Cuộc sống an toàn

Gia Lai: Đổi mới tuyên truyền giúp giảm thiểu TNGT trong đồng bào thiểu số

30/11/2022, 23:32

Gia Lai có tỉ lệ TNGT liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số khá cao, việc đổi mới tuyên truyền nhằm giảm thiểu TNGT rất cần thiết.

Nhiều năm qua, TNGT liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai ở mức cao, vậy nên đổi mới hình thức tuyên truyền là một việc làm thiết thực nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian tới.

img

Siu Quên người gây TNGT trả lời giao lưu đêm tuyên truyền về pháp luật ATGT tại làng Quen Mép (X. Dun, Chư Sê).

Đổi mới hình thức tuyên truyền

Nhiều năm qua, TNGT liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai ở mức cao. Tuy nhiên, tình hình TNGT liên quan đến người DTTS vẫn ở mức cao. Vậy nên, đổi mới hình thức tuyên truyền là một việc làm thiết thực nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian tới.

Huyện Chư Sê (Gia Lai) có gần 50% dân số là người DTTS, nhiều bà con sống ở các làng xa xôi nên ý thức chấp hành về ATGT còn hạn chế. Vì vậy, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức, để người dân vùng DTTS tích cực chấp hành pháp luật về giao thông, góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn. Để tuyên truyền có hiệu quả, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã có nhiều hình thức tuyên truyền.

Đơn cử như đêm 29/6, tại làng Queng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê (Gia Lai) đã diễn ra buổi tuyên truyền pháp luật và an toàn giao thông. Tại đây, cán bộ tuyên truyền của Công an tỉnh Gia Lai đã mời Siu Quên người có trách nhiệm trong vụ TNGT khiến 2 vợ chồng tử vong ngày 26/6 (cách đó 3 ngày) lên sân khấu để trò chuyện.

Vụ TNGT do Quên gây ra đã để lại hậu quả nặng nề. Đêm đó, Quên điều khiển xe mô tô lưu thông trên quốc lộ 25 hướng từ Chư Sê đi Phú Thiện đã va chạm vào xe mô tô đi chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến anh P.V.T.A. (SN 1992, trú tại tổ 9, thị trấn Chư Sê) và vợ là chị V.T.N.M.(SN 1993) tử vong ngay sau đó, để lại 3 đứa trẻ lâm cảnh mồ côi.

Khi được cán bộ công an gợi ý, Siu Quên cho biết, hôm đó có uống rượu bia, điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm và bản thân chưa có GPLX. "Đêm đó em nhậu cả rượu lẫn bia. Lúc chạy xe nhanh rồi cua vào quán tạp hoá để đổ xăng thì gây tai nạn", Quên kể. Và khi được hỏi thêm về vụ tai nạn, Quên nói: "Em thương gia đình anh chị kia. Em rất hối hận".

Tại đây, Quên nói bằng tiếng Jrai với người dân làng mình: "Mọi người nên tuân thủ pháp luật. Nhất là thanh niên khi uống rượu bia thì không nên đi xe máy. Mình uống rượu gây tai nạn làm người chết buồn lắm. Tai nạn khổ cho cả nhà nạn nhân, khổ cho mình nữa...".

Tham gia buổi giao lưu, những người có uy tín trong làng Queng Mép cho biết sẽ nghiêm khắc hơn với những người thân gia đình, cộng đồng. Hơn nữa, sẽ lấy những trường hợp gây tai nạn và nỗi đau của những nạn nhân trong làng để tuyên truyền, giáo dục con cháu.

Ngay trong buổi tối, lực lượng CSGT Công an tỉnh và Đội CSGT công an huyện Chư Sê cũng mời các người dân test nồng độ cồn, sau đó chỉ ra sự nguy hiểm khi đã uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Buổi tuyên truyền thu hút gần 2.000 người dân làng tham gia với các hoạt động như: Chiếu phim tư liệu về các vụ TNGT, nỗi đau để lại sau TNGT; tuyên truyền và hướng dẫn luật giao thông đường bộ. Lực lượng chức năng còn tặng 80 mũ bảo hiểm chất lượng cao cho bà con.

Việc tuyên truyền có điểm nhấn, có giao lưu thiết thực và chỉ ra những lỗi vi phạm thường gặp nhất trong tham gia giao thông được người dân quam tâm. Ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Kông Htok (Chư Sê), cho biết: “Chính quyền địa phương luôn phối hợp Công an huyện lồng ghép tuyên truyền ATGT tại các xã, thôn làng vùng DTTS, đặc biệt các đối tượng là thanh thiếu niên. Cùng với đó, xã thực tuyên truyền bằng tiếng địa phương, video pano áp phích, loa đài đi phát ở các thôn làng. Nhờ vậy, trên địa bàn xã không xảy ra trộm cắp và tai nạn giao thông giảm, tình hình an ninh trật tự, ATGT được giữ vững”.

img

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai tham gia thực hành kỹ năng lái xe an toàn.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền

Thời gian qua, lực lượng Công an huyện Chư Sê đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền thực hiện ATGT bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền bằng giấy, pa-nô; xây dựng các phóng sự về ATGT chiếu tới tận các xã cho người dân, tranh thủ các già làng; người có uy tín để cùng tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về ATGT và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đồng bào DTTS, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về giao thông...

Trao đổi với Báo Giao thông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, lâu nay, tình trạng người dân điều khiển phương tiện mô tô tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi đang diễn ra ở một số địa phương và vẫn còn tiếp diễn. Đặc biệt, tại một số thôn làng vùng đồng bào DTTS, nhiều thanh thiếu niên còn tụ tập, độ chế xe, nẹt pô gây mất ATGT và làm ảnh hưởng an ninh trật tự. Cùng với đó, là sự gia tăng các phương tiện giao thông nhưng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngoài việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, các lực lượng của tỉnh đã thực hiện tuyên truyền trong các xã, làng đồng bào DTTS. Đặc biệt, thông qua thông tin đại chúng, phương tiện truyền thông, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là cho các đối tượng là thanh, thiếu niên, đồng bào DTTS; phối hợp, kiểm tra, kiểm soát phương tiện vi phạm; có hình thức xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.

Cũng theo ông Hiếu, hiện nay ngoài việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, trật tự ATGT thì mới đây việc đổi mới hình thức tuyên truyền và đẩy mạnh tuyên truyền trong lứa tuổi học sinh đã được nhân rộng.

"Đơn cử như mới đây, Ban ATGT cùng với các ngành đã triển khai việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho học sinh tại trường THPT Nội trú tỉnh. Đây là một trong những ngôi trường có 100% là học sinh người đồng bào ở các nơi về học. Các em học sinh ngoài được trang bị các kiến thức pháp luật về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng tham gia giao thông an toàn còn là những tuyên truyền viên hiệu quả trong đồng bào mình", ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu kỳ vọng, với việc đổi mới hình thức tuyên truyền và tuyên truyền pháp luật giao thông hiệu quả, thời gian tới TNGT liên quan tới người đồng bào DTTS trên địa bàn Gia Lai sẽ được kéo giảm rõ rệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.