Y tế

Gia tăng bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường

24/10/2019, 06:45

Thừa cân, béo phì, ít vận động được cho là những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ mắc căn bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở người trẻ tuổi.

img
Một bệnh nhân nhỏ tuổi mắc đái tháo đường điều trị tại bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: Đức Vân

Béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu

Bệnh nhân N.T.T. (22 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) tìm đến bệnh viện khi cơ thể luôn có biểu hiện khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều và mệt mỏi. Tại BV Nội tiết T.Ư, sau thăm khám và làm xét nghiệm, bệnh nhân T. được chẩn đoán mắc ĐTĐ type 2, cần nhập viện điều trị.

Theo lời kể của bệnh nhân, mặc dù mỗi bữa chỉ ăn 1 bát cơm nhưng người này vẫn bị béo phì từ nhỏ đến giờ. Theo bác sĩ tại khoa Nội tiết người lớn, BV Nội tiết T.Ư, bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2 với độ tuổi còn rất trẻ, nguyên nhân do thể trạng béo phì, chế độ ăn giàu glucid, chất béo, ít vận động. Bệnh đã tiến triển trong một thời gian dài.

Cách đây không lâu, tại BV Nhi T.Ư có bé gái mới 13 tuổi (Bắc Ninh) phải nhập viện điều trị ĐTĐ type 2. Theo cha mẹ của bé, từ nhỏ bé đã hảo đồ ngọt, cân nặng của bé tăng nhanh đến mức béo phì. Khi tới bệnh viện khám, chỉ số glucose trong máu của bé gái này đã lên tới 11, trong khi ở mức 6,5 đã được chẩn đoán mắc ĐTĐ.

BS. Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, BV Nhi T.Ư cho biết, hiện nay tỷ lệ mắc ĐTĐ ngày càng tăng và biểu hiện tăng rõ ở tuổi trưởng thành. Trẻ em chủ yếu mắc ĐTĐ type 1, còn một tỷ lệ nhỏ là type 2. Từ năm 2013 tới nay, con số ĐTĐ type 1 tăng lên 3 - 4 lần so với trước, còn ở type 2 cũng bắt đầu tăng ở trẻ em vì tỷ lệ mắc béo phì quá nhiều. Ngoài ra, một số trẻ nhỏ mắc bệnh do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học, ít vận động và ngồi tĩnh tại quá nhiều…

Theo nhận định của GS. Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam, bệnh ĐTĐ xuất hiện do rối loạn chuyển hoá đường trong máu, phổ biến nhất là type 1 và type 2 (chiếm khoảng 90%). Trong đó tiểu đường type 1 chủ yếu gặp ở trẻ em hay còn gọi ĐTĐ phụ thuộc insulin kèm theo các triệu chứng rầm rộ như khát nước, tiểu nhiều và thường xuyên đói, ăn nhiều nhưng vẫn sút cân, hay mệt mỏi...

Tiểu đường type 2 không phụ thuộc insulin, là bệnh mạn tính và diễn tiến suốt cuộc đời, thường gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi nhưng hiện nay có xu hướng trẻ hoá rất nhanh. Hiện nay tiểu đường type 2 có thể gặp ở những bệnh nhân rất nhỏ mới 9-10 tuổi, 13- 14 tuổi.

“Nguyên nhân là do béo phì, kết hợp với một số yếu tố di truyền hoặc ngoại cảnh như stress, thức ăn có nhiều chất oxi hóa, chất bảo quản… dẫn tới ĐTĐ type 2 với biểu hiện điển hình là tăng đường huyết kèm theo nhiều biến chứng khác về tim mạch, gan và thận”, ông Quang cho biết.

Khó điều trị dù dễ phòng bệnh

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có 3,53 triệu người chung sống với bệnh ĐTĐ. Mỗi năm có gần 29.000 người tử vong, tương đương hơn 80 người tử vong/ngày do các biến chứng liên quan như biến chứng tim mạch, thần kinh, thận, mạch máu, mắt... Trong đó, bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ cao gấp 2-3 lần người bình thường. ĐTĐ còn được đánh giá là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư.


Theo BS. Dũng, việc điều trị bệnh cho trẻ ĐTĐ type 2 rất khó. Thông thường, người mắc ĐTĐ type 2 ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng. Nhưng với trẻ, nhất là khi đang độ tuổi phát triển, việc tạo lập một ý thức về điều trị bệnh không dễ. Trong khi đó, việc điều trị bệnh không đúng sẽ gây ra những biến chứng nhất định, trong đó có hạ đường huyết, dễ làm ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm giảm sự phát triển của não. Kết quả làm giảm trí thông minh và giảm thị lực nếu tình trạng hạ đường huyết kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên.

Với trẻ mắc bệnh ĐTĐ type 2 thì năng lượng, tinh bột trẻ ăn hàng ngày cần được tính toán chặt chẽ hơn. Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày vì ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao; đồng thời cần thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu của trẻ để có giải pháp thích hợp.Trẻ em rất dễ bị tác động trước những quảng cáo về thức ăn vặt trên truyền hình, do đó cha mẹ phải quan tâm hướng dẫn con mình nên ăn những thức ăn lành mạnh và tốt cho sức khỏe.

Để phòng tránh béo phì và ĐTĐ, theo ông Thái Hồng Quang, mọi người cần lưu ý việc cân đối nhu cầu năng lượng của cơ thể, bên cạnh đó là thói quen sinh hoạt khoa học. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ góp phần phòng ngừa mắc ĐTĐ type 2. Do vậy, cần lưu ý trong việc lựa chọn đồ ăn, thức uống, theo đó khuyến khích nên chọn nước, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, nước ngọt hoặc đồ uống có đường khác; ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày; chọn trái cây tươi hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ; hạn chế đồ uống có cồn; chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn; chọn bánh mì, gạo hoặc mỳ ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống; chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu canola, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật dầu dừa hoặc dầu cọ). Bên cạnh đó, nên tập thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.