Thị trường

Giá nông sản châu Âu tăng vọt, Việt Nam làm gì để tận dụng cơ hội vàng?

11/07/2022, 16:07

Rau củ quả, các sản phẩm nước ép, là nhóm hàng có dư địa lớn nhất để xuất khẩu vào EU, trong bối cảnh giá tăng cao kỷ lục tại thị trường này.

Nhiều mặt hàng ưu thế của Việt Nam tăng giá

Là đơn vị phân phối các mặt hàng nông sản đi nhiều nước, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) cho Báo Giao thông biết, gần đây bà nhận được lời mời hợp tác từ nhiều đối tác châu Âu (EU) để đưa hàng nông sản Việt sang EU.

Theo bà Hằng, hiện, nhu cầu hàng hóa nông sản ở EU rất cao và giá tại đây cũng tăng vọt, ngưỡng hơn 20%.

Thực tế, báo cáo của Cơ quan thống kê dữ liệu Eurostat của EU cho thấy, trong nhóm thực phẩm, giá bột mỳ ở khu vực này đã tăng lên 52,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều loại thực phẩm khác cũng tăng cao, như: Giá sữa tăng 31,3%; Giá đường tăng 25%, giá trứng tăng 14,2%, giá thịt lợn tăng 25%.... so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhóm mặt hàng lương thực tăng 8,9%.

img

Tôm là mặt hàng chủ lực dẫn đầu trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU 3 năm liền

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện giá cá tra xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg, từ mức giá 2,7 USD/kg từ đầu năm.

Đáng lưu ý, giá cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ còn tăng mạnh hơn, đã lên tới mức 4,5 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay, trong khi trước đây thường chỉ đạt 2,9-3,1 USD/kg.

Riêng tôm, mặt hàng chủ lực dẫn đầu trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU 3 năm liền cũng ghi nhận nhiều ấn tượng. Cụ thể, tới đến ngày 15/6/2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 338 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá cũng đạt kỷ lục.

Mặt hàng nào có dự địa lớn nhất?, Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu cho biết, rau củ quả là nhóm hàng có dư địa lớn nhất. Bởi, mỗi năm, thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu.

Ngoài ra, ông Công cũng cho rằng, các sản phẩm nước ép trái cây, nước ép đông lạnh đang được ưa chuộng tại EU, do người dân khu vực này đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật….

Cơ hội vàng cho Việt Nam

VASEP nhận định, việc thiếu hụt nguồn cung các loại thủy sản ở EU đang tạo cơ hội vàng để sản phẩm cá tra Việt Nam tăng thị phần ở thị trường này. “Châu Âu là một thị trường quan trọng, tiềm năng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tại châu Âu đang tăng rất mạnh, do khan hiếm nguồn cung, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu”, vị Tham tán nhấn mạnh.

Khó khăn nhất khi xuất khẩu vào thị trường này là những yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…là giãi bày của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.

“Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô”, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho Báo Giao thông biết.

Bởi vậy, theo TS Ngô Xuân Nam, doanh nghiệp Việt muốn tiến đến các thị trường xa cần đầu tư vào công nghệ chế biến.

Báo cáo từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, sản lượng quả, trái cây cả nước hơn 11,6 triệu tấn/năm, sản lượng rau, đậu gần 19,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ rau quả chế biến mới chỉ đạt khoảng 12-17% trong tổng sản lượng.

“Hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bao quản là chủ yếu, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch rất cao, tỷ lệ hư hỏng trên đường vận chuyển và khi tiêu thụ rất lớn. Do bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...), dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%”, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin thêm.

Hiện, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh trái cây, đối tượng quy mô nhỏ, vừa chiếm 97%, do vậy, để giải quyết được việc thiếu vốn đầu từ quy mô lớn, theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch: “Cần thiết phải định hướng cho phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa”.

Còn Hiệp hội doanh nghiệp rau quả Việt Nam mong muốn, trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường EU. Sau đó mới đến chọn mặt hàng và chiến lược marketing phù hợp.

Phía Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, Thương vụ đại diện ở thị trường Bỉ sẽ tổ chức xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số đối với các mặt hàng nông sản.

"Dự kiến đề xuất hợp tác đưa Bỉ thành một điểm trung chuyển trong chuỗi thương mại điện tử của Việt Nam; Tổ chức tuần lễ ẩm thực Việt Nam tại Bỉ vào tháng 9; Tọa đàm cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây của các địa phương để thúc đẩy xuất khẩu các loại trái cây sang EU", đại diện Bộ Công thương thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.