Thị trường

Giá thép tăng đột biến, đoàn liên ngành sẽ kiểm tra loạt "ông lớn"

18/06/2021, 09:46

Bộ Công thương cho biết đã thành lập một đoàn liên ngành làm việc với doanh nghiệp thép trước diễn biến giá thép tăng đột biến thời gian qua.

img

Giá thép tăng đột biến, một công trình có thể lỗ tới vài trăm triệu đồng.

Sẽ kiểm tra các "ông lớn"

Giá thép trong nước hiện giảm khoảng 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tấn (khoảng 3-5%), nhưng vẫn là mức cao chưa từng có vì đã tăng tới 45% kể từ đầu năm đến nay.

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã thành lập một đoàn liên ngành làm việc với doanh nghiệp thép.

Đối tượng làm việc sẽ cơ bản là những doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường. "Thời gian kết thúc kiểm tra còn phụ thuộc nhiều vào diễn dịch Covid-19. Tuy nhiên sẽ cố gắng hoàn thành sớm trong khoảng một tháng", ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, thành phần đoàn bao gồm, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế, Hiệp hội thép Việt Nam, các đơn vị thuộc Bộ Công thương…

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cũng cho biết thêm, trong các báo cáo của Bộ về vấn đề giá thép đã nêu chi tiết về các nguyên nhân giá thép tăng trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, Bộ vẫn muốn làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, để nắm bắt cụ thể hơn ngoài các yếu tố chính như: Giá nguyên liệu quặng sắt, sắt phế, điện cực... tăng cao trong thời gian qua còn có những nguyên nhân nào khác nữa không...

Theo kế hoạch đoàn công tác sẽ làm việc bắt đầu từ ngày 17/6. Đối tác làm việc là hiệp hội, doanh nghiệp thép nhằm nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, tình hình cung cầu đối với nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm thép thành phẩm trong thời gian vừa qua cũng như dự báo trong thời gian tới....

Trước mắt, sẽ tiến hành làm việc với các doanh nghiệp phía Bắc, còn khu vực miền Nam đang có dịch diễn biến phức tạp nên sẽ xem xét sau.

Đã giảm nhẹ, nhưng sẽ tăng cao trở lại?

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Luyện Văn Trấn, một nhà phân phối sắt thép cho biết, giá thép đầu tháng 6 đã giảm nhẹ. Song, đây là hiện tượng theo lẽ tự nhiên hàng năm, khi tháng 6,7 là mùa mưa, các công trình ít thi công nên giá thường giảm theo cung cầu.

Còn cao điểm mùa xây dựng rơi vào khoảng 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm, đây cũng là thời điểm giá thép thường tăng cao.

Vị này khẳng định: "Trong tháng 6 và tháng 7, giá thép nếu có giảm cũng chỉ giảm thêm 3-5%, nhưng sẽ tăng trở lại vào cao điểm mùa xây dựng".

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định, tính trong tổng giá trị công trình thì chi phí vật liệu đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%.

Do đó, đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng với giá trị khoảng 10 tỷ đồng thì có thể bù lỗ lên tới vài trăm triệu đồng.

Còn đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, giá cả thị trường của các loại vật liệu tăng cao khiến cho các doanh nghiệp xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn.

Đó là rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan "làm thì lỗ, không làm thì vi phạm hợp đồng". Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải tạm giãn tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.