Xã hội

Gia Lai: Hạ thấp đất để canh tác, người dân bỗng thành... "đất tặc"?

27/03/2023, 19:14

Từ khi đường liên huyện được mở, đất hai bên tại thôn Hàm Rồng (X. Ia Băng, Đăk Đoa, Gia Lai) có độ cao quá lớn, người dân bỗng thành "đất tặc"?

Sau khi tuyến đường liên huyện Đăk Đoa - Chư Prông hình thành đã biến đất đai của người dân trở nên quá cao, quá dốc so với mặt đường. Người dân muốn san đất thấp xuống thì buộc biến mình thành "đất tặc"....

img

Mỏ đất lộ thiên" bị khai thác trái phép

img

"Đất tặc" về đêm

“Khu vực này chưa có mỏ đất nào được cấp phép hoạt động. Chúng tôi sẽ cử lực lượng xuống hiện trường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Ông Lê Tuấn Anh-Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai).

6 năm trước, tuyến đường liên huyện Đăk Đoa - Chư Prông được hình thành nối từ quốc lộ 19 đến đường Hồ Chí Minh. Tại đoạn qua thôn Hàm Rồng (xã Ia Băng, huyện Chư Prông), tuyến đường mới mở này đã cắt ngang đồi, hạ thấp độ cao để mở đường nối với đường Hồ Chí Minh. Theo đó, hai bên taluy của tuyến đường có độ cao khoảng 3 - 5m so với mặt đường.

Tuy nhiên, đường mở ra cũng là lúc người dân tại đây bắt đầu gặp khó khăn khi canh tác.

Theo người dân tại thôn Hàm Rồng, đất đai tại đây cao hơn so với mặt đường 3-5m nên rất khó vận chuyển vật tư trồng trọt cũng như thu hái vụ mùa. Do đó, nhiều hộ dân có nhu cầu hạ thấp mặt bằng để thuận lợi canh tác, dễ vận chuyển hàng hoá và chăm sóc nông sản.

Ngoài ra, nhiều người dân tại đây cũng cho rằng việc hạ mặt bằng trên cũng là lúc tranh thủ "kiếm lời" từ việc bán đất "lộ thiên" cho các đơn vị thi công phục vụ san lấp công trình, san lấp mặt bằng ở các vị trí gần đó. Và thế, trong khoảng thời gian dài vừa qua, khi chưa được cơ quan chức năng cho phép, nhiều chủ đất đã tự trở thành "đất tặc" về đêm...

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến một khoảng đồi rộng thuộc địa phận thôn Hàm Rồng (X. Ia Băng). Nơi đây có diện tích hàng trăm mét vuông. Quan sát cho thấy, phần đất bị múc sâu từ 3 đến 5m, chỉ ngang với mặt đường liên huyện. Ước tính có hàng ngàn mét khối đất đã bị lấy đi. Theo người dân địa phương, cảnh múc đất thường xuất hiện vào thời điểm đêm tối.

Để mục sở thị, đêm 20/3, chúng tôi đến khu vực đường liên huyện tại thôn Hàm Rồng để ghi nhận. 20h, ngay tại vị trí được cho là điểm "mỏ đất", chúng tôi phát hiện 1 máy múc màu xanh đang múc đất lên xe tải BKS 22L-6951 đứng cạnh. Khoảng 30 phút sau, xe tải lùi xe rồi rời khỏi khu vực này. Chúng tôi liền bám theo xe tải để xác định địa điểm tập kết đất của các đối tượng. Đi được gần 4 km, nhận thấy có người theo dõi, tài xế xe tải liền tấp vào một cây xăng dầu ở thôn 6 (xã Ia Băng) rồi tắt máy. Khoảng 15 phút sau, cây xăng dầu này cũng tắt điện.

Ngay sau đó, chúng tôi tiếp tục quay lại hiện trường múc đất thì phát hiện một xe mô tô chạy đến chiếc xe múc rồi rời đi. Mấy phút sau, tài xế điều khiển máy múc vào một khu vườn gần đó. Xung quanh khu vườn được rào kín. Theo người dân tại thôn Hàm Rồng, chiếc máy múc trên và vị trí thửa đất của một người tên là Quang.

Để xác minh, chúng tôi đã báo cáo vụ việc với ngành chức năng huyện Đăk Đoa. Quá trình xác minh của Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an huyện Đak Đoa) cho biết: máy múc và xe tải BKS 22L-6951 do ông Nguyễn Quang (trú tại thôn Hàm Rồng) làm chủ. Cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện việc ông Quang đào đất vận chuyển là vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản.

img

Chiếc xe chở đất chạy trong đêm trên đường liên huyện Đak Đoa - Chư Prông.

Chủ nhà muốn hạ độ cao đất để trồng trọt?

Theo UBND xã Ia Băng, thời gian qua, một số hộ dân đã làm đơn xin hạ mặt bằng để thuận lợi cho việc vào khu sản xuất và đang được UBND xã hướng dẫn thực hiện các quy trình thủ tục liên quan. Tuy nhiên, một số hộ không nắm vững quy định pháp luật đã thuê người tự ý múc đất hạ thấp độ cao.

Trước tình hình đó, UBND xã đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân có đất dọc tuyến đường không được tự ý hạ nền mặt bằng đất cũng như múc đất chở đi nơi khác. Trong quá trình kiểm tra, xã phát hiện trường hợp vi phạm và đã lập biên bản xử lý.

Theo UBND xã Ia Băng, cuối năm 2020, ông Nguyễn Quang (trú tại thôn Hàm Rồng) đã làm đơn xin hạ mặt bằng để cải tạo vườn. Tuy nhiên, khi chưa được chấp thuận của ngành chức năng, ông này đã tự ý cho đào đất vận chuyển đi nơi khác.

Tháng 3/2021, UBND xã xử phạt 4 triệu đồng và buộc hoàn trả hiện trạng mặt bằng ban đầu của vị trí đã múc đất, không để lại hố sâu gây nguy hiểm. Tuy nhiên, lợi dụng việc khắc phục, ông Quang đã lén lút vận chuyển đất đi nơi khác (chưa rõ mục đích).

Bà Vũ Thị Kim Nhã, Chủ tịch UBND xã Ia Băng xác nhận: "Dọc đoạn đường liên huyện đi đường Hồ Chí Minh (QL14) qua thôn Hàm Rồng có một số vị trí đất của người dân do quá trình thi công đường giao thông nên hiện trạng đất cao hơn so với mặt đường từ 4 đến 6m, gây khó khăn trong việc sản xuất. Vậy nên, người dân muốn hạ độ cao vị trí đất đai để thuận tiện canh tác.

Cũng theo bà Nhã, xã đã có báo cáo về vấn đề này và đề nghị cơ quan chức năng cấp trên sớm có phương án giải quyết nhu cầu thiết thực cho người dân, tránh việc người dân tự ý hạ mặt bằng sai quy định, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.