Xã hội

Gia Lai: Tan hoang hàng ngàn hecta rừng ở Đức Cơ

22/05/2019, 07:30

Cánh rừng cạnh đường tuần tra biên giới ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai bị tàn phá hơn một nửa, lên tới hàng nghìn ha...

img
Những cánh rừng bạt ngàn đã bị tàn phá với mức độ khủng khiếp

Vụ phá rừng quy mô lớn nhất Gia Lai

Theo thống kê của ngành chức năng, rừng phòng hộ Đức Cơ có diện tích hơn 15.000 ha. Tuy nhiên, trong thời điểm từ năm 2011- 2016, đã có 6.000 ha biến mất. Đến năm 2019, có thêm hơn 2.500 ha cũng bị tàn phá (theo con số thống kê). Quy mô phá rừng tại rừng phòng hộ ở khu vực biên giới này cho thấy, diện tích rừng bị tàn phá rất khủng khiếp.

Tuy nhiên, một lãnh đạo cơ quan chức năng cho biết, tại cuộc họp với Tỉnh ủy Gia Lai vào ngày 20/5 vừa qua, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện con số lên tới 2.900 ha chứ không phải 2.500 ha như thông tin trước đó. Quy mô quá lớn lại có yếu tố tội phạm nên cơ quan này đã báo cáo Tỉnh uỷ xin chỉ đạo xử lý. “Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang rất quan tâm đến vụ việc, đồng thời yêu cầu cơ quan Thanh tra tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an tỉnh nhanh chóng điều tra, xử lý”, vị này cho biết.

“Vụ phá rừng với quy mô quá lớn. Có một điều cần phải quan tâm, đó là quy trình kiểm tra người dân vào khu vực biên giới rất nghiêm ngặt. Vậy thì việc rừng bị phá, gỗ chở ra khỏi cửa rừng là trách nhiệm của ai? Ở phên dậu Tổ quốc, nơi có lực lượng chức năng ngày đêm canh giữ bảo vệ nhưng lại để xảy ra phá rừng như vậy là không chấp nhận được. Nói trắng ra là có dấu hiệu bảo kê từ trên xuống dưới thì mới xảy ra việc phá rừng như thế này”, vị cán bộ này bức xúc đặt nghi vấn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, cuộc họp với Tỉnh ủy sáng 20/5 liên quan đến tình trạng phá rừng ở Đức Cơ diễn ra rất căng thẳng. “UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ sang Cơ quan công an thụ lý điều tra mở rộng”, ông Lam nói.

img
Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ khiến rừng trở nên rỗng ruột

Những cánh rừng bị hạ sát

Những cánh rừng phòng hộ Đức Cơ trên đường vành đai biên giới giữa Việt Nam - Vương quốc Campuchia nhìn bên ngoài tưởng chừng như xanh tốt ngút tầm mắt. Thế nhưng, chỉ cần đi xuyên qua lớp áo màu hơi xanh xanh ấy, cảnh tan hoang mới lộ dần. Những bãi đất trắng bạt ngàn lô nhô cây bụi hiện ra.

Tháng 4/2019, giữa cái nắng oi ả trên vùng đất biên giới, chúng tôi đã có dịp vào đường tuần tra biên giới theo chân một đoàn công tác đặc biệt. Con đường biên giới bê tông xi măng được bảo vệ bởi lực lượng biên phòng rất cẩn mật. Những người lạ hoàn toàn có thể bị yêu cầu rời khỏi khu vực an ninh biên giới. Họ bị câu lưu kiểm tra giấy tờ tùy thân, bị xét hỏi khi vào khu vực này. Một quy trình nghiêm ngặt khép kín trên đường biên.

Bằng những mối quan hệ công việc, những người có trách nhiệm đã đưa chúng tôi lọt vào con đường tuần tra biên giới thuộc địa bàn huyện Đức Cơ. Tưởng chừng như một khu vực được canh giữ nghiêm ngặt, việc bảo vệ rừng ở đây chắc chắn diễn ra thuận lợi cho ngành lâm nghiệp. Nhưng không, rừng ở vành đai biên giới bị cạo trọc đến mức đáng kinh ngạc, trong khi có hai lực lượng là bộ đội biên phòng và bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ. Ngoài lực lượng trên còn có lực lượng dân quân thường trực của các xã biên giới tham gia tuần tra.

Dẫn chúng tôi men theo những con đường nhỏ xuyên qua khoảng 300m từ đường tuần tra biên giới, rừng phòng hộ Đức Cơ lộ nguyên diện mạo thực của mình. Cảnh tượng những gốc cây to bị hạ sát dần dày đặc. Rừng trống trước tầm mắt. Thật khó để diễn tả cảm giác trước mắt là một khoảng đất mênh mông trơ trọi nhưng được giới thiệu là “rừng”. Lâm tặc và người dân xâm chiếm đất rừng đã diễn ra với quy mô cực kỳ khủng khiếp, mức độ tàn phá chưa từng có.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.