Bạn cần biết

Gia tăng bệnh đái tháo đường do lối sống hiện đại

08/12/2017, 07:05

Ăn nhiều, ít vận động, dễ gây ra thừa cân, béo phì…chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh mạn tính đái tháo đường.

12

Bệnh nhân mắc ĐTĐ cần thường xuyên kiểm soát đường huyết

Ăn nhiều, ít vận động, dễ gây ra thừa cân, béo phì… chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh mạn tính đái tháo đường (ĐTĐ). Đáng lo ngại, việc phát hiện bệnh thường muộn và cách chăm sóc chưa đúng khiến bệnh nhân mắc ĐTĐ chịu nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ăn nhiều, ít vận động… - nguy cơ cao dẫn đến ĐTĐ

Tại hội nghị về Phòng và điều trị bệnh ĐTĐ type 2 chiều 7/12, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, ĐH Y Hà Nội, Cố vấn chuyên môn BV Đa khoa Medlatec cho biết: “Bệnh ĐTĐ type 2 phát sinh có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống nhiều đạm, ít chất xơ, lười vận động... Tỉ lệ gặp ở nam và nữ như nhau. Đây là bệnh lý mạn tính nếu không được điều trị, ĐTĐ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh cơ tim, bệnh thận, thần kinh, mắt, loét chân…”.

BS. Luật cho biết thêm, trong các biến chứng của ĐTĐ thì bệnh tim mạch, bệnh thận là những biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất.

"Để phòng tránh bệnh ĐTĐ, việc đầu tiên phải tránh tình trạng thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó, cần gia tăng hoạt động thể lực thường xuyên, tránh lối sống tĩnh tại. Cụ thể, nên tập thể dục đều đặn 30-45 phút mỗi ngày… Điều quan trọng không kém đó là cần xây dựng thói quen ăn uống tốt, dinh dưỡng hợp lý. Trong đó, lưu ý giảm lượng thức ăn có nhiều chất béo và đường; ăn nhiều rau, hoa quả khác nhau; ăn chừng mực…"

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật
Nguyên Trưởng khoa Hóa sinh
ĐH Y Hà Nội

Trước ý kiến cho rằng liệu có phải ăn cơm trắng là nguyên nhân gây ĐTĐ? BS. Luật phân tích, cơm trắng thường chuyển hóa rất nhanh. Do vậy, chỉ ăn trong thời gian ngắn đã chuyển thành đường, làm đường trong cơ thể tăng nhanh. Ông Luật cũng khuyến cáo nên bổ sung các thức ăn khác nhiều chất xơ, giúp chuyển hóa chậm, tăng đường từ từ, đủ thời gian chuyển hóa đường trong cơ thể. Bên cạnh đó, hoạt động thể lực là một cách thức giúp phòng bệnh ĐTĐ hiệu quả. Dẫn chứng cho việc này, ông Luật lý giải vì sao trước kia mọi người ăn nhiều cơm, nhiều chất bột mà lại rất ít người mắc căn bệnh này, vì họ vận động nhiều. Năng lượng nạp vào đủ cho năng lượng sử dụng, không dư thừa. Còn trong cuộc sống hiện đại, bận rộn và nhiều stress, việc vận động hạn chế nên căn bệnh ĐTĐ càng có nhiều cơ hội tăng mạnh.

“Tuy nhiên, điều đáng nói là bệnh nhân phát hiện ĐTĐ thường ở giai đoạn muộn. Ít người phòng tránh ngay được từ giai đoạn tiền ĐTĐ”, ông Luật cho hay. Theo BS.Luật, có thể đánh giá nguy cơ tiến triển ĐTĐ type 2 bằng tình trạng tiền ĐTĐ (prediabetes). Tiền ĐTĐ là trạng thái tăng glucose máu nhẹ hơn ĐTĐ, trong mức độ của “giảm dung nạp glucose khi đói” và “giảm dung nạp glucose”. Hiện có trên 70% số người bị tiền ĐTĐ có thể tiến triển thành ĐTĐ type 2 và có thể gây các biến chứng vi mạch như các bệnh võng mạc, thận, thần kinh và bệnh cơ tim. Nguy cơ tiến triển từ tiền ĐTĐ thành ĐTĐ type 2 là 5 - 10%/ năm, trong khi nguy cơ này ở người bình thường chỉ là 0,7%/ năm.

Sai lầm trong điều trị ĐTĐ dễ dẫn đến biến chứng

Theo PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa Nội tiết ĐTĐ BV Bạch Mai, người mắc ĐTĐ hiện nay mắc khá nhiều sai lầm do thiếu hiểu biết và chưa được tư vấn đầy đủ về cả chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc điều trị, làm ảnh hưởng tới việc kiểm soát ĐTĐ.

Theo BS. Vân, ĐTĐ là căn bệnh mãn tính, phải điều trị cả đời. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân cho rằng chỉ cần một đơn thuốc của bác sĩ thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn và không cần tái khám. Tuy nhiên, nếu ngừng thuốc thì chỉ số đường máu của bệnh nhân sẽ tăng cao và nếu không được kiểm soát, bệnh nhân sẽ gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, rất nhiều bệnh nhân ĐTĐ nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường, tinh bột, tuy nhiên, không hoàn toàn chính xác. Bởi việc kiêng cũng mang lại một phần hiệu quả trong kiểm soát đường huyết, nhưng bữa ăn của người bệnh ĐTĐ cũng đòi hỏi đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipit…

BS. Vân còn cho biết, một sai lầm nữa mà bệnh nhân ĐTĐ cũng hay gặp phải là theo dõi đường máu. Nhiều người bệnh phàn nàn tuần nào cũng thử đường máu và đều thử vào buổi sáng khi đói, nhưng vẫn có biến chứng. Thực tế, bệnh nhân cần theo dõi đường máu sau ăn. Bởi việc tăng đường máu sau ăn quá cao cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng cho người bệnh. Do đó, người bệnh bắt buộc phải theo dõi cả đường máu lúc đói và sau ăn, và không phải chỉ một lần trong tuần mà cần phải theo dõi nhiều lần trong tuần, nhiều lần trong ngày, đến khi đường máu ổn định sẽ giảm dần số lần thử đường máu.

Điều đáng nói, hiện bệnh nhân ĐTĐ type 2 đa phần là người lớn tuổi có kèm các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu… Tuy nhiên, bệnh nhân lại chỉ kiểm soát đường máu mà quên đi yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipit máu, trong khi đây cũng là yếu tố nguy cơ tác động qua lại, ảnh hưởng đến các biến chứng của bệnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.