Kinh tế

Giá thịt lợn, xăng dầu tăng đẩy CPI tháng 6 tăng 0,66%

29/06/2020, 10:41

Giá xăng dầu và giá thịt lợn tăng cao là yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước.

img
Mức tăng trưởng tháng 6 và quý II ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Phát biểu tại họp báo “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020” diễn ra sáng nay (29/6), bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu, đáng chú ý, các nước lớn như Mỹ, Châu Âu cũng đang đối mặt vơi suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, theo dự báo của các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính, kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái năm 2020.

Riêng Việt Nam, dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã đưa nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Cụ thể, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%. Mặc dù vậy, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua…

Báo cáo tại đây, bà Hương cũng cho biết, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao khiến cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước, tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 4,19%.

Theo bà Hương, Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu có CPI tháng 6 tăng so với tháng trước, trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất với 6,05% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 28/5/2020 và 12/6/2020 làm giá xăng, dầu tăng 14,24% (tác động CPI chung tăng 0,59%).

Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,19%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,99%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; Giáo dục tăng 0,01%...

Đáng chú ý, giá thịt lợn tăng cao là nguyên nhân chính đưa CPI vượt mốc kỳ vọng 4%. Cụ thể, kết thúc năm 2019 giá đã cao lên mức 49% so với cùng kỳ năm 2018. Sau đó, 6 tháng đầu năm nay, việc thiếu hụt nguồn cung khiến thịt lợn tiếp tục tăng cao mức trung bình khoảng 68,2% so với cùng kỳ. Có nghĩa là giá thịt lợn đã góp vào 2/3 mức tăng của CPI trong 6 tháng đầu năm nay.

img

Giá xăng dầu hôm nay 29/6: Rớt mạnh phiên đầu tuần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.