Bất động sản

Giá nhà đất "leo thang", người dân vẫn đổ xô vào bất động sản?

09/02/2022, 19:10

Giá nhà đất trong năm qua "leo thang" nhưng vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư.

Giảm tiền gửi ngân hàng, tăng giao dịch bất động sản

Thống kê mới nhất của của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 3,08% so với đầu năm, đạt hơn 5,3 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý trong tháng 8 và 9/2021, tiền gửi dân cư sụt giảm mạnh, lần lượt giảm gần 1.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng. Điều này xuất phát từ việc thu nhập người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, cộng với lãi suất huy động ở mức quá thấp, mức sinh lời không hấp dẫn.

img

Bất động sản thu hút đầu tư (ảnh minh hoạ)

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống ghi nhận giảm 1,5-2% tùy kỳ hạn so với thời điểm trước dịch.

Trong khi đó, khoảng từ tháng 10/2021 tới nay, khi các thông tin lạm phát bắt đầu xuất hiện, lượng giao dịch bất động sản tại thị trường thứ cấp tăng mạnh, minh chứng là thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 tăng gấp đôi tháng 9. Song song đó, thị trường sơ cấp cũng sôi động không kém. Các buổi công bố sản phẩm hay giới thiệu dự án từ đầu tháng 11 đến nay đều chứng kiến lượng người quan tâm và tham dự đông kỷ lục.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc Property Guru Việt Nam Nguyễn Quốc Anh cho hay, mức độ quan tâm tới bất động sản năm qua tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm, đạt 37% so với cùng kì năm ngoái. Sau mỗi đợt giãn cách do Covid-19, mức độ quan tâm đối với bất động sản luôn tăng mạnh. Cụ thể, sau Covid-19 đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau Covid-19 lần 2 thị trường tăng 62%, sau Covid-19 lần 3, thị trường tăng mạnh 378%.

Giá bán cũng tăng đáng kể, Hòa Bình tăng giá 100%; Hưng Yên tăng 22%, Bắc Ninh 61%; Thái Nguyên tăng 57%... Đối với khu vực miền Trung, giá rao bán đất ở Huế tăng hơn 74%, Quảng Nam tăng 37%.

Các phân khúc nhận được nhiều quan tâm: đất nền (25%), nhà riêng (24%), 20% là chung cư, còn lại là các loại hình khác.

Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn an toàn

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, lạm phát đã hiện diện và làm chao đảo nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng có nguy cơ. Thông thường, nếu lạm phát thì vàng, bất động sản,… sẽ là kênh trú ẩn an toàn.

"Rõ ràng, trước những lo lắng về rủi ro lạm phát tăng cao, các nhà đầu tư đã lựa chọn bất động sản là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền. Nếu như trước đây, dòng tiền gửi tiết kiệm được coi là kênh trú ẩn an toàn thì nay, tiền gửi từ dân cư vào tổ chức tín dụng tiếp tục giảm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp", ông Nghĩa giải thích.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, theo kinh tế học khi lạm phát xảy ra, các nhà đầu tư trên thế giới neo vào các kênh như vàng, dầu và bất động sản là tất yếu. Bởi nếu mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá nhà đất sẽ tăng lên.

Dưới góc độ tài chính, TS.Huỳnh Trung Minh cho hay, Trong năm nay, áp lực lạm phát gia tăng và thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn... là lý do để các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, nhưng khó tăng mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.