Y tế

Gia tăng bệnh nhân TNGT do "quá chén"

22/09/2022, 17:48

6 tháng đầu năm 2022, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 4.200 trường hợp TNGT, tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu tăng lên 21%.

Đánh mất tương lai vì... rượu, bia

Tại Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, BV Hữu nghị Việt Đức, anh D.C.H (32 tuổi, Quảng Ninh) nằm viện đã 20 ngày, trải qua 3 cuộc phẫu thuật và dự kiến còn tiếp tục can thiệp do chấn thương sau TNGT.

Theo lời người nhà anh H., hôm đó tan ca làm, bạn bè rủ làm vại bia cho mát, không ngờ sau bữa nhậu, H. tự mình lái xe, không làm chủ tốc độ đã đâm xe vào vỉa hè.

Được đưa vào việc cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương bụng, gan, thận, ngực; gãy tay, chân… H. đã được các bác sĩ chuyên khoa khác nhau hội chẩn và trải qua 3 cuộc mổ cấp cứu. Bác sĩ điều trị trực tiếp cho H chia sẻ, tay và chân của bệnh bị gãy nhưng đáng ngại nhất là tổn thương mạch máu thần kinh. Sau này bệnh nhân rất khó khăn để hồi phục. Tới đây còn phải mất nhiều tháng tập luyện để giảm thiểu di chứng.

img

Cấp cứu TNGT tại BV Hữu nghị Việt Đức

Bỏ hết công việc, con nhỏ ở nhà cho bố mẹ, vợ anh H. theo vào viện chăm chồng. “Lương mỗi tháng 2 vợ chồng cộng dồn được 13 triệu, tạm đủ ăn. Nhưng xảy 1 li đi 1 dặm, chồng nằm viện 20 ngày cũng chi phí tạm ứng gần 100 triệu, toàn đi vay mượn cả”, vợ anh H, cho biết.

Nằm giường điều trị bên cạnh, ông H.V.K (60 tuổi, Hà Quảng, Cao Bằng) bị TNGT đa chấn thương. Bệnh nhân được xác định gãy xương sườn, gãy tay, chân, lệch khớp háng và đã trải qua mổ khâu vết thương ngoài da vùng đầu, mổ gãy 2 chân. Nguyên nhân dẫn đến vụ TNGT đáng tiếc lại do chính nạn nhân, sau uống rượu lái xe và tự lao vào vỉa hè.

Theo thống kê của BV Hữu nghị Việt Đức, năm 2020, bệnh viện tiếp nhận 17.500 trường hợp bị TNGT, trong đó làm xét nghiệm chỉ số nồng độ cồn trong máu tỷ lệ cao, chiếm trên 17,5%.

Sang năm 2021, giảm mạnh với 11.500 ca, với 13,5% bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2022, bệnh viện đã tiếp nhận 4.200 trường hợp TNGT, tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu tăng lên 21%.

Theo TS.BS Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, có bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ vì rượu bia không làm chủ được tốc độ, mà hoàn toàn đánh mất tương lai. Đó là nam sinh viên 20 tuổi, đang theo học tại một trường đại học, uống rượu say trong một buổi tiệc liên hoan, đi xe máy không kiểm soát được tốc độ, ngã chúi đầu xuống, bị chấn thương cột sống cổ. Dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng di chứng chấn thương quá nặng, bệnh nhân liệt hoàn toàn.

Bệnh nhân TNGT có nồng độ cồn tăng

Bệnh nhân bị TNGT vào BV Việt Đức thường đa chấn thương, gồm chấn thương sọ não, gãy cẳng chân, tay, chấn thương cột sống, chấn thương các tạng trong ổ bụng (vỡ gan, vỡ thận)... thường chuyển đến trong tình trạng cấp cứu sốc nặng.

img

Một bệnh nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu điều trị tại Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, BV Hữu nghị Việt Đức

Tại Khoa Khám cấp cứu, mỗi ngày tiếp nhận hơn 100 trường hợp vào cấp cứu, trong đó có trên 50% là TNGT và nhiều người trong số đó có sử dụng rượu bia. BS. Hùng cho biết: Các bệnh nhân bị TNTG chuyển lên đây đều trong tình trạng rất nặng, đặc biệt với bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu thì thường hôn mê, rất khó khăn trong quá trình thăm khám, điều trị. Nhiều ca vào viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, đa chấn thương, thậm chí, có người chưa kịp vào viện đã tử vong.

Theo khuyến cáo của BS. Nguyễn Mạnh Hùng, bệnh nhân TNGT thường là đa chấn thương, nên phải xử lý rất nhiều tổn thương, phải xử lý các phẫu thuật lớn, gây tốn kém cho người bệnh. Thời gian bệnh nhân nằm viện rất dài, có bệnh nhân phải nằm trong phòng hồi sức cấp cứu cả tuần, thậm chí cả tháng. Chưa kể hệ lụy, nguy cơ biến chứng do nằm viện lâu như nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy hô hấp… hoặc phục hồi chức năng sau này, thậm chí nguy cơ tàn phế cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.