Kinh tế

Giá thịt lợn hôm nay 20/5: Con giống đắt đỏ làm nhụt chí tái đàn

20/05/2020, 08:53

Giá thịt lợn hôm nay 20/5: Giá con giống đắt gấp 3 lần mà vẫn khó mua; Rủi ro tăng, người nuôi nhụt chí khiến mục tiêu "kìm" giá lợn càng khó...

img
Con giống đắt đỏ, lại thêm sự tái phát của dịch tả lợn Châu Phi càng khiến việc tái đàn càng khó khăn.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, dịch tả lợn Châu Phi đang tái phát tại nhiều địa phương; Hơn nữa, tình trạng khan hiếm lợn giống khiến giá đắt đỏ làm nhụt chí tái đàn. Điều này tác động xấu đến việc “kìm” giá thịt lợn trong thời gian tới khi giá lợn hơi đang liên tiếp tăng và đạt đỉnh 98-100 nghìn đồng/kg tại nhiều địa phương...

Con giống đắt gấp 3 lần vẫn khan hàng

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về tình hình con giống phục vụ cho tái đàn, ông Hoàng Long, chủ tịch HTX Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: Con giống ở các trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín thường chỉ dành để nuôi lợn thịt chứ không xuất bán ra ngoài, kể cả mô hình CP, hay Dabaco…

Ông Long thông tin, mỗi tháng cơ sở này sản xuất được khoảng 500-600 con lợn con và được nuôi thương phẩm để xuất chuồng. “Chỉ những trang trại nuôi con nái và đầu ra là các loại giống lợn nái ông bà, giống thương phẩm, giống bố mẹ thì họ sẽ bán giống lợn con. Tuy nhiên, sau dịch tả lợn Châu Phi số lượng các trang trại này còn rất ít, do đó, lượng lợn con để tái đàn khan hiếm trên thị trường khiến cho giá tăng gấp 3 lần”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, thị trường khan đến mức muốn mua cũng khó. Bình thường giá 1 triệu đồng/con/7kg, nay lên đến 3 triệu đồng/con/7kg, rủi ro trong chăn nuôi cũng tăng lên, những trang trại ở địa phương không bán ra thì dân muốn tái đàn cũng phải tìm mua nơi khác.

“Bây giờ có nhiều cái lo trong chăn nuôi dẫn đến hao đàn nhiều, ví như trước đây sẽ tìm cách chữa khi lợn ốm, thì bây giờ không dám chữa nếu không phát hiện rõ bệnh gì. Phương pháp tức thời là phải tiêu hủy ngay đề phòng dính dịch tả lợn Châu Phi làm ảnh hưởng đến cả đàn… Uớc tính tỷ lệ hao nếu đạt 15% là phúc”, ông Long phân tích.

Tượng tự, chị H. chủ một trang trại tại Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, nhiều trang trại khác muốn tái đàn cũng rất khó vì không có vốn sau khi hàng trăm con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi. Mặt khác, giá giống lại quá cao không đủ sức gánh nếu rủi ro.

“Nếu như trước đây giá khoảng 700-800 nghìn đồng/con/7kg lợn giống thì nay tăng lên 2,9-3 triệu đồng/con/7kg. Như vậy, giống tăng gấp 3 lần mà trong vùng còn không có lợn giống để mua”, chị H. nói và chia sẻ thêm: Hiện, tại chuồng gia đình chị còn hơn 200 con lợn thịt, cũng tính mua thêm lợn con để thả vào những chuồng vừa mới xuất chuồng, song, đi tìm khắp những mối buôn lợn đều rất khó khăn, đa số đã có người đặt mua số lượng lớn hoặc muốn mua phải đặt hàng vài tháng sau mới có lợn.

Đánh liều mua lợn cái tuyển chọn về làm giống

Chị H. kể, thay vị ngồi đợi lợn con trong vùng chưa biết lúc nào có, lại để chuồng trống nên chị đã đánh liều liên hệ mua lợn cái tận thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai qua một mối quen về nuôi để phối tạo giống và với số lượng 47 con, cân nặng 70 kg/mỗi con, sau đó được vận chuyển bằng ô tô trong 4 ngày đêm về nhà an toàn.

“Nếu không mua lợn nái để chủ động nguồn cung con giống lâu dài thì rất khó tái đàn nếu muốn nuôi số lượng lớn vì đa số các trang trại lớn đều dùng con giống để nuôi thương phẩm và không bán ra ngoài nên người dân rất khó mua, nếu có thì cũng rất ít”, Chị H. khẳng định.

Theo ông Lâm (Quốc Oai, Hà Nội), một trang trại nuôi giống lâu năm cho biết, đàn lợn giống phải được tuyển chọn kỹ càng, những con nái phải được chăm theo quy trình từ nhỏ, theo những tiêu chuẩn giống của ông bà, cụ kỵ. Lợn để làm giống phải có tổ tiên ông bà, bố mẹ tốt, có lý lịch rõ ràng và những con lợn tổ tiên đó phải đủ tiêu chuẩn để làm giống. Đồng thời tiến độ di truyền hàng năm thông qua các thế hệ có chiều hướng tăng dần.

"Do đó, việc chấp nhận dùng lợn cái không qua tuyển chọn là trường hợp bất đắc dĩ phải dùng bởi nó đưa đến nhiều hệ lụy về sau khiến chất lượng suy giảm so với đời bố mẹ. Điều này cũng cho thấy người nuôi đang phải đối mặt với tình huống khó khăn nhất trong chăn nuôi", ông Lâm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.