World Cup 2022

Giá trị từ những thất bại liên tiếp của đội tuyển Việt Nam

17/11/2021, 07:00

Những thất bại liên tiếp trước các đối thủ mạnh sẽ không vô nghĩa nếu bóng đá Việt Nam biết học hỏi và tạo ra bước chuyển mình.

Những thất bại liên tiếp tại vòng loại cuối World Cup 2022 buộc HLV Park Hang-seo phải thừa nhận, trình độ của đội tuyển Việt Nam còn khoảng cách lớn so với nhóm đầu châu lục.

Nhưng thất bại không vô nghĩa, nếu bóng đá Việt Nam biết học hỏi và tạo ra bước chuyển mình.

img

Đội tuyển Việt Nam đuối sức tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Ảnh: VFF

Những kết cục được dự báo trước

Trước khi bước vào tranh tài tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam được dự đoán sẽ gặp vô vàn khó khăn. Tất cả các đối thủ đều mạnh hơn, thậm chí vượt trội đội quân áo đỏ.

Chính bởi vậy, việc thầy trò HLV Park Hang-seo phải nhận những thất bại liên tiếp không hề bất ngờ. Nhưng khi chính ông Park phải thừa nhận khoảng cách trình độ giữa tuyển Việt Nam với các đội hàng đầu châu lục còn quá lớn, chúng ta mới thực sự ý thức được vị trí của bóng đá Việt Nam.

Thành công của đội tuyển Việt Nam trong 4 năm qua khiến nhiều người lầm tưởng bóng đá của chúng ta đã nâng tầm. Cũng vì thế đã xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích thày trò HLV Park Hang-seo sau những thất bại ở vòng loại cuối World Cup.

Cần phải nhấn mạnh, Việt Nam lần đầu tham dự vòng đấu này, trong khi các đội bóng cùng bảng đều là khách quen. Ả Rập Xê Út, Nhật Bản hay Australia còn thường xuyên góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Muốn đội tuyển Việt Nam không chới với khi dự vòng loại cuối World Cup, theo HLV Park Hang-seo, cách duy nhất là phải thường xuyên góp mặt để cọ xát và nâng cao dần thành tích.

Thực tế, bóng đá đỉnh cao cho thấy hiếm đội bóng nào lần đầu góp mặt ở một giải đấu lớn lại lập tức gây ấn tượng mạnh mẽ. Iceland tại EURO 2016 là ví dụ hiếm hoi nhưng sau đó cái tên này cũng dần trở lại với thực lực vốn có.

Nhưng làm sao để bóng đá Việt Nam có thể thường xuyên đi tới vòng loại cuối World Cup thì không hề đơn giản. Muốn vậy, bóng đá Việt Nam phải liên tục tạo ra các lứa cầu thủ tài năng, đủ sức cạnh tranh.

HLV Park Hang-seo nhấn mạnh, đầu tư cho đào tạo trẻ chỉ là một vế, quan trọng hơn, các cầu thủ trẻ phải có lộ trình phát triển rõ ràng. Cụ thể hơn là phải được tạo điều kiện thi đấu để sớm trưởng thành.

Phân tích của nhà cầm quân Hàn Quốc hoàn toàn hợp lý. Những năm gần đây, bóng đá trẻ đã được quan tâm nhiều hơn, đầu tư bài bản và mở rộng quy mô. Tuy nhiên, số lượng cầu thủ trẻ được chơi ở V-League, sân chơi cao nhất bóng đá Việt Nam không nhiều.

Chia sẻ với Báo Giao thông, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh từng nói, hàng năm, các đội tuyển trẻ quốc gia luôn được tạo điều kiện thi đấu nhiều giải quốc tế.

Sân chơi cho bóng đá trẻ trong nước cũng ngày một được kiện toàn. Dù vậy, số lượng trận đấu nhìn chung vẫn rất hạn chế.

Cần một chiến lược đồng bộ

Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, nếu muốn tạo ra nhiều lớp cầu thủ tài năng, bóng đá Việt Nam cần có chiến lược đồng độ trong đào tạo cầu thủ trẻ.

“Đào tạo cầu thủ gồm 2 giai đoạn là đào tạo cơ bản và đào tạo thực tế. Sau khoảng 4-6 năm rèn giũa, uốn nắn, cầu thủ phải được thi đấu. Nếu không thi đấu thường xuyên sẽ không thể nào phát triển. Ở những nền bóng đá phát triển, việc những cầu thủ 17, 18 tuổi được ra sân chơi bóng cho đội 1 rất phổ biến nhưng ở Việt Nam thì cực hiếm. Cầu thủ nào phát triển tốt cũng phải từ 20, 21 tuổi mới được trao cơ hội, như vậy các em đã bỏ bẵng đi một quãng thời gian quý báu”, ông Hải dẫn chứng.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, đặt trong điều kiện bóng đá Việt Nam, mọi chiến lược đều khó thực hiện. Bóng đá Việt Nam không thể tự nuôi mình, phải dựa hoàn toàn vào tài trợ, ngân sách địa phương.

Nếu không đảm bảo thành tích, đội bóng sẽ bị cắt tài trợ nên họ ưu tiên sử dụng cầu thủ kinh nghiệm.

“Ngoài ra, việc đào tạo trẻ của chúng ta phủ diện rộng tốt nhưng chiều sâu còn hạn chế. Chỉ một vài CLB làm tốt, còn lại mang tính chất phong trào. Tạo ra một cầu thủ rất dễ nhưng để họ thành tài thì cần sự đầu tư lớn. Bầu Đức mất rất nhiều tiền mới có lứa Công Phượng, Tuấn Anh, khi ông ấy không còn đủ nguồn lực thì hệ quả cũng thấy rõ. Tựu chung lại, bóng đá chỉ phát triển tốt khi kinh tế phát triển”, ông Hải cho biết thêm.

Trong khi đó, HLV Hoàng Văn Phúc nhận định, việc cầu thủ trẻ có được ra sân hay không phụ thuộc nhiều vào sự thể hiện của họ.

“Bóng đá chuyên nghiệp là phải cạnh tranh. Cầu thủ trẻ nếu muốn có cơ hội thì phải cho thấy mình xứng đáng. Không đội bóng nào sử dụng nhân sự kém năng lực. Ngược lại, nếu đủ xuất sắc, tôi tin ở lứa tuổi nào cầu thủ cũng được trọng dụng”, HLV Hoàng Văn Phúc nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của mình, cựu HLV trưởng CLB Quảng Nam cho rằng, muốn bóng đá Việt Nam phát triển trước hết công tác đào tạo trẻ phải mở rộng và chuyên sâu hơn. Như vậy, xác suất tìm ra các cầu thủ tốt sẽ cao hơn.

“Chúng ta nói Đông nói Tây nhưng bản thân nhiều đội bóng V-League còn hổng đào tạo trẻ, không đủ các tuyến trẻ hoặc có cũng chỉ là hình thức. Để phát triển bền vững, bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều sự đầu tư, nhiều học viện trẻ có sự liên kết với các nền bóng đá phát triển. Các CLB cũng cần ý thức đầy đủ về đào tạo trẻ. Bằng không, chúng ta chỉ ăn may được một lứa cầu thủ giỏi rồi lại chìm xuống”, ông Phúc đánh giá.

Lứa Quang Hải, Công Phượng được cọ xát sớm

Theo nghiên cứu của tờ The Guardian, cầu thủ trẻ cần thi đấu ít nhất khoảng 40 trận/năm. Con số này tại Việt Nam tối đa chỉ khoảng 20 trận/năm.

Với điều kiện như vậy, thật khó để cầu thủ trẻ trưởng thành. Đối chiếu thực tế, không phải ngẫu nhiên lứa Quang Hải, Công Phượng phát triển sớm. Đây là lứa cầu thủ được cọ xát môi trường V-League sớm cùng hàng loạt giải đấu quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.