Xã hội

Gia Lai: Nhức nhối nạn đào trộm thông rừng Đắk Đoa

30/11/2020, 06:42

Mấy năm gần đây, tại Đắk Đoa, Gia Lai liên tiếp xảy ra nạn đào trộm thông rừng, nhất là những cây cổ thụ, có thế đẹp...

img
Những hố cây thông bị đối tượng trộm để lại

lực lượng chức năng túc trực thường xuyên, thậm chí ăn ngủ tại chỗ để mật phục nhưng bằng cách nào đó, các đối tượng vẫn đào trộm được hàng chục gốc thông cổ thụ.

Hàng chục triệu đồng một cây thông cảnh?

Cứ vào tháng 11 hàng năm, tại xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa (Đắk Đoa, Gia Lai), khi hoa dã quỳ bung nở cũng là mùa cỏ hồng mướt mát dưới chân đồi thông ba lá, thu hút rất đông khách du lịch. Tuy nhiên mấy năm gần đây, liên tiếp xảy ra nạn đào trộm thông rừng, nhất là những cây cổ thụ, có thế đẹp, ảnh hưởng rất lớn tới cảnh quan của điểm du lịch này.

Dẫn chúng tôi vào rừng thông, tại một khu vực chưa đầy 1ha đã có tới vài chục gốc thông đã bị đào trộm, Chủ tịch UBND xã Tân Bình Trương Minh Thắng cho biết, đây là khu vực rừng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Thế nhưng, mấy năm gần đây, những cây thông cổ thụ có thế đẹp đã bị đào trộm. “Dù lực lượng chức năng canh giữ nhưng các phu đào cây rình rập đêm ngày, cứ chờ sơ hở là chạy xe công nông, xe cẩu vào rừng và bứng gốc thông đem về phố huyện giao cho đầu nậu”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, mới đây nhất, khoảng 23h ngày 15/11, tổ tuần tra của xã Tân Bình phát hiện nhóm người đang đào trộm cây thông và đã truy bắt được 2 người, đều là người dân ở Đắk Đoa.

Những người này cho biết, họ được một đầu nậu tên Mười thuê đào trộm thông với giá 500.000 đồng/người. Các đối tượng này hoạt động rất chuyên nghiệp, có tính toán từ trước.

Các cây thông đẹp được chụp ảnh gửi qua Zalo, Facebook cho đầu nậu, rồi đầu nậu đặt hàng, hướng dẫn người dân cách bứng cây sao cho khi đưa về nhà có thể bỏ vào vừa khít chậu cảnh mà cây vẫn không bị tác động nhiều.

Lần hỏi các nhà vườn cây cảnh ở TP Pleiku, khu vực cách rừng thông đồi cỏ hồng ở Đăk Đoa khoảng 20km, chúng tôi được biết, thông cảnh hiện đang là mốt chơi của các đại gia. Ở các homestay, ở các nhà vườn và biệt thự, những đại gia rất thích những cây cảnh có thế tự nhiên đẹp.

Giá mỗi cây ước chừng từ 10 triệu đồng trở lên nếu có thế đẹp. Trong giới cây cảnh ở TP Pleiku có người được cho là đã mua một gốc thông hơn 50 triệu đồng.

Mức phạt không đủ răn đe

Ông Phạm Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa cho hay, việc đào trộm thông cảnh ở đồi cỏ hồng diễn ra âm ỉ trong thời gian gần đây. Ở rừng thông này xuất hiện hàng chục hố cây như một hố bom nhỏ.

Chúng tôi hi vọng sắp tới lực lượng công an sẽ điều tra ra đường dây mua bán thông cảnh lậu. Ngoài ra cũng mong người dân nâng cao tinh thần bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan địa phương để phục vụ du lịch. Cánh rừng cũng là niềm tự hào của quê hương Đắk Đoa, không thể vì một vài đồng mà tiếp tay cho những kẻ phá hoại.
Ông Phạm Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa

“Dường như có một đường dây trộm thông kết nối từ chủ đầu nậu với người mua và người đào trộm. Nhóm đối tượng lên kế hoạch chi tiết, kỹ càng và việc đào trộm thông diễn ra hết sức chuyên nghiệp mà lực lượng chức năng chỉ cần lơi lỏng là xảy ra trộm ngay”, ông Trung nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo Công an xã Tân Bình cũng cho biết: “Anh em công an, dân quân túc trực trên rừng thông, ăn ngủ ở trên đồi cả mấy chục đêm, nhưng các đối tượng lợi dụng những tình huống như đêm mưa, đêm trời bão bắt đầu vào rừng để đào”.

Trao đổi với Báo Giao thông, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk Đoa Nguyễn Văn Sơn cho biết, rừng thông Đắk Đoa hiện đang được 3 xã, thị trấn quản lý, bảo vệ.

Lực lượng chức năng ngày nào cũng tuần tra kiểm soát nghiêm ngặt, tuy nhiên chỉ cần sơ hở một chút, nhất là vào ban đêm, các đối tượng lại có thể đào trộm thông trót lọt. Ông Sơn cho hay, việc mật phục để xử lý hết sức khó khăn vì rừng cây này thưa, địa hình đồi thoai thoải và bằng nên đối tượng rất dễ tẩu thoát.

Ngoài ra, theo ông Sơn, lý do xảy ra nhiều vụ trộm thông kéo dài từ năm 2019 - 2020 là bởi chế tài phạt chưa nghiêm.

“Theo quy định hiện hành, với hành vi trộm cây thông, lực lượng chức năng chỉ xử phạt hành chính số tiền 700.000 đồng/vụ. Không thể xử lý hình sự vì đây chỉ vi phạm bảo vệ rừng chưa đến khung xử lý hình sự. Cây thông cảnh cứ đồn bán được vài chục triệu nhưng cũng không có căn cứ để chứng minh. Bây giờ xử lý hình sự thì phải đủ khối lượng, định giá thiệt hại theo khung mới có thể xử lý được”, ông Sơn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.