Y tế

Gia tăng trẻ trầm cảm, cha mẹ phải làm gì?

09/04/2022, 07:00

Liên tiếp các vụ thiếu niên tự tử thời gian vừa qua như hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ về hội chứng trầm cảm đang ngày càng gia tăng ở trẻ.

26% trẻ vị thành niên trầm cảm

TS. BS. Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.

Ngoài áp lực học hành, ảnh hưởng của dịch Covid-19 là yếu tố thúc đẩy khiến trẻ em dễ khởi phát các rối loạn sức khỏe tâm thần, nhất là với những bé đã có sẵn tiền sử rối loạn lo âu, trầm cảm.

img

Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ có dấu hiệu rối loạn cảm xúc, trầm cảm

Tại Khoa Tâm lý trong năm qua, khá nhiều phụ huynh đưa con tới khám vì các triệu chứng bất thường.

Với các bé ở độ tuổi mầm non, biểu hiện thường thấy là ù lì, không hoạt bát, hay la hét, quấy khóc, thấy người lạ là trốn vào phòng đóng cửa. Còn những trẻ lớn hơn thì chủ yếu suy giảm trí nhớ hậu Covid-19, kém tập trung, học hành giảm sút...

Dẫn chứng một ca bệnh đang được điều trị là bé gái tên V. (học lớp 11, trú tại tỉnh Đồng Nai), BS. Thạc kể, cô bé được mẹ đưa đến bệnh viện khám khi nghe con nói “Mẹ phải cho con đi khám bác sĩ chứ con không muốn sống nữa”.

Qua thăm khám, gợi mở tâm lý, cô bé chia sẻ một tháng nay không tập trung học bài được, điểm số giảm sút rõ rệt. Khi ở nhà dù cố gắng tập trung học nhưng luôn bị cậu em trai “phá bĩnh”. Bị làm phiền liên tục, nhiều lần V. nói với cha mẹ nhưng đều bị gạt đi.

Bất lực trong đối thoại với cha mẹ, quá bế tắc, V. đã chuẩn bị sẵn dao để giết em rồi tự sát nhưng do sợ nên chưa dám thực hiện.

“Trường hợp này được gia đình đưa đến thăm khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh thuốc và các liệu pháp tâm lý cho bệnh nhi, tôi còn phải điều trị tâm lý cả cho cha mẹ trẻ. Chính phụ huynh phải nhận thức và thay đổi cách nhìn nhận vấn đề thì mới giúp con được”, BS. Thạc cho biết thêm.

Không chỉ áp lực học hành mà ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe tâm lý tâm thần của trẻ. Hiện BS. Thạc cũng đang điều trị cho một nam bệnh nhi 11 tuổi, trú tại Đồng Tháp.

Bé được ông bà đưa đến khám tâm lý vì không muốn đi học, không muốn ăn, u buồn, không muốn giao tiếp với ai.

Hoàn cảnh của bé rất đáng thương, đột ngột mất cha mẹ trong dịch Covid-19. Sau ba tháng tích cực điều trị, nhận được sự quan tâm và chia sẻ, hỗ trợ từ địa phương cũng như thầy cô, bạn bè, bé đã dần hòa nhập trở lại.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo chia sẻ của BS. Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, nơi đây cũng đã cứu sống một bé gái tự tử.

Theo thông tin từ người nhà, trong thời gian dịch Covid-19, bé ở nhà sử dụng điện thoại quá nhiều. Khi mẹ ngăn cấm, thu điện thoại, trẻ phản ứng bằng cách đòi bỏ nhà ra đi.

Lần sau, bé tiếp tục sử dụng điện thoại và bị mẹ đánh. Trong cơn tức giận, bé đã uống 20 viên paracetamol, 1 vỉ kháng sinh (thuốc có sẵn trong nhà). Rất may bé đã được gia đình phát hiện, đưa đến viện kịp thời.

Theo thống kê, mỗi năm Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị cho khoảng 10 trường hợp trẻ tự tử bất thành. Đó cũng là con số tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong khoảng 1 năm nay. Trong đó có trẻ may mắn cứu được, có trẻ tử vong do đến viện muộn...

Còn theo số liệu của bộ môn Nhi tại một trường đại học lớn ở Việt Nam, tình trạng trầm cảm chiếm đến 26% ở trẻ vị thành niên. Trong số đó, 6,3% suy nghĩ về cái chết, 4,6% có kế hoạch tự tử.

Không phán xét, dành thời gian cho con

BS. Đinh Thạc cho biết, thông thường với những trẻ thực hiện hành vi tự tử đều đã phát tín hiệu cho người thân từ trước, có điều phụ huynh có đủ sự quan tâm và tinh tế để nhận ra điều đó hay không.

Thực tế, khi khai thác các bệnh nhi được đưa tới khám tâm lý, các bác sĩ ghi nhận không ít trường hợp xử lý tình huống sai lầm, mang tính chủ quan của cha mẹ.

10 dấu hiệu xác định trẻ bị trầm cảm
Ba dấu hiệu chính: Khí sắc giảm; nét mặt thiếu tươi tắn, luôn buồn rầu, ủ rũ, thể hiện sự chán nản; giảm năng lượng và hứng thú trong các hoạt động hàng ngày, cơ thể mệt mỏi.
Bảy dấu hiệu phụ gồm: Giảm sự tập trung, học hành sa sút, luôn do dự và không quyết đoán trong các vấn đề của cuộc sống; thiếu tự tin, luôn nghĩ mình yếu kém và mặc cảm với bản thân; nhìn mọi việc đầy bi quan, ảm đạm; cảm giác tội lỗi, cho rằng những thất bại, sai lầm đều xuất phát từ hành động của mình; có ý định và hành vi tự tử; rối loạn giấc ngủ; ăn uống kém, gầy mòn.
Khi gia đình nhận thấy trẻ có một vài biểu hiện như trên, cần đưa trẻ đi thăm khám kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trầm cảm có xu hướng tăng dần, ít khi dừng lại, nên cần điều trị sớm cho trẻ.

TS. Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1


Chẳng hạn, trẻ nhắc nhiều về cái chết, phụ huynh lại cho rằng con cái đang dọa dẫm mình, thậm chí còn buông lời thách thức.

Tuy nhiên, phụ huynh không biết rằng tâm sinh lý của con cái sẽ thay đổi theo mỗi giai đoạn khác nhau. Khi còn nhỏ, trẻ hoàn toàn nghe lời cha mẹ, bảo sao sẽ làm vậy.

Tới giai đoạn tiền dậy thì, trẻ lại có sự tương quan độc lập về suy nghĩ, tách khỏi cha mẹ để gắn với các mối quan hệ mới là thầy cô, bạn bè, xã hội…

Nếu khi đó, phụ huynh vẫn không thay đổi cách giáo dục để trở thành người bạn đồng hành, trẻ sẽ phản ứng lại.

Sự phản ứng của trẻ cũng chia làm nhiều dạng. Với những bé trầm tính, nhút nhát, cha mẹ nói gì con vẫn im và làm theo nhưng tới lúc như giọt nước tràn ly, có khi cha mẹ trở tay không kịp.

Có những trẻ có tính bộc trực sẽ tranh cãi với cha mẹ. Nhưng sau khi tranh cãi vài lần không có kết quả thì trẻ co rút lại, khép cánh cửa nội tâm, tự xử lý sự việc theo cách của mình.

Hay đối với những trẻ tính cách nóng nảy, khi bị cha mẹ áp đặt sẽ làm ngược lại bất kể đúng, sai.

BS. Ngô Anh Vinh cũng cho rằng, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không chia sẻ được có thể khiến cho trẻ không tìm ra cách giải quyết.

Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát, xem tự tử như một cách để thoát khỏi những bế tắc.

“Độ tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn dễ có những hành động bồng bột. Gia đình và nhà trường cần quan tâm, phát hiện những thay đổi trong suy nghĩ của trẻ.

Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, trẻ rất nhạy cảm nên mọi sự quan tâm, sẻ chia cũng phải được thể hiện đúng cách. Cha mẹ cần tuân thủ 5 nguyên tắc: Tôn trọng, lắng nghe, không phán xét, dành nhiều thời gian cho trẻ và bảo mật thông tin khi trò chuyện với trẻ”, BS. Vinh nói và khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.