Kinh tế

Giá thịt lợn hôm nay 19/6: Lợn Thái Lan đã về trại, người nuôi sợ tái đàn

19/06/2020, 14:10

Giá thịt lợn hôm nay 19/6: Hơn 1,9 triệu con lợn sẽ về Việt Nam trong những ngày tới với giá rẻ hơn, khiến nhiều chủ nuôi e dè tái đàn...

img
Nếu không có biện pháp tái đàn ổn định, việc nhập khẩu sẽ gây áp lực cho tái đàn và dễ dẫn đến hệ lụy lâu dài

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, sau khi lô hàng đầu tiên gồm 500 con lợn sống đã về đến trại cách ly tại Nghệ An thành công vào ngày 17/6, các doanh nghiệp khác cũng đang rục rịch đưa lợn về Việt Nam trong những ngày tới. Hơn nữa, sau thông tin nhập khẩu lợn sống, giá trong nước đã giảm mạnh về mốc phổ biến dưới 90 nghìn đồng/kg. Điều này một mặt giúp thị trường bớt “nóng”, tuy nhiên, cũng gây áp lực cho những người chăn nuôi trong nước lưỡng lự giữa việc có nên nuôi tăng đàn hay không.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị H., chủ một trang trại chăn nuôi cho biết, từ khi có thông tin nhập khẩu lợn sống giá lợn hơi đã liên tiếp giảm, trong khi, giá lợn giống vẫn ở mức 3,5-4 triệu đồng/con khiến cho những người chăn nuôi như chị cũng phải dè dặt tính toán.

Hôm nay (19/6), thị trường “lặng sóng”, miền Bắc có dấu hiệu tăng nhẹ khi ghi nhận một số địa phương tăng 1 nghìn đồng/kg, mức giao dịch ngưỡng 88-92 nghìn đồng/kg. Tại miền Trung và Tây Nguyên, giao dịch với mức giá thấp nhất cả nước ngưỡng 80-85 nghìn đồng/kg, có xu hướng giảm 1-2 nghìn đồng tại một số nơi. Tại miền Nam, giao dịch phổ biến của vùng ngưỡng 85-88 nghìn đồng/kg và giảm nhẹ từ 1-2 nghìn đồng/kg tại một số địa phương. Nhìn chung thị trường biến động ít, xu hướng được nhận định là còn giảm trong những ngày tới khi số lượng lợn dự kiến 1,9 triệu con sẽ được vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam.

“Nếu sau thời gian nuôi 3,5-4 tháng mới ra được đàn lợn xuất chuồng với giá giống như vậy và giá hơi còn 80 nghìn đồng/kg thì coi như không có lãi bởi chi phi chăn nuôi thời dịch bệnh rủi ro cao khi phải chấp nhận bỏ đi số lợn không khỏe mạnh khi không biết chính xác bệnh”, chị H. nói.

Theo chị H., hiện tại, việc nhập khẩu lợn sống đang có những dấu hiệu tích cực giảm giá lợn hơi trong nước, tuy nhiên, nếu không có biện pháp tái đàn hợp lý thì chẳng mấy chốc chúng ta lại phải chứng kiến một mức giá tăng vọt khi lợn Thái Lan tăng giá và người nuôi đã buông lỏng việc tái đàn.

“Để làm tốt việc này, cần phải có lượng lợn giống ổn định với mức giá hợp lý để hỗ trợ người chăn nuôi, để khi lợn đạt độ xuất chuồng, giá có thấp hơn thì cũng có chừng mực. Như vậy, người chăn nuôi sẽ được khuyến khích nhằm góp phần tăng gia đàn lợn trong thời gian đang nhập khẩu lợn Thái Lan. Đến lúc, số lượng lợn trong nước đã đảm bảo thì tự khắc giá sẽ xuống ngang bằng lợn Thái Lan, lúc đó, lợn trong nước lại về giá trị thực”, chị H. bày tỏ.

Tương tự, anh Lâm, một hộ chăn nuôi (Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ, những ngày qua không giám tăng lượng tái đàn dù bước đầu tái đàn đã có hiệu quả. Nguyên nhân là do lo sợ lợn Thái Lan nhập ồ ạt về làm giá giảm mạnh, trong khi, đàn lợn nuôi chưa kịp lớn, lúc đó lại chịu lỗ thì không còn đủ sức gánh khi mất hàng trăm triệu trong đợt dịch vừa qua.

“Không riêng gì tôi, nhiều người quanh khu vực này cũng đang chững lại việc tái đàn. Trải qua cú sốc lớn khi hàng trăm con lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi thì chẳng ai còn “làm hay” đợi ngày thu hoạch khi giá lợn giống đang quá cao như vậy”, anh Lâm nói.

Cũng theo anh Lâm, nhà nước cần tính toán cân đối giá lợn giống, nếu không, sẽ khó thúc đẩy tái đàn khi giá lợn hơi đang xuống mạnh mà lợn giống vẫn ở mức cao. Điều này sẽ là hệ lụy lâu dài cho giá lợn hơi trong nước…

img

Giá xăng dầu hôm nay 19/6: Quay đầu tăng mạnh vượt mốc 39 USD/thùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.