Thị trường

Giá phân bón tăng 60-80%: Không loại trừ do “thổi giá”

22/10/2021, 11:42

Giá phân bón tăng 60-80% cùng kỳ và dự báo còn tăng tiếp. Sản lượng nhập khẩu, sản xuất không thiếu nên không loại trừ phân bón bị “thổi giá”.

Tăng hơn 80% so với cùng kỳ

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, giá phân bón nhiều loại đã liên tục tăng và lập đỉnh sau thời điểm “mở cửa trở lại” và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Một nhà phân phối tại khu vực miền Tây cho biết, hiện phân Ure Cà Mau và Phú Mỹ có giá ngưỡng 820-850 nghìn đồng/bao có trọng lượng 50kg, Phân Ure Ninh Bình có mức giá thấp nhất là 810-840 nghìn đồng/bao; Phân DAP Hồng Hà có giá 1,180-1,250 triệu đồng/bao, DAP Đình Vũ 930-950 nghìn đồng/bao…

img

Giá phân bón tăng từ 60-80% so với cùng kỳ các năm trước; không loại trừ nguyên nhân “thổi giá”

Mỗi loại có mức tăng từ 70-100 nghìn đồng/bao so với tuần trước và có loại đã ghi nhận mức tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, cơn “bão giá” này còn tiếp diễn khi vụ Đông Xuân ở miền Nam đang gần kề.

Kết quả điều tra bình quân lượng phân bón sử dụng tại An Giang trong vụ thu đông vừa qua cũng nêu rõ: Giá phân bón tăng từ 60-80% so với cùng kỳ các năm trước. Điều này làm giảm lợi nhuận của bà con nông dân.

Hiện, trước tình hình giá phân bón liên tục tăng, nông dân ở một số tỉnh ĐBSCL đã hoãn kế hoạch xuống giống vụ lúa đông xuân 2021-2022, do chi phí phân bón chiếm tới 21-24% giá thành sản xuất...

Biến động theo thế giới, nhưng không loại trừ "thổi giá"

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 9 tháng năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón trong nước đạt 5,668 triệu tấn (phân bón vô cơ đạt 3,908 triệu tấn, phân bón hữu cơ 1,76 triệu tấn), tăng 234.755 tấn, tương đương tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngược lại, cùng thời điểm, Việt Nam cũng đã nhập khẩu 3.888.445 tấn phân bón, tăng 823.770 tấn, tương đương tăng 26,88% so với cùng kỳ năm 2020.

Lượng phân bón nhập khẩu nhiều nhất vẫn là SA và kali. Riêng tháng 9/2021, lượng phân bón nhập khẩu là 328.481 tấn, tăng 45.524 tấn, tương đương tăng 16,1% so với tháng 9/2020.

“Như vậy, tính chung cả số lượng sản xuất được trong nước và nhập khẩu, số lượng phân bón hoàn toàn không thiếu”, Bộ NN&PTNT đánh giá và cho rằng, việc tăng giá phân bón không phải do thiếu nguồn cung.

Nhận định về nguyên nhân tăng giá phân bón hiện nay, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ với PV Báo Giao thông: Giá phân bón tăng kể từ cuối năm 2020 tới nay, đặc biệt là các loại như urea, DAP, Kali. Nguyên nhân bởi sự tăng giá của nguyên vật liệu đầu vào như than, khí tự nhiên, lưu huỳnh, ammoniac do sự sụt giảm của nguồn cung trên thế giới.

Bên cạnh đó, giá dầu và cước vận tải biển tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua đã đẩy chi phí các loại phân bón tăng cao.

Cụ thể, giá dầu tăng kéo theo giá khí tăng, mà khí là để sản xuất ra amoniac và lưu huỳnh là nguyên liệu chính để sản xuất ra ure, DAP và một vài loại phân bón khác. Giá ure, DAP, MAP tăng đã kéo các mặt hàng phân bón khác tăng theo.

Chưa kể, từ ngày 15/10/2021, tình trạng thiếu khí khiến một số nhà máy sản xuất phân bón của Trung Quốc phải đóng cửa hoặc giảm công suất nên Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu phân bón để ưu tiên cho sử dụng phân bón trong nội địa.

Do đó, một số loại phân bón của Việt Nam như DAP, MAP, SA...cũng bị tác động mạnh theo diễn biến thế giới. Từ đó, có thể không loại trừ tình trạng "té nước theo mưa" để "thổi giá" phân bón khi sản xuất trong nước không thiếu.

Giải pháp nào gỡ khó?

Bàn về giải pháp, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đã tham mưu Bộ NN&PTNT kết hợp Bộ Công thương, tăng cường quản lý xuất nhập khẩu một số mặt hàng phân bón, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, sẽ phối hợp để rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường để tránh tình trạng đầu cơ tăng giá.

Còn theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, để “hạ nhiệt” giá phân bón trong dài hạn thì các nhà máy trong nước phải tăng công suất để đảm bảo năng lực sản xuất theo thiết kế bởi phần lớn các nhà máy vẫn đang sản xuất dưới công suất.

Đồng thời, cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm soát tình trạng "thổi giá" theo biến động thế giới.

“Việt Nam hiện đang có 3 nhà máy DAP lớn. Trong đó, DAP Lào Cai và DAP Hải Phòng với công suất mỗi nhà máy là 330.000 tấn/năm nhưng 2 nhà máy này chưa sản xuất không hết công suất thiết kế. Còn nhà máy DAP Đức Giang có công suất 100.000 tấn/năm cho DAP và MAP.

Nhu cầu sử dụng DAP trong nước khoảng 1 triệu tấn/năm, nếu 3 nhà máy này sản xuất đảm bảo công suất thiết kế cũng có thể gần đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, chưa kể lượng nhập khẩu”, theo vị đại diện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.