Báo cáo phá rừng huyện Kông Chro có trung thực?

09/03/2020, 10:24
image

Cứ đi vào những đường mòn trong rừng ở xã Sró (Kông Chro, Gia Lai) là lộ nguyên hình cánh rừng bị triệt hạ, những cây gỗ lớn còn trơ gốc và bìa.

img
Một gốc gỗ dổi có đường kính hơn 1,2m bị đốn hạ. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Phát hiện điểm rừng bị phá mới

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương làng Bya, xã Sró (Kông Chro, Gia Lai), khu vực đỉnh núi cuối làng Bya là nơi rừng gỗ dỗi mọc nhiều. Nơi đây cũng là nơi mà nhóm lâm tặc nhòm ngó trong thời gian dài.

Theo cánh tay người đồng bào Ba Na địa phương chỉ, chúng tôi cắm cúi leo dốc theo đường mòn lên núi Bya. Chỉ cần nhìn ở chân núi, khu vực bìa rừng lộ ra những mảng cây rừng bị người dân phá rừng làm rẫy. Rừng bị triệt hạ trên diện tích rộng lớn. Dấu vết rừng bị triệt hạ mới có, cũ có. Có những vạt cây rộng hàng nghìn mét vuông bị phát khô phủ lên màu bạc, chờ thời điểm để đốt cháy hoàn toàn. Và, nơi đây sẽ trở thành nương rẫy mì, bắp, lúa nương của người dân khi mùa mưa tới.

Ngay cách vị trí chân rừng phòng hộ chỉ vài chục mét, bắt đầu xuất hiện những cây gỗ lớn còn trơ gốc, lâm tặc lấy đi phần lõi có giá trị. Gốc gỗ có đường kính hơn 50cm với vết cưa còn rất mới. Kiểm tra gốc gỗ này còn có dấu bút trắng ghi trên gốc: 01/LNX (liên ngành xã - PV) ngày 24/2/2020.

Tiếp tục đi khoảng 200m chúng tôi rẽ vào hiện trường có 2 cây gỗ lớn với đường kính gốc khoảng 1,2m và khoảng 1m. Trên gốc gỗ này còn có kí hiệu ghi liên ngành xã Sró, đánh dấu ghi ngày 6/3/2019. Tại gốc gỗ có đường kính hơn 1,2 m này vẫn còn 2 tấm gỗ hộp bị cưa hỏng nên lâm tặc không lấy mà để lại hiện trường. Theo người am hiểu, chỉ cần làm một phép tính đơn giản có thể đoán được, 2 cây gỗ này đã mất khoảng chục khối gỗ có giá trị.

Đường mòn tiếp tục dẫn chúng tôi đến một vị trí khác cũng cách đó không xa. Hiện trường nơi này cũng tương tự như ở các vị trí khác, cây gỗ chỉ còn gốc và phần bìa, ngọn không mấy giá trị. Và ở hiện trường vẫn còn một hộp gỗ với chiều dài hơn 3m, rộng khoảng 50cm, dày 20cm. Trên tấm gỗ này có hàng chục vết cưa xẻ chéo. "Cái này là do lâm tặc chưa vận chuyển ra khỏi rừng, lực lượng chức năng phát hiện nên dùng máy cưa xẻ phá bỏ", người chỉ đường của chúng tôi cho biết.

Cũng theo người dân địa phương dẫn đường chúng tôi, lâm tặc dùng sức trâu, dùng máy tời để kéo gỗ. Thậm chí, có trường hợp còn thuê người dân vào rừng để cõng gỗ ra ngoài. “Mỗi khối gỗ dổi nếu đưa ra khỏi rừng đến tận làng sẽ được trả khoảng 10 triệu đồng. Từ làng, gỗ lại tuồn theo đường độc đạo hơn dài hơn chục km để đến được tỉnh lộ 672". Đáng chú ý, con đường này là đường độc đạo đi ngang qua cầu Đăk Pờ Kờ - nơi có chốt trạm Kiểm lâm thường trực 24/24".

Trả lời câu trả lời của chúng tôi khi nhắc đến việc rừng bị triệt hạ và con đường độc đạo có chốt kiểm tra thường trực, ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro (Gia Lai) bày tỏ: “Đó cũng là điều băn khoăn”.

img
Một khoảng rừng bị phát trắng.

4 lần kiểm tra rừng bị phá ra sao?

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro (Gia Lai) cho biết, đã có kết quả kiểm kê rừng bị phá sau 4 đợt kiểm tra rừng phòng hộ đầu nguồn làng Bya, xã Sró bị phá sau khi báo chí phản ánh.

Theo ông Ẩn, lực lượng chức năng của xã, huyện đã 4 lần vào kiểm tra khu vực rừng bị khai thác trái phép ở làng Bya. Ngày 4/3, đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng cơ quan chức năng huyện cũng đến hiện trường rừng bị khai thác trái phép thuộc lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 805, loại rừng phòng hộ đầu nguồn do UBND xã Sró quản lý.

Bất thường trong báo cáo của xã

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2019 và kế hoạch tổ chức nhiệm vụ của UBND xã Sró ghi rất rõ: Trong năm, đã phát hiện 3 vụ cất giấu lâm sản trái phép vắng chủ (tăng 1 vụ so với cùng kỳ) với khối lượng 9,171m3 gỗ căm xe, gỗ dổi vàng và 1 xe ô tô đã bàn giao về Hạt Kiểm lâm xử lý.

Qua kết quả kiểm tra, tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã phát hiện có 12 cây gỗ dổi bị khai thác trái phép. Trong đó có 10 cây bị các đối tượng cưa hạ và 2 cây bị bật gốc do gió bão. Các đối tượng khai thác đã cắt khúc, xẻ hộp để lấy gỗ, đường kính gốc cắt lớn nhất là 91 cm, nhỏ nhất là 40 cm. Tổng khối lượng bị thiệt hại là 15,769 m3 gỗ tròn và 2,403 ster củi.

Ngoài ra, UBND huyện Kông Chro báo cáo với UBND tỉnh Gia Lai, từ năm 2019 đến nay, UBND xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện phát hiện và bắt giữ 7 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn xã Sró. Tang vật vi phạm gồm 15,871 m3 gỗ xẻ (riêng gỗ dỗi là 14,907 m3).

Chúng tôi rất bất ngờ với báo cáo của UBND huyện Kông Chro, vì thực tế trước đó ghi nhận hiện trường có hàng chục gốc gỗ mới bị cưa xẻ, hiện trường gỗ còn nguyên hộp. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện tiếp nhận băn khoăn này đồng thời cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra lại 1 lần nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.