Chất lượng sống

Gia tăng bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa

21/05/2018, 07:15

Theo bác sĩ Bệnh viện (BV) K Trung ương, số bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng...

19

Trong điều trị K đường tiêu hóa, phẫu thuật chiếm vai trò chủ đạo và là lựa chọn hàng đầu - Ảnh: Tạ Tôn

10 tuổi đã mắc ung thư đại trực tràng

Bé N.V.T. (10 tuổi) được gia đình đưa vào viện thăm khám vì lý do đau bụng do tắc ruột. Các bác sĩ nội soi phát hiện có khối u lên tới 6cm choán hết lòng đại tràng và chẩn đoán ung thư đại trực tràng. Theo TS.BS. Phạm Văn Bình, BV K Trung ương, đây là trường hợp trẻ nhất mà ông từng gặp trong ung thư đại trực tràng.

Hiện, ở BV K có những ca bệnh mắc ung thư đường tiêu hóa đến từ cùng một gia đình. Điển hình như 7/9 anh chị em ruột trong gia đình ở Hải Dương cùng mắc căn bệnh quái ác này. Hầu hết phát hiện bệnh khi ở giai đoạn muộn. PGS.TS. Vũ Hồng Thăng, Phó trưởng Khoa Điều trị nội 4, BV K Trung ương, Phó trưởng Bộ môn Ung thư, trường ĐH Y Hà Nội cho biết, tại BV K số bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng, trong đó điển hình là ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng… Theo thống kê, số bệnh nhân ung thư đang ngày càng trẻ hóa.

Theo Viện Nghiên cứu ung thư Việt Nam, ung thư đại trực tràng là căn bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam và số ca mắc tăng liên tục. Điển hình ở nam giới, số ca mắc năm 2000 là 2.878 ca, đến năm 2010 tỷ lệ này tăng gần gấp 3 là 7.568 và đến năm 2020 dự báo là 13.269 ca.

Theo các bác sĩ chuyên ngành ung thư, nguyên nhân gây bệnh, ngoài các yếu tố lạm dụng bia rượu, thuốc, ít vận động, béo phì, gene di truyền còn có yếu tố về thói quen ăn uống. Bàn về chế độ dinh dưỡng có liên quan đến ung thư đường tiêu hóa, GS. TS. Lê Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: “Bệnh đường tiêu hóa hay ung thư tiêu hóa liên quan đến dinh dưỡng, khi chúng ta ăn các thực phẩm chứa chất gây ung thư. Chẳng hạn như lạc mốc chứa chất gây ung thư gan, thực phẩm nhiều muối, thực phẩm giàu carbon hydrate, lipid hơ trên lửa sinh ra chất gây ung thư. Khi chúng ta thích ăn thịt nướng cháy gây ra acid amin vị vòng, yếu tố gây nên ung thư. Khả năng gây ung thư còn có thể từ bản thân đường tiêu hóa - viêm loét đại trực tràng... Hay việc nhiều người trong chúng ta coi nhẹ vấn đề táo bón, mà không biết rằng việc duy trì âm thầm, lặng lẽ của chứng táo bón cũng có thể gây nên ung thư”. 

Về dấu hiệu phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa, ông Thăng cho biết, thông thường khi xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu, chất nhầy, có thể có đau bụng... thậm chí, nếu trước đó chưa từng mắc bệnh gì mà bất ngờ có biểu hiện trên thì cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa. Trên thực tế, ở một số người thậm chí không có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mà chỉ đau bụng rất mơ hồ, gầy sút, thiếu máu... nhưng đi khám cũng đã phát hiện ra bệnh ung thư. Ngoài ra, một số dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa có thể gặp là: Khó chịu trong bụng, trướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đại tiện bất thường…

Sàng lọc, điều trị sớm tăng cơ hội sống cho bệnh nhân

Theo PGS. TS Vũ Hồng Thăng, đến nay, các biện pháp sàng lọc chính phát hiện sớm bệnh ung thư chủ yếu dựa vào các triệu chứng. Bên cạnh đó, ứng dụng các biện pháp nội soi thực quản, dạ dày, đại trực tràng... là biện pháp có thể làm được chung cho đường tiêu hóa.

Với ung thư đại trực tràng còn có xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng. Việc khám sàng lọc, kiểm tra định kỳ rất quan trọng, đặc biệt ở những người đã từng có bệnh lý về đường tiêu hóa.

“Người dân cần nâng cao ý thức phát hiện bệnh sớm, nên đi khám bệnh định kỳ, nếu phát hiện sớm việc điều trị sẽ đem lại hiệu quả cao”, ông Thăng cho biết và khuyến cáo: Với bệnh ung thư đại trực tràng, ngay cả khi không có triệu chứng gì, người bình thường từ 50 tuổi trở lên nên khám sàng lọc. Còn với người có sẵn bệnh lý viêm đại trực tràng chảy máu hoặc người có tiền sử gia đình như bố mẹ, anh chị em, cô dì chú bác bị bệnh ung thư đại trực tràng nên khám sàng lọc phát hiện sớm từ 40 tuổi. Một số bệnh ung thư mang tính chất di truyền gia đình thì lứa tuổi sàng lọc cần rất sớm, thậm chí ngay khi trẻ 10, 12 tuổi. Nếu không có điều kiện đi sàng lọc sớm, khi có bất kỳ biểu hiện bất thường cũng nên đi khám sớm để phát hiện bệnh.

TS. Nguyễn Thanh Long, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, BV Việt Đức cho biết, sau khi phát hiện ung thư, cần điều trị phối hợp nhiều phương pháp: Hóa trị, xạ trị, phẫu thuật... Tuy nhiên, trong điều trị ung thư đường tiêu hóa, phẫu thuật chiếm vai trò chủ đạo và là lựa chọn hàng đầu. Kết quả điều trị bằng phẫu thuật phụ thuộc nhiều yếu tố: Phẫu thuật phải đảm bảo triệt căn, được phát hiện xử trí sớm, thể trạng bệnh nhân, các bệnh lý phối hợp... Nếu phát hiện sớm trên niêm mạc, dưới niêm mạc chưa di căn hạch, phẫu thuật là triệt để và không cần điều trị thêm hóa, xạ trị. Nếu giai đoạn muộn thì phẫu thuật kết hợp với hóa trị, xạ trị giúp chữa khỏi bệnh, kéo dài sự sống, giảm thiểu tái phát của ung thư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.