Thị trường

Giá vàng SJC cao hơn thế giới gần 12 triệu, có gì bất thường?

08/12/2021, 13:16

Giá vàng SJC đến thời điểm này cao hơn giá vàng thế giới quy đổi gần 12 triệu đồng mỗi lượng, vì sao có tình trạng này?

Sáng nay, 8/12 giá vàng trong nước tăng nhẹ nhờ thị trường thế giới phục hồi tích cực lên gần ngưỡng 1.890 USD/ounce.

Lúc 11 trưa nay, giá vàng thế giới tăng nhẹ 3,80 USD (0,21%) lên 1.788,90 USD/ounce.

img

Giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi gần 12 triệu. Ảnh minh hoạ

Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank niêm yết sáng nay, giá vàng thế giới quy đổi tương đương 49,58 triệu đồng/lượng, chưa kể thuế phí.

So sánh với giá vàng SJC cùng thời điểm là 61,30 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới thấp hơn giá vàng thương hiệu quốc gia 11,72 triệu đồng mỗi lượng.

Mức chênh lệch từ 9 triệu đồng trở lên vẫn được duy trì kể từ đợt “sóng” vàng gần nhất bắt đầu từ đầu tháng 11 tới nay.

Trước đây, mỗi đợt vàng biến động mạnh hoặc vào dịp Thần Tài hàng năm, vàng SJC và giá vàng các thuơng hiệu khác cũng cao hơn giá vàng thế giới từ 7-8 triệu đồng. Lúc cao nhất, chênh lệch này có khi lên tới gần 15 triệu đồng.

Vì sao giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới nhiều như vậy?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một doanh nghiệp vàng lớn cho biết, giá vàng trong nước thời gian qua tăng giảm theo thị trường thế giới nhưng lại không cùng biên độ vì lý do nguồn cung.

“Cung vàng trong nước bị hạn chế do không được nhập khẩu và Ngân hàng Nhà nước từ lâu đã không sản xuất và cung vàng SJC ra thị trường nên thị trường ngày càng khan hiếm vàng SJC.

Doanh nghiệp nếu bán vàng ra thì phải tự mua bán trên thị trường và phải tự cân đối. Nên giá vàng trong nước không còn liên thông với giá vàng quốc tế nữa”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Theo thông tin từ doanh nghiệp này, nhu cầu mua vàng của người dân thường cao hơn nhiều so với nhu cầu bán lại, nhất là những dịp như Thần Tài hệ thống của doanh nghiệp này có ngày bán ra hơn 3.500 lượng, gồm cả vàng SJC và thương hiệu riêng. Trong khi đó, gần như không mua vào được.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giữa thị trường trong nước và thế giới lên tới vài triệu đồng đã là cao, còn lên tới 7 triệu, 8 triệu và cao hơn nữa là điều bất thường.

Từ ngày 20/11/2021, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp quyền cấp Giấy phép tạm nhập khẩu vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm đối với doanh nghiệp có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài; Điều chỉnh giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái sản xuất sản phẩm đối với doanh nghiệp có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài; Cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ông Hiếu cho rằng, nếu nhu cầu vàng trong nước cao cũng sẽ đẩy giá vàng lên do không có sự liên thông với thị trường thế giới, nhưng cũng không loại trừ hiện tượng đầu cơ vàng, tạo ra sự mất cân đối giữa thị trường vàng trong nước và thế giới.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giá vàng như hiện nay sẽ tạo ra rủi ro lớn cho các nhà đầu tư và người dân, chênh lệch càng cao thì rủi ro càng lớn.

Cũng liên quan đến việc nhập khẩu vàng nguyên liệu, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 1700 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính thực hiện tại bộ phận một cửa quốc gia.

Theo đó, từ ngày 20/11/2021, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng chỉ để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp khai thác vàng tại Việt Nam; Thủ tục đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.