Thị trường

Giá phân bón tăng chưa từng có: Có dấu hiệu găm hàng, thổi giá?

25/06/2021, 14:46

Giá phân bón nội địa tăng mạnh, trong khi xuất khẩu lần đầu tiên lập kỷ lục. Giới chuyên môn nhận định có tình trạng "té nước theo mưa"...

img

Các loại phân bón đều đồng loạt tăng giá mạnh.

Giá tăng chóng mặt

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, giá các loại phân bón trên thị trường đều đồng loạt tăng cao.

Cụ thể, giá phân bón Urê được bán ở mức 10,2-10,5 triệu đồng/tấn - mức cao nhất trong nhiều năm qua (mức trung bình từ 5-8 triệu đồng/kg).

Trong khi, đầu tháng 4/2021, giá bán Urê tại nhà máy của Đạm Phú Mỹ là 8,6 triệu đồng/tấn và tại nhà máy Đạm Cà Mau là 8,5 triệu đồng/1 tấn.

Đến cuối tháng 5/2021 giá tại nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng lên 9,4 triệu đồng/tấn và tại nhà máy Đạm Cà Mau tăng lên 9,5 triệu đồng/tấn.

Đến đầu tháng 6/2021 giá bán tại nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng lên 9,9 triệu đồng/tấn và tại nhà máy Đạm Cà Mau tăng lên 9,8 triệu đồng/tấn.

Còn phân bón DAP, hiện đã lên tới hơn 16 triệu đồng/tấn với DAP Trung Quốc xanh (tăng 1,5 triệu đồng/tấn); 16,5 triệu đồng/tấn DAP Hàn Quốc (tăng 2 triệu đồng/tấn) và 12,6 triệu đồng/tấn DAP Đình Vũ (tăng 1,4 triệu đồng/tấn)...

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá phân bón đã tăng phi mã trong 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá phân DAP, Urê tăng khá cao. Giao dịch ở mức chưa từng có từ trước tới nay...

Giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6 cũng tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm Urê tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%, Ammonia tăng 60%.

Tại thị trường Trung Quốc, giá phân Urê đã tăng 31-34%, từ 290 USD/tấn lên 38-390 USD/tấn. Cộng với việc Trung Quốc có chính sách đánh thuế xuất khẩu phân Urê mức 30% khi nhu cầu sử dụng trong nước cao khiến giá phân bón càng tăng phi mã.

Trong khi đó, Ấn Độ đang vào vụ nên nhu cầu sử dụng phân bón tăng mạnh, nguồn cung Urê ở Đông Nam Á rất thấp, tất cả những yếu tố đó đã đẩy giá phân bón thế giới lên mức cao, giá phân bón của Việt Nam cũng chịu tác động rất lớn.

Xuất khẩu lần đầu tăng mạnh, được giá cao

Trong bối cảnh giá phân bón trong nước tăng mạnh, Tổng cục Hải quan lại báo cáo: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu phân bón đạt con số cao kỷ lục sau hơn 8 năm tham gia thị trường”.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu phân bón đạt 615.710 tấn, tương đương giá trị 212,867 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 1,76 lần về trị giá.

Trong đó, giá phân bón xuất khẩu trong tháng 5 tăng khoảng 0,9% so với tháng 4 và tăng 14% so với tháng 5/2020, đạt trung bình 342,3 USD/tấn.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cũng tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 322 USD/tấn.

Các loại phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia và chiếm tới 37% trong tổng lượng và 39% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Kim ngạch đạt mức 214.136 tấn, tương đương 72,7 triệu USD, tăng mạnh 63,3% về lượng và tăng 76,5% kim ngạch so với cùng kỳ, giá cũng tăng 8,1%, đạt 339,5 USD/tấn.

Xuất khẩu sang Malaysia cũng ghi nhận mức giá tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái...

Có hiện tượng găm hàng, thổi giá?

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ luôn theo sát quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và ghi nhận, nhu cầu phục vụ sản xuất không tăng.

Tức là, nhu cầu phân bón thực dao động từ 10-10,23 triệu tấn/năm, năm nào nhiều thì có thể lên tới 15-17 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất trong nước là 34 triệu tấn/năm.

Vì thế, việc đảm bảo nguồn cung không ảnh hưởng gì đến sản xuất.

Bởi vậy, nói về nguyên nhân tăng giá "chưa từng có" thời gian qua, ông Trung cho rằng: "Một phần cũng do nội tại việc phân phối phân bón trong nước chúng ta. Một số nơi tạo ra hiện tượng khan hiếm giả, dẫn tới đội giá lên”.

Bên cạnh đó, theo ông Trung, còn có nguyên nhân, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, có độ mở cao nên có sự biến động lớn theo giá thế giới.

Vì thế, việc tăng giá phân bón, cũng như giá một số vật tư khác như thức ăn chăn nuôi, logistic cũng là do biến động theo quy luật của thế giới.

Theo ông Trung, thời gian qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19 buộc một số nhà máy sản xuất phân bón trên thế giới phải đóng cửa. Những nhà máy còn hoạt động đối mặt nguồn cung hạn chế hơn.

Trong khi đó, chi phí vật tư nguyên liệu đầu vào tăng mạnh như: Giá amoniac, lưu huỳnh, axit sunfuric… tăng tới 50-120% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, hệ thống logistics đứt gãy nhiều giai đoạn đẩy cước phí vận chuyển tăng từ 3-5 lần. Từ đó làm tăng thêm giá thành của những vật tư phục vụ sản xuất phân bón.

Hiện, 1 tấn phân bón DAP sản xuất trong nước, giao đến tay người dân mức 9,5-10,5 triệu đồng/tấn. Nhưng nhập khẩu về tới 14,5-15 triệu đồng/tấn. Chứng tỏ, thị trường xuất khẩu rất béo bở, doanh nghiệp có lợi dụng để tăng giá nội địa? Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đã làm việc với những doanh nghiệp lớn và đã yêu cầu họ cam kết không xuất khẩu phân bón ra nước ngoài.

Đồng thời, phải cam kết sản xuất tối đa công suất và công khai niêm yết giá các loại khi ra khỏi nhà máy, ưu tiên phân phối vào vùng trọng điểm.

Bộ cũng đã có văn bản khuyến cáo đến người dân, dựa vào tính chất cây trồng, tính chất mùa vụ làm sao sử dụng phân bón tiết kiêm. Khuyến khích nông dân sử dụng tối đa phân bón hữu cơ từ phụ phẩm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.