Kinh tế

Giá thịt lợn hôm nay 7/5: Tăng cả ba miền, lo ngại thẩm lậu qua Trung Quốc

07/05/2020, 07:15

Giá thịt lợn hôm nay 7/5: Xu hướng tăng cả 3 miền; Lo ngại hiện tượng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống và sản phẩm thịt lợn qua biên giới.

Giá thịt lợn hôm nay 7/5: Tăng cả ba miền, lo ngại thẩm lậu qua Trung Quốc
Giá thịt lợn hôm nay 7/5 tăng cả 3 miền; Tại thị trường miền Bắc có mức giá cao nhất cả nước

Xu hướng tăng giá cả 3 miền

Giá thịt lợn hôm nay 7/5: Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá lợn hơi có xu hướng tăng trên cả 3 miền đưa giá lợn hơi miền bắc lên ngưỡng 90-95 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, thị trường miền Trung có nhiều biến động sau nhiều ngày ổn định dưới ngưỡng 90 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, thị trường miền Nam dù có tăng nhẹ tại một vài địa phương vẫn duy trì mức giá thấp nhất cả nước.

Tại thị trường miền Bắc có mức giá cao nhất cả nước: Một số nơi vẫn duy trì ở mức cao, số khác tăng từ 2-5 nghìn đồng/kg đưa giá lợn hơi của vùng không dưới 90 nghìn đồng/kg. Giá lợn xuất chuồng dao động ngưỡng 90-95 nghìn đồng/kg, đây là mức giá cao nhất trong 3 miền.

Cụ thể, tại Hà Nội, sau những ngày tăng liên tiếp giá chững lại ở mức cao nhất cả nước ngưỡng 94-95 nghìn đồng/kg.

Tại Ninh Bình, giá lợn hơi được điều chỉnh từ 89 nghìn đồng/kg tăng thêm 5 nghìn đồng/kg lên mốc 94 nghìn đồng/kg. Đây cũng là mức giá được ghi nhận tại Hưng Yên, Bắc Giang.

Tại chợ đầu mối Hà Nam, giá lợn hơi vẫn duy trì ở ngưỡng 90 nghìn đồng/kg và đây là mức giá thấp nhất trong vùng.

Thị trường miền Trung bất ngờ tăng sau nhiều ngày ổn định: Sau những ngày duy trì mức ổn định, tăng nhẹ thì tại thị trường này bất ngờ tăng lên mốc 90-94 nghìn đồng/kg.

Chị Hà, chủ một trang trại (Diễn Tháp, Diễn Châu, Nghệ An) cho biết: Lợn xuất chuồng đã tăng lên từ 2-4 nghìn đồng/kg. Trong đó, nếu bán hàng xe tải với số lượng lớn thì giá xuất chuồng là 92 nghìn đồng/kg, còn giá 94 nghìn đồng/kg được áp dụng cho những tiểu thương mua nhỏ lẻ vài con lợn về giết thịt.

Chị Hà cũng cho biết, không những giá lợn thịt đang lên mà lợn giống cũng bất ngờ tăng cao, lên đến hơn 3 triệu đồng/con/6-7kg tăng 500 nghìn đồng so với trước, trong khi lợn giống bán ra tại thủ phủ chăn nuôi lợn tỉnh Đồng Nai có giá chỉ hơn 2 triệu đồng/con.

"Do đó, việc này có thể làm chậm việc tái đàn sau khi đã xuất hết đàn lợn thịt và tạo sức ep khiến giá lợn hơi khó giảm trong thời gian tới", chị Hà nhấn mạnh.

Tại Thanh Hóa, giá lợn hơi cũng tăng lên mốc 91-92 nghìn đồng/kg sau khi ổn định mức 88 nghìn đồng/kg trước đó.

Thị trường miền Nam tăng nhẹ: Đây là vùng có giá lợn hơi thấp nhất cả nước khi dao động quanh ngưỡng 85-90 nghìn đồng/kg mặc dù có một số địa phương ghi nhận mức tăng nhẹ.

Mức thấp nhất được ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai: 85 nghìn đồng/kg, đây là địa phương có tới 90% hộ tái đàn theo mô hình an toàn sinh học nên tốc độ tái đàn rất nhanh sau khi bị thiệt hại nặng nề sau dịch tả lợn châu Phi.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM), giá lợn hơi vẫn duy trì ngưỡng 85-87 nghìn đồng/kg, không có dấu hiệu tăng giá.

Tại một số địa phương như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu mức tăng từ 2-3 nghìn đồng/kg đưa giá lên mức 89-91 nghìn đồng/kg.

Nhìn chung, thị trường miền Nam tăng nhẹ và vẫn giữ được mức thấp dưới 90 nghìn đồng/kg, trái ngược với giá lợn hơi miền Bắc vẫn giữ ở mức đỉnh của cả 3 miền.

Nguyên nhân tăng giá do đâu?

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 6/5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ, đến nay giá thịt lợn vẫn tăng do một số nguyên nhân:

Cung - cầu thịt lợn đang mất cân đối chủ yếu do dịch bệnh dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh.

Bên cạnh đó, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% lợn thịt. Còn lại 65% thị phần do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Vì vậy, chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá lợn thịt. Đồng thời, lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian làm giá thịt lợn tăng cao.

Cùng với đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%; Chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng,…

Mặt khác, giá thịt lợn của Trung Quốc tăng quá cao nên vẫn có hiện tượng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống và sản phẩm thịt lợn qua biên giới.

Trước thưc tế đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để tăng nguồn cung, ổn định giá thịt lợn, thúc đẩy tái đàn là điểm mấu chốt. Và để làm được điều đó, yêu cầu các địa phương cần nhanh chóng hoàn thành việc hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi có lợn chết và bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi.

"Công tác tái đàn hiện nay cần nguồn vốn rất lớn vì vậy ngân hàng phải cùng đồng hành với bà con nông dân, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi để không chỉ phát triển nhanh mà còn hướng đến mục tiêu bình ổn thị trường với giá cả hợp lý, về lâu dài giảm thiệt hại đối với ngành chăn nuôi", Bộ trưởng Cường ngành nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.