Thị trường

Giá thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 11, có tăng tiếp?

01/04/2022, 17:58

Việt Nam nhập khẩu đến 70% nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên chịu tác động mạnh từ giá thế giới.

Tăng 11 lần liên tiếp

Mức giá mới được áp dụng kể từ hôm nay 1/4 đánh dấu lần tăng thứ 11 liên tiếp của giá thức ăn chăn nuôi (TACN) kể từ năm 2021 đến nay.

Cụ thể, Công ty TNHH CJ Vina Agri tăng tất cả các loại thức ăn đậm đặc, thức ăn lợn con, bò thêm 400 đồng/kg; thức ăn cho lợn nái, lợn thịt, gà thịt, gà đẻ, vịt thịt, vịt đẻ, dê tăng 300 đồng/kg.

Công ty CP Greenfeed Việt Nam (chi nhánh Vĩnh Long) cũng đưa ra thông báo đến hệ thống đại lý, khách hàng, giá thức ăn cho lợn con tập ăn và đậm đặc các loại tăng 400 đồng/kg và tất cả các sản phẩm còn lại sẽ tăng 300 đồng/kg.

img

Giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp tăng, trong khi giá lợn hơi giảm mạnh khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Ảnh: Tất Đạt

Tương tự, Công ty TNHH TACN Việt Trung (Nam Sách, Hải Dương) cũng tăng giá các sản phẩm thức ăn đậm đặc thêm 500 đồng/kg và các sản phẩm thức ăn hỗn hợp tăng 400 đồng/kg...

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, kể từ ngày 4/4/2022, công ty điều chỉnh giá bán các sản phẩm chăn nuôi cá với mức tăng từ 250-500 đồng/kg.

Nguyên nhân được các đơn vị này đưa ra là do giá nguyên liệu sản xuất TACN có nhiều biến động trong thời gian vừa qua.

Bao giờ hạ nhiệt?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc thường trực Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, điểm nhấn của thị trường nông sản trong quý I/2022 là sự bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine, từ đó đẩy các mặt hàng ngũ cốc thiết lập vùng giá mới.

Dù vậy, các cuộc đàm phán gần đây của 2 quốc gia này đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, do đó các thông tin liên quan đến chiến tranh không còn tác động mạnh lên giá như giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, nguồn cung nông sản vẫn đang là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm, đây là yếu tố chính tác động đến giá nông sản. Trong khi, ở Việt Nam nhập khẩu đến 70% nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Chính vì thế “Báo cáo Triển vọng gieo trồng” được Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào 23h tối hôm qua sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với xu hướng sắp tới của thị trường nông sản thế giới và ngành chăn nuôi của nước ta.

img

Hai mặt hàng nông sản chính là ngô và đậu tương được Việt Nam mua nhiều để làm thức ăn chăn nuôi

Giá nông sản biến động mạnh mẽ ngay sau báo cáo của USDA là thông tin được MXV cho biết. Theo MXV, đóng cửa phiên 31/3, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 5 của đậu tương đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. Ngược lại, giá ngô lại bật tăng và có thời điểm đã gần chạm tới mức kịch trần nhưng đến cuối phiên lại thu hẹp đáng kể mức tăng này.

Trong khi đó, báo cáo cho thấy, diện tích gieo trồng ngô trong năm 2022 của Mỹ thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Ngược lại, diện tích gieo trồng đậu tương được dự báo đạt 90,96 triệu mẫu, cao hơn so với số liệu dự đoán.

“Mặc dù các số liệu của hai mặt hàng nông sản chính là ngô và đậu tương đem lại tác động trái chiều cho giá, nhưng triển vọng nguồn cung trong giai đoạn tới lại đang khá tích cực.

Ở Nam Mỹ, tiến độ thu hoạch ngô ở Argentina đang được đẩy mạnh và triển vọng tích cực của ngô vụ 2 ở Brazil có thể bù đắp cho phần diện tích bị cắt giam ở Mỹ cũng như giảm bớt áp lực về nguồn cung trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do thời gian chờ hàng tại cảng Argentina bị kéo dài nên dự kiến lượng ngô nhập khẩu của nước ta trong tháng 4 vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kì năm ngoái.

Bởi vậy, giá thế giới có thể sẽ bước vào một đợt điều chỉnh giảm trong thời gian tới, và các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa sẽ “dễ thở” hơn khi chi phí nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt sau chuỗi tăng liên tục kể từ năm ngoái”, ông Quỳnh đánh giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.